Với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (Nhà ga T3) không chỉ giải quyết tình trạng quá tải kéo dài tại sân bay nhộn nhịp nhất cả nước mà còn mang đến trải nghiệm dịch vụ đẳng cấp cho hàng triệu hành khách mỗi năm. Sau hơn 20 tháng triển khai thi công quyết liệt, "vượt nắng, thắng mưa", "thi công xuyên lễ, xuyên tết", dự án "Xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất" do ACV làm chủ đầu tư đã chính thức về đích vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), là minh chứng cho nỗ lực vượt bậc của ngành hàng không và chính quyền TP Hồ Chí Minh trong việc nâng tầm cơ sở hạ tầng giao thông.
Nghi thức khởi công và khánh thành các công trình kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại điểm cầu Nhà ga T3.
Hành trình hoàn thành vượt tiến độ
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên cả nước có 80 công trình được khởi công, hoàn thành trải dài 3 miền Bắc - Trung - Nam. Trong đó khánh thành 47 công trình có quy mô lớn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
"Chúng ta cũng rất vui mừng Nhà ga T3 đã hoàn thành vượt tiến độ, đây là kết quả của sự nỗ lực, đồng lòng chung sức. Dự án này sẽ truyền động lực đến nhà ga quốc tế Long Thành. Từ đó đưa sân bay Long Thành cơ bản hoàn thành vào năm 2025 với tinh thần cao nhất. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng xây dựng quốc gia. Để có kết quả này là sự nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị". Thủ tướng Chính phủ chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Hạng mục Nhà ga hành khách có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2. Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check in, 27 cửa ra tàu bay (trong đó 13 cửa bằng ống lồng và 14 cửa bằng xe bus), có 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách. Đặc biệt, Nhà ga T3 được thiết kế 8 cửa kiểm soát an ninh và 1 khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên.
Nhà ga T3 được trang hoàng bởi nhiều bức hoạ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Công nghệ hiện đại - nâng tầm trải nghiệm
Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất triển khai sử dụng nhiều công nghệ hàng không hiện đại, lấy hành khách làm trung tâm, tập trung vào trải nghiệm của hành khách thông suốt từ lúc làm thủ tục cho đến khi lên tàu bay với hệ thống ACV Self servies sẽ hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục trên Kiosk Check-in dùng chung và hành khách tự làm thủ tục ký gửi hành lý, sau đó có thể ra tàu bay tự động thông qua thiết bị E-gate.
Đây là công nghệ hiện đang được áp dụng ở các sân bay lớn thông minh trên thế giới như Incheon T2 (Hàn Quốc), Changi T4 (Singapore). ACV Self services được coi là đóng góp đáng kể vào nâng cao trải nghiệm của hành khách, tiết kiệm thời gian, tối ưu diện tích mặt bằng, giải phóng hàng chờ để nhân viên hàng không có thời gian cung cấp những dịch vụ hỗ trợ khác tốt hơn.
Nhà ga hành khách T3 triển khai sử dụng nhiều công nghệ hàng không hiện đại, giúp nâng tầm trải nghiệm của hành khách.
Đặc biệt trong khâu làm thủ tục cho hành khách đi trên các chuyến bay quốc nội đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, nhận diện khuôn mặt (Facial ID) giúp giảm thiểu nguy cơ sử dụng giấy tờ giả, tự động phát hiện ngăn chặn các hành khách cấm bay, giúp giảm bớt tình trạng quá tải tại các khu vực kiểm soát an ninh, so với công tác kiểm tra thủ công trước đây.
Tại Nhà ga T3, hành khách sẽ được tối ưu hóa thời gian làm thủ tục, tăng thêm nhiều trải nghiệm số thông qua các ứng dụng công nghệ được thực hiện trên nền tảng hạ tầng viễn thông, hạ tầng số và dịch vụ do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cung cấp. Hạ tầng viễn thông này đủ năng lực đáp ứng 100% nhu cầu vận hành hệ thống quản lý nhà ga, cũng như nhu cầu sử dụng của hành khách.
Một gian hàng bán lẻ tại Nhà ga T3 đã sẵn sàng đi vào hoạt động, mang đến những trải nghiệm tối ưu cho hành khách.
Bên cạnh đó, các dịch vụ phi hàng không tại Nhà ga T3 như phòng chờ thương gia, nhà hàng, cửa hàng miễn thuế… giúp khách hàng có trải nghiệm chuyên nghiệp, chất lượng vượt trội khi sử dụng dịch vụ tại đây.
Ông Nguyễn Cao Quỳnh, Tổng giám đốc Taseco Sài Gòn (Đại diện Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Taseco - Taseco Airs), chia sẻ: Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ phi hàng không tại các cảng hàng không lớn trên cả nước. Tại Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Taseco Airs tự hào là đơn vị hàng đầu cung ứng các dịch vụ toàn diện, từ hệ thống bán lẻ như cửa hàng bách hóa, lưu niệm, ăn nhanh, nhà hàng, cửa hàng miễn thuế, đến các dịch vụ cao cấp như phòng chờ thương gia, suất ăn trên máy bay, đón tiễn, hỗ trợ thủ tục hành khách và lưu trú khách sạn.
"Với năng lực vững mạnh, tinh thần đổi mới, không ngừng mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ khép kín, Taseco Airs cam kết mang đến những trải nghiệm tối ưu cho hành khách. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, dịch vụ tổng thể của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất - cửa ngõ hàng không quan trọng của Việt Nam". Ông Quỳnh thông tin.
Giảm tải và kết nối giao thông đồng bộ
Nhà ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, được kỳ vọng sẽ giải quyết căn bản tình trạng quá tải tại Nhà ga T1, nâng tổng công suất của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách/năm, hứa hẹn mang lại sự thông thoáng và thuận tiện hơn cho hành khách.
Tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được đưa vào khai thác giúp giảm áp lực giao thông tại các tuyến đường lân cận Nhà ga T3.
Để đảm bảo kết nối giao thông, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, dài hơn 4 km, với tổng vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng. Tuyến đường này, cùng cầu vượt dài gần 1 km dẫn trực tiếp vào T3, giúp giảm ùn tắc tại các tuyến đường lân cận như Cộng Hòa và Hoàng Văn Thụ. Hành khách có thể tiếp cận T3 qua các lộ trình:
Đối với hành khách từ Bình Dương, Đồng Nai, TP Thủ Đức có thể đi theo trục Phạm Văn Đồng - Bạch Đằng - Trường Sơn - đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.
Từ trung tâm TP Hồ Chí Minh, hành khách có thể đi qua Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi - Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.
Người dân từ phía Tây và Tây Bắc TP Hồ Chí Minh, bao gồm: Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi có thể tiếp cận Nhà ga T3 qua Cộng Hòa hoặc Hoàng Hoa Thám - Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị kết nối 20 tuyến xe buýt đến Nhà ga T3, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách sử dụng phương tiện công cộng, giảm áp lực giao thông quanh sân bay.
Nhà ga T3 là một trong 50 công trình trọng điểm quốc gia được chọn là "công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Công trình Nhà ga T3 là dự án trọng điểm, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng gần gấp đôi công suất khai thác của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông và giảm ùn tắc trong và ngoài khu vực. Nhà ga T3 là một trong 50 công trình trọng điểm quốc gia được chọn là "công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Đây cũng là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không nói chung và các ngành du lịch, dịch vụ, kinh tế của TP Hồ Chí Minh nói riêng trong giai đoạn "Kỷ nguyên vươn mình".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!