Chất lượng nước tại lưu vực sông Nhuệ - Đáy, đoạn chảy qua tỉnh Hà Nam, thường xuyên ở mức ô nhiễm nặng. Nhiều điểm quan trắc hiện ghi nhận thông số vượt xa quy chuẩn cho phép, thậm chí xuống dưới mức D – mức chất lượng rất xấu. Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, tình trạng ô nhiễm này kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm.
Dù nước ô nhiễm, người dân vẫn phải sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Bà Huyền, một nông dân địa phương cho biết tình trạng này đã diễn ra suốt nhiều năm qua.
Bà Nuyễn Thị Huyền, Xã Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội cho biết: "Nước ô nhiễm này từ lâu rồi, bắt buộc phải theo nước. Cấy lúa thì vẫn phải làm theo thôi vì nước sông Nhuệ vào vẫn phải phải làm hai mùa như thế".
Sông Nhuệ ở Hà Nội bị ô nhiễm, chảy xuống Phủ Lý, hợp lưu với sông Đáy, biến chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hà Nam cũng luôn trong tình trạng ô nhiễm. Đáng nói đây là nguồn nước thô duy nhất để sản xuất nước sạch của nhiều nhà máy nước.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Công ty Xây dựng và kinh doanh nhà ở Hà Nam cho biết: "Rác thải rất nhiều, bèo và những cái thực phẩm là như lợn chết, gà chết là bà con nhân dân mình bỏ ra sông cũng rất nhiều. Chúng tôi đang khắc phục, xử lý,.. không có nguồn nước nào khác".
GS.TS. Trần Đức Hạ, Liên hiệp Hội Cấp thoát nước TP Hà Nội cho biết: "Nói về ô nhiễm sông đấy thì thành phố Hà Nội đã đóng góp nhiều nhất, ...nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, nước thải công nghiệp, nước thải làng nghề là hầu như là chưa qua xử lý xả vào sông".
Ngay từ năm 2009, Đề án Bảo vệ lưu vực sông Nhuệ Đáy ra đời, thực hiện đến năm 2020 nhằm điều phối liên ngành, liên vùng, giải quyết vấn đề ô nhiễm sông. Nhưng chỉ hoạt động được 7 đến 8 năm, thì dừng vì không hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết thêm: "Có các giải pháp rồi, kế hoạch rồi, các quy định của pháp luật thì cũng tương đối đầy đủ như công tác triển khai thực hiện phối hợp và đặc biệt là lĩnh vực bố trí kinh phí để đầu tư cho xử lý cái ô nhiễm này thì cũng chưa đảm bảo".
Có chính sách nhưng thiếu cơ chế vận hành, thiếu đầu tư và quản lý dài hạn về tài nguyên nước nên chất lượng nước tại lưu vực sông Nhuệ - Đáy luôn không đảm bảo. Kết quả quan trắc mẫu nước mặt tại Hà Nam gần đây cho thấy hàm lượng Amoni thời điểm cao nhất vượt 125 lần, vượt xa giới hạn cho phép. Tỉnh Hà Nam đã chính thức cảnh báo ô nhiễm cấp độ 2 đối với lưu vực sông này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!