Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, là một nhà báo xuất sắc trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người là sự đúc kết chắc chắn giữa lý luận và thực tiễn, gắn bó mật thiết với những yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Trong đó, tư tưởng về báo chí cách mạng là một nội dung rất quan trọng, đặc sắc, thể hiện tầm nhìn lớn lao và những quan điểm, triết lý sâu sắc về bản chất của báo chí.
Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam cũng là dịp Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí - truyền thông Việt Nam không ngừng trưởng thành về mọi mặt, thể hiện vai trò nòng cốt trên mặt trận tư tưởng văn hóa.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa từng nhận mình là nhà báo, nhưng có lẽ hiếm có "nhà báo" nào viết nhiều như Bác. Người đã viết hơn 2.000 bài báo ở đủ các thể loại, dịch ra nhiều thứ tiếng với hàng trăm bút danh, đăng trên nhiều ấn phẩm trong nước và ngoài nước. Từ tác phẩm đầu tiên "Quyền của các dân tộc thuộc địa" đăng trên báo Nhân đạo năm 1919 cho đến tác phẩm cuối cùng "Thư gửi Tổng thống Mỹ" đăng trên báo Nhân Dân ngày 25/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm báo gần như cả cuộc đời. Cây bút là vũ khí mạnh mẽ, sắc bén trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
"Phải thể hiện được tính chiến đấu, nói một cách ngắn ngọn như Bác Hồ nói là phò chính trừ tà, luôn phản ánh được, nêu cao được, khẳng định được những mặt hay, mặt đúng, mặt tốt, đồng thời đấu tranh lại cái ác, cái xấu, cái sai", PGS. TS. Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết.
"Tổ chức Quốc tế các nhà báo" đánh giá Hồ Chí Minh là "Nhà báo cách mạng vĩ đại". Vĩ đại nhưng cách viết báo của Bác lại vô cùng giản dị, gần gũi. Bài học làm báo, viết báo được Bác quan tâm trước hết, đó là: "Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?". "Sao cho mỗi đồng bào, chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được".
"Bác đã nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại rất nhiều lần là đối với báo chí, chính trị phải làm chủ, nghĩa là lợi ích quốc gia dân tộc, độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Đấy là mục tiêu, là yêu cầu phải đặt lên hàng đầu", GS.TS. Nhà báo Tạ Ngọc Tấn (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương) cho hay.
Tấm gương đạo đức báo chí và cách viết báo của Bác vẫn luôn là ánh sáng soi đường cho các thế hệ nhà báo hôm nay.
"Báo chí có nhiệm vụ như là những ngọn hải đăng để điều hướng, chỉ dẫn cho người dân vượt qua những biển thông tin dày đặc", ông Lê Quốc Minh (Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) nhận định.
Theo Bác, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, "cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động". Những lời dạy của Người về báo chí, về nghề báo luôn là bài học quý báu, là kim chỉ nam cho các thế hệ người làm báo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!