Từ ký ức cũ đến mong ước mới: Chuyện về những người dân ở khu tập thể Nghĩa Tân

Phùng Anh-Thứ sáu, ngày 09/05/2025 16:12 GMT+7

bangdatally.xyz - Từ những căn hộ chật hẹp, thấm đẫm kỷ niệm cũ, người dân khu tập thể Nghĩa Tân (Hà Nội) đang mong mỏi một khởi đầu mới trong không gian sống hiện đại, văn minh hơn.

Từ ký ức cũ đến mong ước mới: Chuyện về những người dân ở khu tập thể Nghĩa Tân - Ảnh 1.

Khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).

Gắn bó với khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) suốt nhiều thập kỷ, không ít hộ dân vẫn nhớ rõ cuộc sống chật hẹp, thiếu tiện nghi nhưng quen thuộc và gắn bó. Những căn hộ chỉ vài chục mét vuông từng là nơi sinh sống của cả gia đình nhiều thế hệ, nơi mỗi góc nhỏ đều phải tận dụng tối đa, mỗi mùa mưa đều đi kèm nỗi lo thấm dột, ngập nước.

Giờ đây, khi khu tập thể này chuẩn bị được cải tạo và xây dựng lại thành tổ hợp chung cư cao tầng hiện đại, nhiều người dân hy vọng sẽ sớm có một nơi ở khang trang, tiện nghi hơn. Tuy đã gắn bó suốt nhiều năm với những bức tường cũ, hành lang quen, nhưng họ vẫn mong mỏi được sống trong một không gian mới, hiện đại, sạch đẹp, phù hợp với nhịp sống đô thị ngày nay.

Từ ký ức cũ đến mong ước mới: Chuyện về những người dân ở khu tập thể Nghĩa Tân - Ảnh 2.

Nhiều căn hộ được người dân "cơi nới" do điều kiện sống chật hẹp.

Được xây dựng từ năm 1987, khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vốn là một phần của diện mạo đô thị thời kỳ bao cấp, đang đứng trước bước chuyển mình quan trọng sau gần bốn thập kỷ tồn tại.

Qua thời gian, hệ thống hạ tầng tại đây dần xuống cấp. Không gian chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu nhà vệ sinh riêng và hệ thống thoát nước kém khiến đời sống sinh hoạt bị bó hẹp trong những điều kiện tối thiểu. Cư dân buộc phải cơi nới, cải tạo tự phát để thích nghi với nhu cầu thực tế.

Từ ký ức cũ đến mong ước mới: Chuyện về những người dân ở khu tập thể Nghĩa Tân - Ảnh 3.

Khu vực bếp chỉ rộng vài m2 trong căn hộ của bà Nguyễn Mai Hoa , mọi khoảng trống đều được tận dụng triệt để.

Là một người dân sống tại khu tập thể Nghĩa Tân hơn 30 năm, bà Nguyễn Mai Hoa (61 tuổi) chia sẻ: "Mỗi mùa mưa là một lần thấp thỏm. Trần nhà dột, nền nhà ngập nước, chuột từ cống bò vào. Nhà tôi chỉ có 35m2 nhưng có đến 5 người cùng sinh sống, con gái lớn của tôi không có một góc riêng để học hành, nghỉ ngơi".

Với nhiều người, việc sống trong căn hộ vài chục mét vuông đã trở thành một sự thích nghi kéo dài nhiều thế hệ từ ăn, ở, học hành đến cả sinh kế.

Thực trạng xuống cấp của các khu nhà không còn là câu chuyện cá biệt, mà trở thành thách thức chung trong bài toán phát triển đô thị Hà Nội. Khu vực nội đô vốn khan hiếm quỹ đất, trong khi nhu cầu sống của người dân ngày càng nâng cao. 

Không chỉ cũ kỹ và chật hẹp, nhiều căn hộ tập thể ở Nghĩa Tân đã bộc lộ những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng sau hàng chục năm sử dụng. Bà Phạm Thị Lương (55 tuổi) chia sẻ: "Có lần cả nhà đang ăn cơm thì một mảng trần rơi thẳng xuống mâm. Ký ức ấy đến giờ vẫn khiến tôi giật mình mỗi khi ngẩng đầu nhìn lên trần nhà."

Suốt nhiều năm, gia đình bà Lương đã bảy lần tự cải tạo căn hộ nhỏ của mình, từ nâng nền, thay gạch nhà tắm, đến bọc lại toàn bộ hệ thống điện bằng ống nhựa. Các khu tập thể cũ vốn được xây dựng theo thiết kế chung thời bao cấp, không có nhà vệ sinh riêng, hệ thống thoát nước lạc hậu, thiếu không gian sinh hoạt tối thiểu. 

Dù đã quen với cuộc sống nơi đây, nhưng với nhiều gia đình, mong ước được sống trong một căn hộ mới khang trang, tiện nghi vẫn luôn hiện hữu, như một giấc mơ đã chờ đợi quá lâu.

Trần nhà thấm nước, sơn bị bong tróc, lối đi chung thiếu ánh sáng.

Trước thực trạng đó, tại Quyết định số 6742/QĐ-UBND ban hành ngày 31/12/2024, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tỷ lệ 1/500. Diện tích cải tạo hơn 31,6ha, bao gồm 29 tòa nhà thuộc các khu A, B, C và K1. Dự kiến, toàn bộ đồ án quy hoạch dự kiến sẽ được hoàn tất trong tháng 6/2025.

Đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, mọi phương án tái thiết đều phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cư dân, không xóa nhòa bản sắc cộng đồng. Việc lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu phản hồi từ người dân và chuyên gia đô thị là một phần trong lộ trình thực hiện.

Thông tin về dự án cải tạo đã thắp lên niềm hy vọng về một cuộc sống mới cho hàng nghìn cư dân. Những căn hộ khang trang, hạ tầng đồng bộ, không gian thông thoáng… đang dần trở thành kỳ vọng có thật sau nhiều năm sống trong căn hộ cũ kỹ.

"Chúng tôi mong được sống trong một căn hộ đầy đủ tiện nghi, không còn cảnh nước tràn vào nhà hay trần rơi xuống mâm cơm nữa", bà Hoa bày tỏ

Từ ký ức cũ đến mong ước mới: Chuyện về những người dân ở khu tập thể Nghĩa Tân - Ảnh 5.

Bà Phạm Thị Lương, một tiểu thương buôn bán tai tầng 1 tập thể Nghĩa Tân.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui vẫn có những băn khoăn, nhất là với các hộ đang kinh doanh ở tầng trệt. "Buôn bán là nguồn sống của cả gia đình. Tôi hy vọng khi xây mới, các hộ như chúng tôi vẫn có cơ hội thuê mặt bằng ở tầng 1 để tiếp tục duy trì thu nhập", bà Phạm Thị Lương chia sẻ.

Sau những tháng năm gắn bó với những căn hộ chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông, mong ước của cư dân nơi đây không cầu kỳ, chỉ cần là một căn nhà vững chãi, không còn thấm dột mỗi mùa mưa, không còn cảnh chen chúc nơi bếp nhỏ, nhà vệ sinh chung.

Người dân mong một không gian sống sạch sẽ, thoáng đãng, có ánh sáng, có thang máy cho người già, chỗ chơi cho trẻ nhỏ, và quan trọng nhất là được tiếp tục sống ở chính nơi mình đã quen thuộc, giữa nhịp sống thành phố không ngừng đổi thay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước