Tuần lễ An toàn Đường bộ Toàn cầu lần thứ 8 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động đang diễn ra từ ngày 12 đến hết 18/5. Năm nay, WHO tập trung kêu gọi nâng cao an toàn cho người đi bộ và người đi xe đạp – hai phương thức di chuyển được đánh giá là "xanh", thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, phát triển thói quen đi bộ, đi xe đạp còn giúp giảm ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm đô thị. Tuy nhiên, tỷ lệ người Việt thường xuyên sử dụng hai hình thức di chuyển này hiện chỉ dưới 1%, trong khi con số này ở các quốc gia phát triển dao động từ 10-20%.
Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều trạm xe đạp công cộng được bố trí ở vị trí đắc địa, đông du khách, nhưng thực tế, lượng người sử dụng rất thấp. Sau hơn ba năm triển khai, nhiều xe đạp bị bỏ không giữa trời nắng, mưa, hiếm khi có người thuê.
Anh Nguyễn Hữu Tài, khách du lịch: "Thời tiết Sài Gòn dạo này khá nóng, chiều thì mưa, nên đi xe đạp rất bất tiện."
Tại Hà Nội, tuyến đường dành riêng cho xe đạp ven sông Tô Lịch gần như vắng bóng người, kể cả trong giờ cao điểm. Dọc tuyến, nhiều khoảng đất trống bị biến thành nơi đổ rác.
Chị Nguyễn Ngọc Huyền, quận Cầu Giấy: “Đường thì thật ra xây cũng lâu rồi nhưng mình cũng không đi nhiều. Đường thì rất là thoáng, tuy nhiên thì thật ra sông hơi hơi mùi, đi lâu thì sẽ đau đầu".
Dù có trạm xe đạp công cộng và điểm dừng xe buýt, nhưng để đi hết đoạn đường dài chỉ hơn 2 km, người dân phải dừng xe, bê qua rào chắn tới 10 lần – chưa kể né các vật cản như ô tô, hàng quán lấn chiếm.
Có thể thấy, bên cạnh yếu tố thời tiết, thói quen di chuyển bằng xe cá nhân và sự bất cập trong quy hoạch, hạ tầng giao thông là những rào cản khiến người dân chưa mặn mà với xe đạp, đi bộ – dù đây là xu hướng bền vững mà thế giới đang hướng tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!