Ngày 9/5, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân chính thức được trình Quốc Hội, trong đó quy định rõ về việc tổ chức xét xử trực tuyến. Đây là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm lớn từ người dân và giới chuyên môn, bởi nó sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến ngành tư pháp trong tương lai, đặc biệt khi toàn bộ hệ thống chính quyền sẽ được tổ chức lại 2 cấp tỉnh thành và xã phường. Điều kiện địa lý và nhu cầu ứng dụng công nghệ xét xử từ xa ngày càng gia tăng.
Theo quy định mới, Tòa án có thể tiến hành xét xử bằng hai phương thức: trực tiếp và trực tuyến. Phiên tòa trực tuyến sẽ được tổ chức tại phòng xử án, sử dụng thiết bị điện tử kết nối qua mạng, cho phép các bị cáo, bị hại, đương sự và những người tham gia tố tụng khác tham gia từ xa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định.
Xét xử online tại Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương - tỉnh Tuyên Quang
Gần đây, Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành một phiên xét xử trực tuyến liên tỉnh, với điểm cầu trung tâm tại huyện Sơn Dương và đầu cầu tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về An toàn giao thông đường bộ" diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, tiết kiệm thời gian cho các bên và ngành Tòa án.
Ông Lê Tuấn Linh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương, cho biết từ năm 2020 đến nay, tòa án này đã tổ chức 99 phiên tòa trực tuyến. Ông khẳng định việc áp dụng công nghệ thông tin trong xét xử là xu hướng tất yếu, phù hợp với các chủ trương cải cách tư pháp và xây dựng Tòa án điện tử. Việc xét xử trực tuyến đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử.
Ông Lê Tuấn Linh - Phó Chánh án TAND huyện Sơn Dương - Tuyên Quang: Xét xử trực tuyến ảnh hưởng sâu rộng đến ngành tư pháp trong tương lai.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa từ Công ty Luật TNHH ASL (TP Hồ Chí Minh), người đã tham gia nhiều phiên tòa trực tuyến, đánh giá rằng hệ thống Tòa án Việt Nam đang phát triển để hòa nhập với xu thế quốc tế. Ông cho rằng xét xử trực tuyến không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn tăng cường tiếp cận công lý, đặc biệt đối với những người yếu thế, người khuyết tật hay ở xa. Điều này cũng giúp đảm bảo tiến độ giải quyết vụ án, nhất là các vụ án đơn giản và rõ ràng.
Tuy nhiên, xét xử trực tuyến cũng gặp phải một số thách thức. Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, thiếu thiết bị và đường truyền ổn định ở nhiều khu vực, dễ dẫn đến sự cố gián đoạn trong quá trình xét xử. Việc đánh giá chứng cứ và tâm lý người tham gia tố tụng qua màn hình cũng có thể thiếu chính xác so với xét xử trực tiếp. Bên cạnh đó, việc thu thập chứng cứ từ xa và kiểm soát tình hình tại các điểm cầu cũng gặp khó khăn. Đặc biệt, việc duy trì tính trang trọng của phiên tòa trực tuyến khi có nhiều điểm cầu tham gia là một thách thức lớn.
Ông Lê Tuấn Linh bày tỏ lo ngại về việc cần có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về bảo mật thông tin trong các phiên tòa trực tuyến, tránh rủi ro bị hack hoặc xâm phạm dữ liệu. Đồng thời, cần có hướng dẫn chi tiết về các vụ án có tính chất đơn giản, rõ ràng và điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa: Xét xử trực tuyến thúc đẩy chuyển đổi số ngành Tư pháp
Với việc Quốc hội thảo luận, thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa kỳ vọng rằng Luật sẽ quy định tiêu chuẩn thiết bị, phần mềm, bảo mật thông tin và trách nhiệm của các bên liên quan. Ông cũng mong muốn mở rộng xét xử trực tuyến cho các loại hình tố tụng khác, không chỉ các vụ án hình sự mà còn dân sự, hành chính và lao động. Việc phối hợp giữa các Tòa án và cơ quan liên quan sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho luật sư và người dân tham gia.
"Chúng tôi rất kỳ vọng những sửa đổi trong Luật Tổ chức Tòa án sẽ giúp cải thiện các vấn đề này và nâng cao hiệu quả xét xử trực tuyến trong tương lai, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Tư pháp, giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn với thế giới," ông Hòa nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!