Chợ Kim Biên, từ lâu được mệnh danh là "vựa hóa chất" lớn nhất khu vực phía Nam. Tại đây, phụ gia thực phẩm, hóa chất công nghiệp đến những chất độc hại như xyanua được mua bán công khai, dễ dàng, không cần giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng.
Phụ liệu dùng để pha nước hoa "nhái" các thương hiệu lớn trên thị trường.
"Hóa chất độc hại tràn lan, mua bán dễ như mua rau"
Chợ Kim Biên, nằm trên đường Vạn Tượng, quận 5, TP Hồ Chí Minh hiện có hàng chục cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp và cơ sở bán hương liệu, phụ gia thực phẩm. Từ hóa chất tẩy rửa, dung môi công nghiệp đến các chất độc hại như axit sulfuric hay brom được sang chiết vào chai, lọ, can nhựa hoặc túi nylon, phần lớn không nhãn mác, không ghi thành phần hay cảnh báo độ nguy hiểm được bày bán công khai. Đáng lo ngại, việc mua bán không yêu cầu giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng, khiến hóa chất dễ rơi vào tay những người sử dụng sai mục đích.
Hóa chất tẩy rửa, dung môi công nghiệp, phụ gia thực phẩm... được sang chiết vào chai, lọ, can nhựa hoặc túi nylon, phần lớn không nhãn mác, không ghi thành phần hay nguồn gốc xuất xứ.
Trong vai người mua hàng, phóng viên đã thâm nhập chợ Kim Biên để ghi nhận thực tế. Tại một sạp hóa chất trong chợ Kim Biên, chị Y., chủ sạp, nhiệt tình giới thiệu: "Muốn mua gì cũng có, từ chất tẩy rửa, làm mỹ phẩm đến phụ gia thực phẩm. Mua lẻ hay sỉ đều được, không cần giấy tờ gì đâu, cứ nói dùng vào việc gì là chị bán đúng loại." Khi được hỏi về Xyanua - một chất độc bị cấm sử dụng ngoài mục đích công nghiệp đặc thù, chị Y. hạ giọng: "Có, nhưng quen mới bán. Hàng này giờ ít ai hỏi, nhưng cần là có ngay."
Tiểu thương tại chợ Kim Biên xem việc buôn bán hóa chất là "cơm áo gạo tiền". Bà H., chủ một sạp hóa chất, chia sẻ: "Khách mua gì tôi bán nấy, từ vài lạng bột tạo mùi đến cả can axit. Ai mua cũng được, miễn là trả tiền. Hỏi giấy tờ thì mất khách, ai làm khó vậy?" Một tiểu thương khác, anh T., thừa nhận: "Hóa chất độc như xyanua giờ bán cẩn thận hơn vì công an kiểm tra gắt, nhưng khách quen vẫn mua được, chỉ cần đặt trước."
Không chỉ tiểu thương, người mua cũng góp phần duy trì thực trạng này. Anh N., chủ một cơ sở sản xuất nước rửa chén nhỏ lẻ, cho biết: "Tôi mua hóa chất ở đây vì giá rẻ, tiện, không phải làm thủ tục rườm rà như mua ở công ty. Nhưng đúng là không rõ nguồn gốc, có lần hàng bị lỗi, pha ra sản phẩm kém chất lượng." Tương tự, anh P., một thợ xi mạ, nói: "Tôi mua axit ở đây để tẩy rỉ sét, giá rẻ hơn chỗ khác, không cần giấy phép gì, nhanh gọn."
Thực tế, không chỉ hóa chất công nghiệp, các phụ gia thực phẩm và hương liệu tại chợ Kim Biên cũng được sử dụng tràn lan trong ngành chế biến thực phẩm. Ông L., một tiểu thương chuyên bán hương liệu, tiết lộ: "Chỉ cần vài giọt phụ gia là nước lèo bún bò thơm như hầm cả ngày, trà chanh thì chua ngọt chuẩn vị. Khách chủ yếu là quán ăn, họ mua vì rẻ và tiện." Khi được hỏi về nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, ông L. thờ ơ: "Ai cũng dùng, có thấy ai kêu ca gì đâu."
Chỉ với 10gram hóa chất có thể pha ra 25-30 lít dung dịch rửa chén màu, mùi tùy chọn, theo người bán đây là loại cao cấp, cam kết không ăn da tay với giá 120.000.000 đồng.
Theo ghi nhận, việc buôn bán hóa chất tại chợ Kim Biên không chỉ diễn ra trực tiếp mà còn qua các kênh online, từ các hội nhóm trên mạng xã hội đến các sàn thương mại điện tử. Điều này khiến công tác quản lý càng thêm khó khăn, đặc biệt với các chất độc hại như xyanua, từng được sử dụng trong nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng.
Lỗ hổng quản lý và nguy cơ mất an toàn
Thực trạng tại chợ Kim Biên là minh chứng rõ nét cho những lỗ hổng trong quản lý hóa chất tại Việt Nam. Việc mua bán hóa chất độc hại không kiểm soát không chỉ đe dọa sức khỏe cộng đồng mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Mới đây, ngày 8/5, tại thảo luận phiên toàn thể về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao dự thảo Luật sau khi tiếp thu chỉnh lý đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước về phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Tuy nhiên các đại biểu cũng lưu ý hóa chất là ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần quản lý chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho con người, môi trường và nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng: "Thực tiễn hiện nay, nhiều hoạt động hóa chất, người chịu trách nhiệm về an toàn hóa chất, có trình độ chuyên môn phù hợp nhưng lại không có thẩm quyền, quyền hạn xử lý. Do vậy, tôi đề xuất "Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất có quyền hạn và trình độ phù hợp".
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cho ý kiến thảo luận về Luật Hóa chất (sửa đổi), Bà Trần Thị Khánh Thu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, Luật Hóa chất 2007, sửa đổi bổ sung năm 2018 và Nghị định 113/2017 của Chính phủ mặc dù đã có quy định việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng pháp luật lại không quy định về điều kiện cụ thể của cá nhân, tổ chức được mua, sử dụng chất này.
Tuy nhiên, trong Nghị định 113 không quy định xyanua là hóa chất cấm mà chỉ quy định điều kiện quản lý. Hiện nay, cũng chưa có quy định nào về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua trước khi bán. Điều này dẫn đến tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường. Trên thực tế, thời gian vừa qua có khá nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc bằng hóa chất. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: Doanh nghiệp muốn sản xuất/nhập khẩu xyanua phải đăng ký cụ thể mục đích sử dụng, số lượng và cam kết biện pháp quản lý rủi ro.
Chất độc hại như xyanua được mua bán công khai, dễ dàng, tràn lan trên mạng xã hội.
Cũng tham gia góp ý, Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho rằng: Để bảo vệ người tiêu dùng một cách thực chất, dự thảo Luật cần quy định rõ các hành vi bị cấm, chế tài xử phạt cụ thể với hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm về bản chất, công dụng của hóa chất. Ngoài ra, cần kiểm soát các hình thức quảng cáo trực tuyến, quảng cáo thông qua người nổi tiếng, qua mạng xã hội vốn đang phát triển mạnh nhưng thiếu chế tài rõ ràng. "Thực tế cho thấy, không ít người dân sử dụng hóa chất theo quảng cáo mà không hiểu rõ bản chất, tác động đến an toàn sức khỏe con người".
Đồng quan điểm, ông Thạch Phước Bình, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, cho biết: Tình trạng lợi dụng mạng xã hội, thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến để giao bán, quảng cáo hóa chất nguy hiểm nhất là tiền chất ma tuý, hóa chất dễ cháy/nổ diễn ra rất phổ biến.
"Những hành vi này ẩn danh, khó truy xuất, có nguy cơ xâm hại an ninh hóa chất, an toàn cộng đồng nhưng lại chưa được quy định rõ ràng trong dự thảo luật", ông nói và đề xuất bổ sung "Lợi dụng nền tảng số, mạng xã hội, website, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng cáo, giao bán, kinh doanh hóa chất nguy hiểm trái pháp luật" là hành vi bị nghiêm cấm.
Kỳ vọng về một thị trường hóa chất an toàn, minh bạch
Chợ Kim Biên, với thực trạng "mua hóa chất dễ như mua rau", là minh chứng cho những lỗ hổng trong quản lý hóa chất tại Việt Nam. Nhưng chợ này chỉ là 1 điển hình, đằng sau đó là bài toán quản lý hóa chất trên phạm vi cả nước. Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), với những quy định tiến bộ, mang đến kỳ vọng về một thị trường hóa chất được kiểm soát chặt chẽ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường từ đó thúc đẩy ngành hóa chất phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để luật thực sự "đi vào cuộc sống", cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nâng cao ý thức của tiểu thương và người tiêu dùng, cũng như đầu tư vào hạ tầng và công nghệ giám sát. Các chuyên gia ngành hóa chất kỳ vọng rằng, với sự ra đời của Luật Hóa chất (sửa đổi), các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời hỗ trợ tiểu thương tuân thủ quy định pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!