Công việc độc hại, không phụ cấp
Theo công văn số 9552/TCCB của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 26/09/2003 về việc thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên cho đến nay sau 22 năm ban hành văn bản trên, nhóm viên chức làm công tác Thiết bị - Thí nghiệm trường học thuộc các trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) vẫn chưa được chi trả khoản phụ cấp này.
Trao đổi với phóng viên, đại diện nhóm viên chức làm công tác Thiết bị - Thí nghiệm trường học huyện Ba Vì, cô N.T.T.T cho biết: “Chúng tôi đều là giáo viên hợp đồng của các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện; tới tháng 7 năm 2009 thì chuyển sang làm công tác nhân viên thiết bị, thí nghiệm trường học. Tuy nhiên, từ đó tới nay, chúng tôi đều không nhận được phụ cấp độc hại”.
Từ năm 2013, theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục có đề ra mục tiêu đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nên thực hành trong các trường học từ khối Tiểu học tới khối THPT được chú trọng đẩy mạnh. Từ mỗi trường chỉ có 1 phòng thực hành thí nghiệm được tăng cường thêm 5 phòng.
Chính vì thế vai trò của những viên chức quản lý thiết bị, thí nghiệm là rất quan trọng. Công việc của các thầy, cô là làm việc trong kho hóa chất, phục vụ các tiết thực hành môn Hóa, Sinh, Lý.
Kho hóa chất của các trường THCS là nơi làm việc chính của những viên chức làm công tác thiết bị - thí nghiệm trường học.
Theo ghi nhận của phóng viên, họ là những người trực tiếp triết, rót, pha hóa chất để hướng dẫn các buổi thực hành cho học sinh và giúp đỡ giáo viên bộ môn. Ngoài ra, những thầy cô này cũng có trách nhiệm bảo quản tài sản như tivi, máy chiếu, tài sản công của nhà trường.
Hàng ngày công việc của những thầy cô này là pha trộn hóa chất, phục vụ cho giờ dạy của giáo viên.
Cô N.T.T.T, viên chức thuộc nhóm làm công tác thiết bị - thí nghiệm trường học tại một trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì chia sẻ: “Chúng tôi tiếp xúc với hóa chất, axit HCL, axit sunfuric, chì, dung môi,… thao tác trong môi trường tiềm ẩn rủi ro nhưng vẫn bị coi như công việc hành chính thông thường.”
Công việc này đòi hỏi các viên chức làm công tác thiết bị - thí nghiệm phải thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại.
Trên địa bàn huyện Ba Vì có khoảng 79 trường học phổ thông công lập, trong đó đội ngũ nhân viên thiết bị thí nghiệm trường học hiện có 50 nhân viên (Tiểu học có 19, THCS 31 người). Những nhân viên này chuyển sang làm công tác thiết bị - thí nghiệm trường học từ năm 2009. Tuy nhiên, theo phản ánh, từ đó đến nay, chưa một viên chức nào trong nhóm này được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm dù công việc có yếu tố tiềm ẩn rủi ro rõ rệt. Đa số đều cho biết họ đã nhiều lần đề xuất nhưng không có phản hồi cụ thể từ cấp quản lý.
Truy lĩnh phụ cấp: Nguyện vọng sau hơn 1 thập kỷ
Việc không được chi trả phụ cấp trong suốt thời gian dài đã khiến nhiều viên chức cảm thấy thiếu công bằng và giảm sút động lực. Với mức lương thuộc bảng lương A0 giáo viên THCS hạng 4 bậc 5 như cô T thì mỗi tháng nếu được hưởng phụ cấp độc hại cũng chỉ được thêm 468 nghìn đồng /tháng. Mức phụ cấp độc hại tuy không lớn (mức 0,2 so với mức lương tối thiểu), nhưng có ý nghĩa đối với thu nhập của viên chức khối phổ thông ở vùng ngoại thành như Ba Vì.
Ngoài ra, đây còn là vấn đề về sự ghi nhận tính chất đặc thù của công việc, ảnh hưởng đến tâm lý và sự gắn bó lâu dài của người lao động. “Hoạt động giáo dục có thành công hay không cũng là nhờ một phần đóng góp của chúng tôi, nên chúng tôi mong muốn được hưởng khoản phụ cấp này như một sự ghi nhận, muốn mình là con đẻ của ngành giáo dục chứ không phải đứa con nuôi bị bỏ quên chế độ như bây giờ”, cô T chia sẻ.
Cô T là một trong 29 viên chức làm công tác thiết bị - thí nghiệm trường học của huyện Ba Vì trăn trở về phụ cấp độc hại suốt nhiều năm qua.
Tính đến thời điểm tháng 5 năm 2025, nhóm 29 viên chức huyện Ba Vì đã công tác trong ngành giáo dục được 20 đến 27 năm và làm công tác thiết bị - thí nghiệm trường học trong 16 năm (kể từ năm 2009) tuy nhiên họ vẫn chưa nhận được một đồng trợ cấp nào mặc dù nằm trong đối tượng được hưởng của công văn số 9552 về việc thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong phòng thí nghiệm. Mong muốn của họ là được hưởng đúng, đủ chế độ của mình, được truy lĩnh phụ cấp cho khoảng thời gian hơn chục năm bị “bỏ quên” chế độ.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm chi trả phụ cấp độc hại là do thiếu hướng dẫn cụ thể từ cấp quản lý và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Dù Công văn số 9552 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành từ năm 2003, nhưng nhiều đơn vị vẫn lúng túng trong việc áp dụng cho cấp THCS do chưa có văn bản hướng dẫn triển khai rõ ràng. Sự thiếu nhất quán trong chỉ đạo và thực hiện đã khiến quyền lợi chính đáng của viên chức bị bỏ ngỏ trong suốt hơn một thập kỷ.
Trước thực trạng kéo dài suốt hơn một thập kỷ, cho đến đầu tháng 4 năm 2025, các viên chức phụ trách Thiết bị – Thí nghiệm tại các trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì đã gửi đơn đề nghị cho nhiều cơ quan có thẩm quyền như Sở Nội vụ thành phố Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, kiến nghị các đơn vị cấp trên phối hợp với các nhà trường để rà soát hồ sơ công việc, xác định cụ thể danh sách những người đủ điều kiện hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm theo quy định. Trên cơ sở đó, tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết chế độ đã bị bỏ sót trong thời gian dài.
Được biết, UBND huyện Ba Vì đã có công văn gửi Sở Nội vụ Hà Nội đề nghị hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp nói trên, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Bên cạnh đó, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã gửi văn bản đề nghị làm rõ, song vẫn chưa có phản hồi chính thức từ các đơn vị liên quan.
Báo cáo UBND huyện Ba Vì gửi Sở Nội Vụ Hà Nội vào 23/12/2024 nhưng chưa nhận được văn bản trả lời.
Sau khi nhận được đơn phản ánh của 29 viên chức huyện Ba Vì, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng gửi đơn lên Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Việc áp dụng chế độ phụ cấp độc hại cho cán bộ, công chức, viên chức tại các trường THCS trên thực tế lại chưa được triển khai đồng bộ.
Được biết, một số địa phương như huyện Chương Mỹ (Hà Nội), huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), huyện Mộc Châu (Sơn La), thành phố Thái Nguyên đã bắt đầu thực hiện chi trả phụ cấp độc hại cho viên chức làm công tác thiết bị – thí nghiệm ở cấp THCS.
Tuy nhiên, việc triển khai mới chỉ mang tính cục bộ, chưa trở thành chủ trương thống nhất trên toàn địa bàn cấp huyện hoặc thành phố.
Trước tình trạng này, các viên chức mong muốn cơ quan chức năng sớm có chỉ đạo cụ thể, đồng thời xem xét khả năng truy thu phụ cấp cho những năm trước mà họ chưa được hưởng, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, tạo động lực và sự yên tâm công tác cho đội ngũ đang thực hiện công việc có yếu tố độc hại trong môi trường giáo dục phổ thông.
“Chúng tôi mong muốn được truy lĩnh tiền phụ cấp độc hại từ ngày được bổ nhiệm làm công tác thiết bị - thí nghiệm trường học. Chúng tôi mong muốn được nhận lại chế độ của mình trong 16 năm qua”, đại diện nhóm viên chức - cô N.T.T.T chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!