Thực phẩm chức năng giả lọt vào bệnh viện: 50% hoa hồng vào túi trình dược viên?

Anh Tuấn, Đức Tiến-Thứ năm, ngày 22/05/2025 19:08 GMT+7

bangdatally.xyz - Cứ mỗi sản phẩm thực phẩm chức năng giả, người bán lãi 50%, người bệnh mất hàng triệu đồng thậm chí còn nguy hại sức khỏe vì uống phải hàng không rõ nguồn gốc.

Lâu nay những nhà thuốc tư nhân hay nhà thuốc bệnh viện - vốn là nơi mà người dân và người bệnh đặt niềm tin để bỏ tiền mua thuốc chữa bệnh và những sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Vậy nhưng, chuyên án bóc gỡ đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả của Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội đã công bố một sự thật: thực phẩm chức năng giả do nhóm đối tượng pha trộn đã lọt vào nhiều nhà thuốc và bệnh viện trên cả nước. 

Để kịp thời ngăn chặn các sản phẩm tiếp tục bán ra thị trường, cơ quan công an đang khẩn trương tiến hành thu hồi, phục vụ công tác điều tra. Từ đây, tiếp tục hé lộ những góc khuất trong hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng. 

Thực phẩm chức năng giả lọt vào bệnh viện: 50% hoa hồng vào túi trình dược viên? - Ảnh 1.

Lần theo thông tin hóa đơn xuất bán của một đơn vị phân phối, cơ quan điều tra xác định, bệnh viện đã từng nhiều lần nhập một số mã thực phẩm chức năng thuộc nhóm bổ não, bổ gan do nhóm của Tiến cung cấp. Tuy nhiên, ngày 10/5, khi đến nhà thuốc bệnh viện hỏi mua, bất ngờ nhân viên thông báo, cả 3 mã sản phẩm quan tâm đều đang hết, dù mới nhập hàng cách đây không lâu.

Nhân viên nhà thuốc bệnh viện: "Tất cả các hiệu thuốc trong viện đang hết hàng anh ạ. Hết hàng chứ không phải không có".

Thực phẩm chức năng giả lọt vào bệnh viện: 50% hoa hồng vào túi trình dược viên? - Ảnh 2.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, cán bộ trinh sát Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội đã tiếp cận được một trình dược viên hiện đang là cộng tác viên bán hàng cho một công ty dược mà Tiến phân phối.

Kiểm tra kho chứa tại nhà riêng, cơ quan công an thu giữ hơn 100.000 hộp gồm 3 mã thực phẩm chức năng. Nơi bảo quản là nhà kho tự thiết kế, chật chội, nóng bức, không được cơ quan quản lý thẩm định cấp phép nên không đảm bảo điều kiện lưu chứa, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.

Trình dược viên cho biết: "Em cũng nhận thấy không đảm bảo nhưng mà điều kiện kinh tế không có nên không biết làm thế nào".

Tuy thiếu sót nhiều điều kiện bắt buộc phải đáp ứng nhưng theo tiết lộ của người này, tỷ lệ ăn chia hoa hồng trên mỗi sản phẩm bán ra luôn được thực hiện đầy đủ.

"Ví dụ một sản phẩm có giá bán 100.000 đồng thì em được 50.000 đồng. 50.000 đồng này em sẽ chi phí mất 10.000 đồng. Còn lại là công sức của em đi làm thôi. Em bán được bao nhiêu thì em được từng ấy. Các trình dược khác cũng giống em thôi".

Thực phẩm chức năng giả lọt vào bệnh viện: 50% hoa hồng vào túi trình dược viên? - Ảnh 3.

Theo tỉ lệ như vậy, cứ mỗi sản phẩm bán ra, trình dược viên sẽ cắt 50% số tiền nhận được trả cho công ty phân phối. 50% số tiền bán sản phẩm còn lại sẽ được hưởng. Chính sách chiết khấu, chia hoa hồng cao của công ty phân phối thực phẩm chức năng đã trở thành động lực cho những trình dược viên tích cực tham gia chào hàng, ôm sản phẩm để bán.

Theo khai nhận, để đưa thực phẩm chức năng vào nhà thuốc bệnh viện, ngoài yếu tố mối quan hệ cá nhân; hồ sơ giấy tờ sản phẩm đầy đủ thì một điều kiện không thể thiếu là tiền % hoa hồng.

Trình dược viên cho hay: "Em bỏ tiền ra nhập hàng. Em xin cơ chế 50%. Còn việc gửi hàng thông thường như các công ty khác vào khoảng 10%-15%. Cái đấy sẽ gửi lại. Gửi lại bệnh viện. Gửi lại nhà thuốc. Chung cho khoa dược. Muốn vào thì phải vào khoa dược. Em nghĩ đây là mức chung với tất cả mọi người. Các công ty khác, các trình dược khác cũng làm như thế. Bọn em cũng thế thôi, làm gì có nhiều có nhiều % đâu".

Vì những khoản % hoa hồng như vậy khiến cho giá thành của 1 viên nang thực phẩm chức năng bị đội giá lên rất cao. Tất cả các chi phí đó người mua đều phải gánh.

Dựa vào dữ liệu hóa đơn nhập kho và xuất bán của nhà thuốc bệnh viện cho thấy, từ năm 2024 đến nay, có vô số bệnh nhân đã từng mua thực phẩm chức năng do nhóm đối tượng làm giả phân phối. Với đơn giá đắt đỏ gần 37.000 đồng/1 viên nang - nên nhiều người bệnh đã chi từ 2 triệu đến 5 triệu đồng để mua sản phẩm về uống.

Thuốc hay thực phẩm chức năng giả đến tay người bệnh chẳng khác nào là liều thuốc độc đến tay họ cả. Không chỉ mất tiền oan, gia tăng gánh nặng kinh tế mà còn lấy đi cơ hội điều trị chính đáng của bệnh nhân. Qua vụ án này, một lần nữa đặt ra dấu hỏi rất lớn về công tác kiểm soát có hay không việc buông lỏng quản lý để thực phẩm chức năng giả tuồn vào nhà thuốc của bệnh viện?

Có một số thời điểm chính nhân viên nhà thuốc đã phát hiện ra những viên nang thực phẩm chức năng được ghi nhãn sản xuất ở Pháp, Tây Ban Nha… có dấu hiệu bất thường. Nhưng điều đáng tiếc, sau khi phản hồi với công ty cung cấp, việc nhập hàng vào nhà thuốc vẫn tiếp tục được thực hiện.

Hiện cơ quan công an đang khẩn trương tiến hành thu hồi số thực phẩm chức năng giả đã được tiêu thụ ra thị trường. Đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm trong quy trình quản lý, kiểm soát để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Phía bệnh viện có biết hay không khi để hàng giả lọt vào nhà thuốc?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước