Sau 15 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi toàn diện và tích cực đời sống nông thôn. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và việc sáp nhập, tổ chức lại chính quyền địa phương ở hai cấp đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh chương trình sao cho phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay.
Một trong những yêu cầu quan trọng là cần xây dựng lại bộ tiêu chí và đổi mới cách tiếp cận, đặc biệt với những địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Trong lĩnh vực môi trường, việc không có nhà máy xử lý rác khiến nhiều địa phương buộc phải lựa chọn hình thức chôn lấp hoặc đốt rác. Theo tiêu chí hiện hành, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý phải đạt trên 70%, tuy nhiên nhiều xã vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này và bị "nợ tiêu chí môi trường".
Tại xã Bảo Nhai, việc thu gom và xử lý rác là một thách thức lớn. Hợp tác xã xử lý rác tại đây đã hoạt động cầm chừng suốt 10 năm qua, thường xuyên thua lỗ. Ông Toàn – người phụ trách HTX – cho biết đã tính đến phương án dừng hoạt động do không đủ kinh phí duy trì.
Ông Nguyễn Minh Toàn, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Hương, Bắc Hà, Lào Cai chia sẻ: "Ai mà làm vì đam mê mãi được, mong mỏi mãi nguồn hỗ trợ mà mãi không thấy".
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương vẫn đang "nợ" tiêu chí môi trường. Nếu không có cơ chế hỗ trợ hợp lý, đây sẽ là khoản nợ rất khó trả.
Sau sáp nhập, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các xã càng bộc lộ rõ. Tại xã Thải Giàng Phố (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), đã 10 năm nay địa phương vẫn chưa thể "về đích" nông thôn mới. Việc sáp nhập với thị trấn và bốn xã khác khiến quá trình xây dựng càng thêm khó khăn. Với hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc H’Mông, tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng/năm vẫn là mục tiêu xa vời.
Ông Lý Seo Sùng, Bí thư Đảng ủy xã Thải Giàng Phố, Bắc Hà, Lào Cai cho biết: "Mỗi xã nhận thức người dân rất khác nhau, giờ triển khai một chính sách không hề đơn giản".
Bộ nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030. Nhiều chuyên gia và đại biểu nhấn mạnh cần xây dựng lại bộ tiêu chí gắn với điều kiện từng vùng, tránh cào bằng. Xem xét các yếu tố cơ hội và thách thức sau sáp nhập, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để kêu gọi nguồn lực đầu tư tương xứng.
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm các bất cập, bổ sung tình hình mới để tìm ra tiêu chí phù hợp".
Một không gian phát triển mới cho các vùng nông thôn đang mở ra sau quá trình sáp nhập. Với những chính sách được điều chỉnh theo cách tiếp cận mới, với đội ngũ nhân sự có trình độ và kinh nghiệm từ cấp huyện đưa về xã,kỳ vọng sẽ tạo ra những xung lực mới trong phát triển kinh tế xã hội các vùng nông thôn .
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!