UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 03/2025/NĐ-CP ngày 01/01/2025 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất. TP yêu cầu sở, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, hướng dẫn, phối hợp xử lý các trường hợp vướng mắc theo quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.
Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 03/2025/NĐ-CP, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung đến cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp liên quan để đảm bảo việc nắm bắt và triển khai đúng quy định.
UBND TP yêu cầu các đơn vị liên quan xác định rõ nội dung công việc, thời gian thực hiện và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan. Việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương phải đảm bảo chặt chẽ; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Doanh nghiệp nhà nước phải báo cáo danh mục nhà, đất
Thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị định, đặc biệt lưu ý các quy định về xử lý chuyển tiếp tại Chương III của Nghị định.
Trụ sở một cơ quan hành chính nhà nước dôi dư sau sáp nhập, đang bị bỏ không ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Bằng
Đối với nhà, đất do các cơ quan Trung ương quản lý trên địa bàn TP, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND các cấp (nơi có tài sản) có trách nhiệm phối hợp kiểm tra hiện trạng, cung cấp thông tin quy hoạch, pháp lý, tranh chấp (nếu có) theo yêu cầu của cơ quan chủ trì.
Riêng đối với tài sản công do Văn phòng Thành ủy và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc quản lý, UBND TP đề nghị các đơn vị này thực hiện xử lý chuyển tiếp theo Điều 21 của Nghị định, đảm bảo tuân thủ pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát.
Đối với tài sản do doanh nghiệp nhà nước thuộc TP quản lý, UBND TP yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, lập danh mục cụ thể theo quy định tại Điều 23, 24 và 25 Nghị định 03/2025/NĐ-CP. Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm sử dụng, xử lý tài sản đúng quy định, bảo đảm hiệu quả, minh bạch, tránh lãng phí.
Sở Tài chính có trách nhiệm tiếp nhận báo cáo của doanh nghiệp, tổng hợp hồ sơ và chuyển đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu UBND TP xử lý theo đúng quy định pháp luật về đất đai.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
UBND TP giao các sở, ngành thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong việc sử dụng tài sản công là nhà, đất đúng quy định pháp luật chuyên ngành và pháp luật liên quan.
Sở Tài chính được giao làm cơ quan đầu mối, chủ trì theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp các vướng mắc phát sinh, báo cáo UBND TP hoặc Bộ Tài chính xử lý kịp thời.
Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và lãnh đạo các đơn vị sử dụng tài sản công có trách nhiệm chủ động phối hợp triển khai các nhiệm vụ. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, cần phản ánh về Sở Tài chính hoặc các sở, ngành chức năng để kịp thời phối hợp giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!