Công an tỉnh Bắc Giang vừa công bố kết quả điều tra cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2025, cơ sở sản xuất của bị can Nguyễn Văn Tân, thành phố Bắc Giang đã đưa ra thị trường tới 60 tấn giá đỗ ngâm tẩm hóa chất. Đây là vụ việc có quy mô lớn thứ hai được phát hiện trong vòng nửa năm qua liên quan đến thực phẩm sử dụng hóa chất không được phép.
Cơ sở sản xuất của bị can Nguyễn Văn Tân, thành phố Bắc Giang đã đưa ra thị trường tới 60 tấn giá đỗ ngâm tẩm hóa chất
Hóa chất 6-Benzylaminopurine là chất kích thích sinh trưởng có khả năng làm cây ra nhánh, đâm chồi, tăng khả năng ra hoa và kích thước quả
Loại hóa chất được sử dụng có tên 6-Benzylaminopurine, vốn là chất kích thích sinh trưởng có khả năng làm cây ra nhánh, đâm chồi, tăng khả năng ra hoa và kích thước quả. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chất này bị cấm sử dụng trong thực phẩm cũng như trong các loại thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, việc tiếp cận và mua loại hóa chất này ngoài thị trường lại không gặp nhiều trở ngại, thậm chí có thể mua với số lượng lớn.
Theo ông Phạm Hoàng Đức, Phó Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hoạt động sản xuất giá đỗ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật An toàn thực phẩm. Do đó, các cơ sở phải đăng ký kinh doanh theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP, đồng thời được thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
"Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương sẽ kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất. Trường hợp không thuộc diện cấp giấy thì cơ sở phải ký cam kết và vẫn bị kiểm tra chặt chẽ", ông Đức cho biết.
Ông Phạm Hoàng Đức, Phó Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ nội dung việc mua bán trái phép hóa chất độc hại
Việc hậu kiểm hiện do các cơ quan địa phương thực hiện theo phân cấp, chủ yếu là cấp tỉnh và xã, căn cứ vào Thông tư 38/2018, Thông tư 17/2018 và Thông tư 17/2024 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Đáng lo ngại, hiện tượng mua bán trái phép hóa chất độc hại qua mạng là một lỗ hổng lớn.
"Tại một số vụ việc ở Đắk Lắk hay Nghệ An, các đối tượng đều thừa nhận đã mua hóa chất trên không gian mạng. Quản lý trên nền tảng này rất khó khăn. Vì vậy cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là kiểm soát hoạt động kinh doanh hóa chất không rõ nguồn gốc trên mạng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an", ông Đức đề xuất.
Ông Đức cho rằng, ở góc độ người tiêu dùng, việc chủ động trang bị kiến thức về an toàn thực phẩm là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ giúp phòng tránh rủi ro cho bản thân mà còn góp phần giám sát xã hội.
"Người dân cần hiểu rõ nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với từng nhóm sản phẩm. Chẳng hạn, với giá đỗ, loại thực phẩm dễ bị can thiệp bằng hóa chất kích thích thì cần biết cách nhận diện qua cảm quan. Giá đỗ bị ngâm hóa chất thường có cọng ngắn, mập, ít hoặc không có rễ, rễ ngắn", ông Đức hướng dẫn.
Đồng thời, ông khuyến cáo người dân nếu phát hiện sản phẩm không đảm bảo an toàn, cần nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng tại địa phương. "Chúng tôi rất mong người tiêu dùng đồng hành trong việc phát hiện và kịp thời cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng có căn cứ xử lý theo đúng quy định pháp luật", ông Đức chia sẻ.
Khi bị bắt, chủ cơ sở Nguyễn Văn Tân đã thừa nhận: "Tôi nhận thức việc mình làm là sai và rất hối hận".
Cái gọi là hối hận chỉ xuất hiện sau khi bị phát hiện, điều này thật sự rất khó chấp nhận. Quan điểm này khi được đăng tải trên fanpage của Thời sự VTV đã nhận được sự đồng tình từ đông đảo khán giả.
Với 60 tấn giá đỗ bị ngâm tẩm hóa chất đã trót đưa ra thị trường, đến nay vẫn chưa thể thống kê chính xác có bao nhiêu người đã tiêu thụ và liệu sức khỏe của họ có bị ảnh hưởng nghiêm trọng hay không. Nguy cơ ung thư, tổn hại lâu dài đến nội tạng và sức đề kháng là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều đáng lên án là các đối tượng liên quan đã phớt lờ tính mạng của cộng đồng, chỉ để trục lợi cá nhân.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, theo khoản 1, Điều 317, Bộ luật Hình sự. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Tân, chủ cơ sở sản xuất, trú tại phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, cũng đã bị khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Vụ việc này là minh chứng cho việc các hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm bẩn đang bị xử lý nghiêm khắc, không có sự nhân nhượng. Chính quyền và cơ quan chức năng tái khẳng định quan điểm kiên quyết: không để thực phẩm bẩn tiếp tục khuấy đảo đời sống người dân, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!