HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đang phải tìm kiếm những gương mặt mới tăng cường chất thép cho ĐTQG nữ Việt Nam, hướng đến những mục tiêu quan trọng trong năm 2025.
Bước vào năm 2025, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đang có những chuyển động mạnh mẽ về mặt chuyên môn nhằm chuẩn bị cho hàng loạt giải đấu lớn, đặc biệt là mục tiêu cao nhất: tấm HCV tại SEA Games 33 tổ chức vào tháng 12 tại Thái Lan.
Trong buổi chia sẻ mới nhất, HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết: "Về mặt lối chơi, đội tuyển đã định hình được bản sắc trong hai năm qua. Tuy nhiên, năm nay có một mất mát lớn là chủ công Tú Linh không thể góp mặt vì chấn thương. Đây là VĐV giữ vai trò rất quan trọng ở khâu chuyền một và phòng thủ."
Sự vắng mặt của Tú Linh là tổn thất lớn cho ĐT bóng chuyền nữ quốc gia Việt Nam.
Chính vì thế, trong đợt tập trung đầu năm, ban huấn luyện đã gọi tới 6 chủ công – một con số cho thấy sự chủ động trong việc tìm kiếm nhân tố thay thế và nâng cấp tuyến phòng ngự. HLV Tuấn Kiệt khẳng định phòng thủ sẽ là trọng tâm trong toàn bộ quá trình chuẩn bị năm nay.
Chuyên gia thể lực góp phần thay đổi cách huấn luyện
Những gương mặt như Nguyễn Thị Uyên, Ánh Thảo, Nguyễn Thị Phương, Như Quỳnh hay Đặng Thị Hồng được kỳ vọng tỏa sáng trong thời gian tới.
Một điểm mới đáng chú ý trong công tác huấn luyện năm nay là sự xuất hiện của một HLV thể lực riêng biệt – điều hiếm thấy trong các năm trước. Sau hai tuần tập trung đầu tiên, các VĐV đã cảm nhận rõ sự khác biệt trong giáo án rèn thể chất. "Cường độ, bài tập và phương pháp huấn luyện của chuyên gia thể lực nước ngoài giúp toàn đội trở nên chuyên nghiệp hơn, có sự tin tưởng và hứng thú hơn trong từng buổi tập," một tuyển thủ chia sẻ. Sự bổ sung này cho thấy bóng chuyền nữ Việt Nam đang đầu tư bài bản hơn về thể trạng – yếu tố then chốt khi phải chinh chiến liên tục ở nhiều giải đấu quốc tế trong năm.
Thái Lan trở lại mạnh mẽ với lực lượng hùng hậu
Ở chiều ngược lại, đội tuyển Thái Lan – đối thủ lớn nhất của Việt Nam tại SEA Games – đang có sự chuẩn bị vô cùng nghiêm túc. HLV kỳ cựu Kiattipong Radchatagriengkai đã trở lại dẫn dắt đội tuyển. Đồng thời, Thái Lan đã triệu tập hơn 30 VĐV, trong đó tất cả đều được yêu cầu không thi đấu ở nước ngoài trong cả năm 2025 để tập trung tối đa cho ĐTQG. Đây là một bước đi đầy quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh nhiều tuyển thủ Thái Lan đang có suất đá chính ở các CLB tại Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Lịch trình thi đấu dày đặc, áp lực gia tăng
Năm 2025 sẽ là năm thi đấu liên tục và nhiều thử thách của tuyển Việt Nam với các giải đấu:
AVC Nations Cup (Hà Nội, tháng 6) VTV Cup (Vĩnh Phúc, tháng 7) SEA V.League (Việt Nam & Thái Lan, tháng 7–8) Giải vô địch thế giới (Thái Lan, tháng 9) SEA Games 33 (Thái Lan, tháng 12)
Việc phải duy trì thể lực, phong độ và giữ ổn định đội hình xuyên suốt 6 tháng là thách thức không nhỏ. Trong đó, SEA Games 33 là mục tiêu lớn nhất – nơi đội tuyển nữ Việt Nam đặt tham vọng lần đầu bước lên bục cao nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh vừa phải thay đổi nhân sự, vừa cạnh tranh với đối thủ có chiều sâu như Thái Lan, đội bóng của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt sẽ cần đến sự đoàn kết, bản lĩnh và một chiến lược huấn luyện hiệu quả để biến khát vọng thành hiện thực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!