Dọc khoảng 6 km từ cầu Thị Nghè (Quận 1) đến cầu Công Lý (Quận 3, TP Hồ Chí Minh), xác cá chết trương phình trôi dạt khắp mặt nước, xen lẫn rác thải sinh hoạt và lục bình. Các điểm tập trung nhiều cá chết nhất là khu vực gần cầu Điện Biên Phủ, cầu Hoàng Hoa Thám và cầu Kiệu.
Theo ghi nhận, cá chết chủ yếu là các loại cá trắng, rô phi và cá chép, nhiều con có kích thước lớn. Trên mặt kênh, những con cá còn sống ngoi lên mặt nước, cố đớp không khí để sinh tồn.
Đến sáng 9/5, đội công nhân vệ sinh môi trường đã khẩn trương thu gom cá chết và rác thải trôi nổi. Anh Trần Quang Vịnh, một công nhân với 12 năm kinh nghiệm, cho biết: "Chỉ trong 3 giờ, chúng tôi đã vớt hơn 2 tấn cá chết".
Mỗi ngày, đội công nhân vệ sinh môi trường thu gom khoảng hơn 10 tấn rác thải, chủ yếu là lục bình và rác sinh hoạt, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm. Xác cá sau khi thu gom sẽ được chuyển đến bãi rác Đa Phước để xử lý.
Theo anh Vịnh, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt là nước thải sinh hoạt từ các cống xả trực tiếp ra kênh, mang theo dầu mỡ và chất thải lỏng. "Khi mưa lớn, lượng oxy trong nước giảm mạnh, cá ngoi lên mặt nước để thở, nhưng hớp phải bong bóng dầu mỡ, khiến mang bị nghẹt và chết," anh giải thích. Hiện tượng này thường xảy ra sau mưa lớn, đặc biệt vào mùa mưa, khi nước thải từ các khu dân cư dọc kênh đổ ra nhiều hơn.
Ông Phạm Đức Thị, một cư dân quận Tân Bình thường xuyên tập thể dục gần kênh, hôm nay phải mang khẩu trang: "Sáng nay, tôi ra tập thể dục thì thấy nước hôi quá. Cá chết nổi trắng, rác sinh hoạt tràn lan. Mùa mưa năm nào cũng vậy, chẳng thấy cải thiện."
Tương tự, anh Nguyễn Quốc Bảo, sống tại quận 3 gần kênh, cho biết thêm: "Rác thải nhiều do ý thức kém của một số người dân. Đặc biệt, chiều tối, các quán nhậu dọc kênh dàn bàn ghế ra kinh doanh, khách ăn uống xả rác, đồ ăn thừa thẳng xuống kênh."
Hiện tượng này không chỉ gây mùi hôi khó chịu mà còn làm dấy lên lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt khi tối nay, Đêm hội hoa đăng Lễ Phật Đản VESAK 2025 sẽ diễn ra tại chùa Pháp Hoa (quận 3) bên dòng kênh này.
"Điểm đặc biệt mà người dân có lẽ không nghĩ tới, đó là khu vực này có nhiều chùa, người dân thường thả các loại cá trắng, chép, rô phi để phóng sanh. Tuy nhiên, thực tế các loại cá này không phù hợp sống ở môi trường kênh, dễ chết ngạt và nổi lên mỗi khi mưa lớn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm." Anh Vịnh chia sẻ thêm.
Hiện tượng cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không phải là mới. Năm 2016, các công nhân môi trường từng phải vớt đến 70 tấn cá chết chỉ trong vài ngày, đánh dấu một trong những đợt ô nhiễm nghiêm trọng nhất.
Dù được đầu tư cải tạo hơn 10 năm trước với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn chưa thoát khỏi cảnh ô nhiễm. Từ một dòng kênh được kỳ vọng là biểu tượng xanh của thành phố, nơi đây thường xuyên đối mặt với rác thải, nước thải sinh hoạt và cá chết nổi trắng kênh sau mỗi trận mưa lớn.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không chỉ là một dòng kênh, mà còn là mạch sống, là biểu tượng văn hóa của TP Hồ Chí Minh. Để chấm dứt cảnh cá chết nổi trắng và rác thải tràn lan, mỗi người dân cần ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường, từ việc không xả rác bừa bãi đến tham gia các hoạt động làm sạch kênh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!