Sau khi 3 địa phương gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tán thành chủ trương hợp nhất thì hiện nay UBND TP Hồ Chí Minh đang hoàn tất đề án sáp nhập này, dự kiến trình Chính phủ ngay đầu tháng 5. Theo lộ trình, Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/9 và TP Hồ Chí Minh mới sẽ đi vào hoạt động từ ngày 15/9. Nhiều chuyên gia cho rằng, sau sáp nhập khu vực này sẽ trở thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.
TP Hồ Chí Minh dự kiến sáp nhập 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có tổng diện tích hơn 6.700 km2, quy mô dân số hơn 13,7 triệu người. TP Hồ Chí Minh sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mang đến những kỳ vọng mới cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế của toàn vùng Đông Nam Bộ. Không chỉ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, giao thông và phát triển kinh tế xã hội, mà sự sáp nhập này còn tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.
Các chuyên gia nhận định, trước khi sáp nhập thì cả 3 địa phương đều là thị trường bất động sản phát triển mạnh của vùng. Do đó, khi kết hợp lại sẽ làm gia tăng thêm quỹ đất, tạo động lực phát triển các dự án mới. Điều này sẽ mở ra cơ hội rất lớn để giãn dân khu vực lõi trung tâm TP Hồ Chí Minh và có thể tạo lập các quỹ nhà ở có giá phù hợp với người dân.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam nhận định: "Việc kết hợp lại như vậy đối với các kế hoạch trong thời gian tới, triển khai sẽ thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn; những thủ tục liên quan đến pháp lý, yếu tố liên quan đến quy trình triển khai sẽ được rút gọn. Đó là yếu tố mà tôi nghĩ sẽ có nhiều thay đổi, tác động đến thị trường trong thời gian sắp tới".
TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập hình thành siêu đô thị mới.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi hiện thị trường đang xuất hiện hiện tượng tăng giá bán tại một số địa phương sau thông tin sáp nhập. Số liệu mới nhất từ DKRA Group cho thấy, trong quý I giá đất nền tại các tỉnh phía Nam đã tăng trung bình từ 6 - 8%. Đáng chú ý, một số khu vực được ghi nhận tăng giá mạnh hơn như Nhơn Trạch (Đồng Nai) tăng 30 - 50%, Phú Mỹ, Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) tăng 20 - 30%. Đánh giá về đà tăng giá "nóng" của đất nền, giới chuyên gia cho rằng xu hướng tăng này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hoà nhận định: "Vì hiện nay quy hoạch chưa chính thức và thậm chí sau khi sáp nhập thì cũng chưa có quy hoạch chi tiết nên chưa biết khu vực nào là hành chính, khu vực nào là trung tâm và nó có thời gian chờ của nó. Thứ hai là quy hoạch, bởi khi sáp nhập thì quy hoạch sẽ có thay đổi rất nhiều, quy hoạch đường xá, trung tâm sẽ khác, thành ra rủi ro rất lớn khi mua những vùng không rõ ràng về mặt quy hoạch".
Ông Phan Công Chánh - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư Phú Vinh Group cho hay: "Tôi nghĩ rằng rui ro đầu tiên là họ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua một bất động sản mà đúng ra giá trị và giá cả của nó trước giai đoạn sốt chỉ ở mức tương đối. Tức là giá trị và giá cả đang ở rất gần nhau. Khi có thông tin về hạ tầng thay đổi thì kỳ vọng của họ lên cao, giá cả tăng hơn nhiều so với giá trị hiện có của một bất động sản".
Các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư khi dựa theo các thông tin sáp nhập địa phương, không loại trừ khả năng tăng ảo. Bởi, giá trị bất động sản muốn tăng lên một cách bền vững cần có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế xã hội. Khi quy hoạch chưa rõ ràng, việc đầu tư sẽ đối diện với nguy cơ rủi ro rất lớn, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường hoặc dùng đòn bẩy tài chính để tìm cơ hội "lướt sóng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!