Ở một thế giới nơi mặt trời mọc không báo hiệu buổi sáng, và 3 giờ sáng mới là "giờ vàng" để try hard, nghề game thủ chuyên nghiệp đang tạo ra một dạng sinh học mới – con người sống theo múi giờ máy chủ. Không phải ngẫu nhiên mà từ khóa "game thủ chuyên nghiệp ngủ mấy giờ", "sức khỏe Esports" hay "lối sống tuyển thủ" lại trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn gần đây. Thực tế, giấc ngủ – thứ tưởng chừng như cơ bản nhất trong đời sống – lại là một "đặc sản" cực hiếm trong làng Esports.
Không như các môn thể thao truyền thống vốn có khung giờ tập luyện và thi đấu rõ ràng, Esports lại là cuộc chơi toàn cầu. Một giải đấu Valorant có thể diễn ra ở Mỹ lúc 9h sáng giờ địa phương – đồng nghĩa với việc game thủ Việt Nam phải thi đấu lúc… 23h hoặc thậm chí 1–2h sáng. Việc luyện tập cũng phải xoay quanh thời gian của đối thủ quốc tế – thế nên chuyện thức đến 4–5h sáng, ngủ đến chiều là điều gần như bình thường. Nhưng chính sự "bình thường mới" này lại gây ra hậu quả bất thường với sức khỏe thể chất và tinh thần của game thủ. Nhiều tuyển thủ trẻ thường tự tin rằng mình "chơi xuyên đêm vẫn bắn hay", rằng "ngủ ít cũng chẳng sao". Nhưng khoa học thì không vui tính như vậy. Theo các chuyên gia thần kinh học, việc thiếu ngủ mãn tính gây giảm phản xạ, giảm khả năng xử lý tình huống và tệ nhất là ảnh hưởng đến vùng não kiểm soát cảm xúc – một điều tối kỵ trong môi trường thi đấu áp lực cao như Esports.
Chưa kể, ngủ lệch múi giờ kéo dài còn gây rối loạn đồng hồ sinh học, dẫn đến các vấn đề nguy hiểm như trầm cảm, giảm miễn dịch, rối loạn tiêu hóa – mà có khi chỉ vì… không chịu tắt máy lúc 3h sáng. Ngô "crazyguy" Công Anh – tuyển thủ Valorant hàng đầu Việt Nam đang thi đấu cho RRQ – từng thẳng thắn chia sẻ trong một buổi giao lưu rằng: "Đợt về Việt Nam nghỉ vài tuần, mình định điều chỉnh lại giấc ngủ nhưng khổ nỗi ngủ sớm thì không tài nào ngủ được, mà ngủ muộn lại thức trưa".
Với lịch tập căng thẳng, thời gian sinh hoạt tréo ngoe, game thủ chuyên nghiệp gần như phải "di cư đồng hồ sinh học" mỗi vài tháng – từ Indonesia đến Hàn Quốc, rồi đến Canada (như giải Master Toronto 2025) – và mỗi lần như vậy là một lần cơ thể phải làm quen lại từ đầu.
(Giấc ngủ rất quan trọng đối với game thủ)
Dẫu vậy, không thể phủ nhận một làn sóng chuyển mình đang diễn ra trong giới tuyển thủ. Nhiều đội tuyển lớn như Team Liquid, Fnatic, DRX... đã thuê chuyên gia sức khỏe, chuyên gia giấc ngủ và dinh dưỡng để tối ưu hóa hiệu suất vận động viên. Ở Việt Nam, một số tổ chức như Team Flash hay CERBERUS cũng đã bắt đầu xây dựng lịch sinh hoạt có khoa học hơn. Một số game thủ trẻ thậm chí còn chủ động... học thiền để ngủ sâu hơn hoặc dùng thiết bị theo dõi giấc ngủ để đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi đúng cách.
Từ khóa "chế độ ngủ game thủ Esports", "ăn ngủ điều độ trong gaming house" hay "game thủ chuyên nghiệp giữ gìn sức khỏe" đang bắt đầu được quan tâm hơn – dù còn rất khiêm tốn so với các chủ đề như "top 10 cú clutch ảo diệu" hay "pha xử lý 200IQ". Một vấn đề lớn là đa phần tổ chức Esports tại Việt Nam vẫn xem nhẹ tầm quan trọng của giấc ngủ và nhịp sinh học. Nhiều đội không có chuyên gia y tế, cũng chẳng có kế hoạch quản lý giờ giấc cụ thể. Tuyển thủ muốn thức lúc nào thì thức, ngủ lúc nào thì ngủ – miễn sao vẫn bắn "ổn".
Và đến khi hiệu suất tụt giảm, sức khỏe xuống cấp thì… "do tâm lý", "do phong độ", chứ chẳng ai hỏi xem cậu ấy đã ngủ đủ 7 tiếng chưa. Từ đó, giấc ngủ – vốn là nền tảng của mọi sự hồi phục – trở thành thứ xa xỉ trong một ngành mà tuổi thọ tuyển thủ chỉ dao động từ 5 đến 7 năm.
(Esport đã có sự phát triển vượt bậc và dần trở thành một ngành công nghiệp triệu đô)
Câu trả lời là có, nhưng đòi hỏi sự chung tay từ cả tổ chức, game thủ và truyền thông. Các đội tuyển cần đầu tư vào quản lý giờ giấc – dù không cần cực đoan như quân đội, thì chí ít cũng phải có người giám sát giờ ăn, giờ ngủ và giờ off. Game thủ cũng cần hiểu rằng ngủ đúng giờ không khiến bạn yếu đi, mà ngược lại, giúp bạn bắn ổn định hơn và sống lâu hơn trong nghề. Họ cần được trang bị kiến thức về chu kỳ REM, về ánh sáng xanh, về cách điều chỉnh giấc ngủ sau khi bay qua 3 múi giờ liên tục.
Thậm chí, tổ chức các buổi workshop về giấc ngủ cho game thủ – nghe có vẻ lạ nhưng rất cần thiết – vì cái giường ngủ, đôi khi quan trọng không kém gì… chuột gaming. Đừng để những highlight rực rỡ trên sân khấu quốc tế che khuất thực tế rằng: cơ thể con người, kể cả game thủ chuyên nghiệp, vẫn cần một giấc ngủ đúng và đủ để duy trì hiệu suất và sức bền sự nghiệp.
Khi một cú flick headshot là kết quả của hàng ngàn giờ luyện tập – thì một giấc ngủ sâu chính là điều kiện để bạn thực hiện cú flick đó ở đỉnh cao nhất. Và biết đâu, mai này khi viết hồi ký, một game thủ sẽ phải thừa nhận rằng: "Kẻ địch khó nhằn nhất, không phải Gen.G hay Paper Rex, mà chính là cơn buồn ngủ lúc 4h sáng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!