Số hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát ở tỉnh Nghệ An
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đứng thứ tư toàn quốc. Thế nhưng, tới 83% dân cư nơi đây sinh sống tại các địa bàn miền núi, nơi đời sống còn nhiều khó khăn. Phần lớn các hộ nghèo, cận nghèo tập trung ở khu vực này. Chỉ tính riêng năm huyện vùng cao, đã có tới 13.300 hộ cần được hỗ trợ nhà ở, chiếm hơn 60% tổng số hộ khó khăn toàn tỉnh. Thách thức trong hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Nghệ An còn rất lớn, khi mỗi ngôi nhà hoàn thiện không chỉ đơn thuần là một mái che - đó là hy vọng, là giấc mơ về chốn an cư cho biết bao phận đời lam lũ.
Trong cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống giữa buổi nắng chiều, người phụ nữ ấy tất tả chạy về. Chị Lò Thị Vân- một người vợ, một người mẹ - vội vã néo lại mái nhà tạm bợ, tấm bạt căng đỡ trời mưa, mong sao giữ cho góc giường nơi người chồng bệnh tật nằm không bị ướt.
"Mưa gió thì dắt nhau đi ở tạm nhà anh em… hay bà nội ở trên ấy… Khi mô trời quang mưa tạnh thì lại quay về…" - chị thầm thì.
Nhưng chẳng phải lúc nào cũng kịp tránh mưa, tránh gió. Và vì thế, một ngôi nhà vững chãi, kín mưa, kín gió đã trở thành ước mơ lớn nhất của người phụ nữ ấy - người đã một mình gồng gánh gia đình suốt gần 10 năm qua…
Chị Lò Thị Vân, Xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Viêm gan B rồi xơ gan, ung thư gan… Ông ấy bị ung thư, không biết lúc nào ông ấy chết… Con cái cũng nói, nhà nước hỗ trợ thì mình cũng cố gắng làm đi để bố ở với mình được ngày nào thàng nào thì sau này mình cũng không hối hận…
Có câu nói: "Nhân sinh có hai con đường: một con đường dùng tâm bước là ước mơ, một con đường dùng chân bước là hiện thực." Và hôm nay, với sự hỗ trợ từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, một ngôi nhà mới sẽ được xây dựng - để người phụ nữ ấy có thể dùng chính đôi chân mình mà chạm vào giấc mơ bấy lâu.
"Nhà nước giúp đỡ, mình cũng cố gắng làm… Hết tháng 5 chắc là xong. Vừa mừng mà cũng vừa lo…" - chị nghẹn ngào.
Có người phụ nữ như chị Ngân Thị Nguyệt, Xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An ước mơ một mái nhà kiên cố để người chồng bệnh tật bớt nhọc nhằn, bớt nỗi bất an những ngày mưa gió. Có người phụ nữ ước mơ một mái nhà vững chãi để đứa con thơ không còn phải chạy nắng, chạy mưa, không còn giật mình sợ hãi mỗi lần trời nổi giông bão.
Trong căn nhà tạm bợ ấy, mỗi cơn gió lớn, mỗi trận mưa to đều là một nỗi ám ảnh. Hơn 4 năm qua, chị Nguyệt lặng lẽ xoay xở, gánh vác cả gia đình với hai đứa con nhỏ, khi chồng chị đi làm xa. Nỗi lo càng chồng chất khi đứa con trai út, nay mới 4 tuổi, từ lúc 8 tháng tuổi đã phát hiện mắc bệnh tan máu bẩm sinh, đều đặn mỗi tháng một lần phải vào viện truyền máu.
Những mái nhà mới sẽ sớm thay thế cho mái lá, mái bạt tạm bợ. Dù ai cũng hiểu, gánh nặng gia đình, những nỗi lo cơm áo, bệnh tật chẳng vì thế mà vơi đi ngay... Nhưng những ngôi nhà vững chãi ấy sẽ san sẻ phần nào buồn lo cho những người mẹ, người vợ còn trẻ nhưng trên gương mặt đã hằn sâu dấu vết nhọc nhằn. Để sau những cơn mưa, dẫu chưa thể thấy cầu vồng, cũng đã có thể nhìn thấy khoảng trời có nắng - chút an yên quý giá trong hành trình gian khó.
Theo số liệu của chính quyền huyện Con Cuông cho biết địa phương này có 917 hộ cần xây dựng sửa chữa nhà theo diện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Hiện, đã thực hiện được hơn 400 hộ. Tuy nhiên, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là với các hộ dân tộc người Đan Lai sinh sống trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát.
Do yếu tố lịch sử lâu đời, các hộ dân - người Đan Lai sinh sống tại 2 bản Cò Phạt, Khe Búng trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu đi căn cứ pháp lý để đảm bảo việc thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Để gỡ khó vấn đề này, chính quyền tỉnh Nghệ An đã thực hiện tách hơn 400 ha đất ở và đất sản xuất nông nghiệp của cộng đồng người Đan Lai sinh sống tại 2 bản Cò Phạt và Khe Búng, xã Môn Sơn để chính quyền địa phương thực hiện quy trình quản lý nhà nước về đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho bà con.
Vấn đề pháp lý về đất ở cho các hộ dân người Đan Lai đã được giải quyết. Tuy nhiên, việc xây dựng, sửa chữa những ngôi nhà mới cho đồng bào nơi đây vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn…
Xóa nhà tạm, nhà dột nát - Hành trình gỡ khó ở vùng khó
Gần 20km di chuyển từ trung tâm xã vào vùng sinh sống của tộc người Đan Lai, nằm sâu trong lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Thế nhưng, dưới sự hỗ trợ của cán bộ địa phương, vừa đi xe máy, vừa đi bộ suốt nhiều giờ nhưng nhóm phóng viên vẫn chưa thể chạm tới nơi bà con cư trú. Hành trình gian nan ấy phần nào cho thấy thách thức vô cùng lớn trong công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát ở đây - đặc biệt là ở khâu vận chuyển nguyên vật liệu, vốn là điều kiện tiên quyết để dựng nên những mái nhà mới cho bà con an cư, lạc nghiệp.
Đường núi dốc cao, trơn trượt, chỉ một cơn mưa nhỏ cũng đủ biến lối mòn thành bùn lầy, khiến việc di chuyển vô cùng gian khó. Xe máy phải dắt bộ từng quãng, đi bộ thì lấm lem bùn đất, còn ô tô thì hoàn toàn bó tay trước địa hình hiểm trở này.
Với khoản kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng cho mỗi ngôi nhà xây mới, mọi chi phí đều phải được tính toán tỉ mỉ, cân nhắc chi li. Bởi lẽ, ở những nơi đường sá cách trở như thế này, riêng chi phí vận chuyển nguyên vật liệu đã có thể gấp đôi giá trị vật tư, đẩy bài toán tài chính vào thế chật vật hơn bao giờ hết.
Thượng tá Hoàng Nhật Sơn, Phó Bí thư đảng ủy tăng cường xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho biết: "Chưa có báo cáo nhưng bước đầu ước tính để vận chuyển thì mất khoảng 100 triệu, vì chi phí vận chuyển rất lớn. Tính toán chi li, những vật liệu khai thác địa phương như tranh tre nứa lá, lấy 3 cái cứng để làm cơ bản còn chi tiết thẩm mỹ thì gặp nhiều khó khăn".
Tính toán chi li, tìm cách đảm bảo các tiêu chí "3 cứng" cho mỗi mái nhà mới — cứng nền, cứng tường, cứng mái — trở thành yêu cầu bắt buộc. Bởi lẽ, 78 ngôi nhà của đồng bào Đan Lai tại hai bản Cò Phạt và Khe Búng, thuộc diện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, đều không thể trông chờ vào khoản đối ứng từ người dân. Đời sống còn quá đỗi khó khăn, kinh tế của các hộ chỉ vừa đủ để chạy ăn từng bữa, nên việc đóng góp thêm kinh phí là điều gần như không thể.
Để đảm bảo vừa sát với thực tế tài chính, vừa phù hợp với tập quán sinh hoạt của bà con, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng hai ngôi nhà mẫu. Qua đó, các tiêu chí về chất lượng, diện tích, kết cấu được tính toán kỹ lưỡng, điều chỉnh linh hoạt nhằm tối ưu chi phí, đồng thời vẫn đáp ứng mong muốn về một chốn an cư bền vững cho đồng bào.
Ông Nguyễn Hoài An, Bí thư huyện ủy huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho biết: "Quy định là xây mới 60 triệu, sửa chữa 30 triệu. Tuy nhiên để thực hiện chi phí này thì rất khó khăn. Ban chỉ đạo huyện, chỉ đạo xã xác định là huy động ngày công còn số tiền 60 triệu là chỉ cho nguyên liệu thôi".
Những ngôi nhà mẫu vẫn đang tiếp tục được chỉnh sửa để ngày càng kiên cố, chắc chắn và hợp lý hơn. Song song với đó, chính quyền địa phương cũng đang gấp rút tháo gỡ các khó khăn, hoàn thiện thủ tục cấp đất cho bà con, đảm bảo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát — một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn khi đồng bào sinh sống trong vùng lõi của Vườn quốc gia.
Mục tiêu đặt ra là trước tháng 7 này, bà con sẽ được dọn về nhà mới, những ngôi nhà thực sự vững chãi, là nền tảng cho cuộc sống an cư, lạc nghiệp bền vững hơn.
ngay lúc này, đã có những niềm vui nhỏ sớm đến với những hộ dân đầu tiên được dọn vào ở thử trong các ngôi nhà mẫu. Tiếng cười xen lẫn những ánh mắt còn chưa hết ngỡ ngàng, xúc động.
Ngôi nhà mới và nhiều hơn một sự bắt đầu
Gần 20 năm sau khi Chính phủ triển khai Đề án "Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An", đời sống của đồng bào Đan Lai đang dần có những chuyển biến tích cực. Những ngôi nhà mới đang được xây dựng, mang theo hy vọng giúp bà con nơi đây vơi bớt những nhọc nhằn mưu sinh, từng bước ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, để tạo ra sự đổi thay thực sự và bền vững, không thể chỉ trông chờ vào những mái nhà kiên cố. Bởi lẽ, những tập tục lạc hậu vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ, nếp sống của nhiều thế hệ, kéo theo cái nghèo, cái khó dai dẳng qua năm tháng.
Chị Lê Thị Sài, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, chia sẻ: "Không muốn đẻ thêm mà chồng cứ bắt đẻ. Nói không nghe, họ cứ bảo phải đẻ thì phải đẻ thôi. Chồng muốn, mình cũng chịu... Khổ lắm, nhưng biết làm răng được…Rồi còn uống rượu nữa. Tôi nhắc uống vừa vừa thôi, không thì hết tiền đấy… Nhưng bảo mãi cũng vậy, toàn uống cho say mềm mới chịu về nhà…".
Cái khó bó cái khôn…những hủ tục tồn tại qua nhiều thế hệ vẫn đang níu giữ cuộc sống của người Đan Lai, khiến hành trình vươn lên thoát nghèo, thoát khổ dù đã bắt đầu nhưng vẫn chưa thể đi được xa.
Trong những ngôi nhà tạm bợ - chẳng che nổi nắng, chẳng tránh được mưa - những đứa trẻ vẫn tiếp tục được sinh ra. Sinh ra giữa gian khó, khi cả cha lẫn mẹ đôi khi còn chưa kịp toan tính cho một tương lai vẹn tròn hơn cho các em…
Thượng tá Hoàng Nhật Sơn, Phó Bí thư đảng ủy tăng cường xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho biết: " Đói nghèo sinh ra nhiều hệ lụy, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Hôn nhân cận huyết thống đã giảm rất nhiều rồi nhưng sinh nhiều, sinh dày thì vẫn còn rất nhiều. Trở thành gánh nặng cho các gia đình và chính địa phương".
Những ngôi nhà dột nát sẽ được sửa chữa, xây mới - để trở thành chốn che nắng, che mưa, là nền tảng vững chắc cho một tương lai mới.
Những đứa trẻ đã được đưa đến trường, để học con chữ, để mở rộng tầm nhìn, để không còn tiếp bước theo những hủ tục của ông bà, cha mẹ.
Với ngôi nhà và con chữ, hành trình thay đổi vẫn tiếp tục. Hành trình ấy sẽ không còn là nốt lặng giữa đại ngàn miền Tây xứ Nghệ của đồng bào Đan Lai mà là những bước đi vững chãi, từng ngày, từng bước, trên con đường hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!