Sáng 12/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về việc quyết định Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tại Điều 4 và Điều 5 quy định: "Quốc hội quyết định Ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp", "Ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử".
Căn cứ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và trên cơ sở tổng kết các cuộc bầu cử gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là Chủ nhật, ngày 15 tháng 3 năm 2026.
Dự thảo Nghị quyết về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031 gồm 2 điều như sau:
Điều 1. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 là Chủ nhật, ngày 15 tháng 3 năm 2026.
Điều 2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Bà Nguyễn Thị Thanh khi trình bày Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 15 tháng 3 năm 2026 là phù hợp với các yêu cầu về thực tiễn. Do vậy, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết.
Để rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng nhân dân với mục tiêu nêu trên, nhưng vẫn có đủ thời gian thực hiện các thủ tục, quy trình trong công tác bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4 năm 2026 (thay vì tháng 7 năm 2026).
Liên quan phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV. Dự kiến Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày Chủ nhật 15/3/2026 và ngày 6/4/2026 họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội.
Về số lượng đại biểu Quốc hội, dự kiến là 500 đại biểu, trong đó tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40%. Định hướng chung về cơ cấu là: Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỷ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội.
Số lượng đại biểu HĐND, căn cứ vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính; thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
Về tiêu chuẩn đại biểu, cơ bản như kỳ bầu cử trước, tuy nhiên, có điểm mới là: ưu tiên người có trình độ về khoa học công nghệ; người được đào tạo cơ bản về pháp luật.
Tính đến tháng 3/2026 phải đủ tuổi trọn 1 nhiệm kỳ, Nam (tháng 3/1969), Nữ (tháng 9/1972) trở lại đây. Tái cử phải còn ít nhất 36 tháng, Nam (tháng 3/1967), Nữ (tháng 5/1971) trở lại đây và đặc biệt quán triệt yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa qua là: phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!