Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến

Nhóm phóng viên-Thứ tư, ngày 30/04/2025 17:12 GMT+7

bangdatally.xyz - Kháng chiến chống Mỹ đã trôi qua, hoà bình được lập lại nhưng ký ức chiến tranh còn vẹn nguyên với Đại tá Nguyễn Đức Luận - người từng vào sinh ra tử những năm tháng ấy.

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 1.
Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 2.

Nhập ngũ khi mới 19 tuổi, ông từng trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5 - nơi khốc liệt bậc nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Suốt hơn ba thập kỷ trong quân ngũ, ông đã "kinh qua" nhiều vị trí chỉ huy, từ vị trí Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng đến Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị. Ông từng đi dọc Trường Sơn, chiến đấu tại Bình Định, Quảng Ngãi, biên giới phía Bắc - cuộc đời binh nghiệp của ông là một minh chứng sống động cho lòng yêu nước, sự kiên trung và tinh thần bất khuất của người lính Cụ Hồ.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chúng tôi may mắn có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với Đại tá Nguyễn Đức Luận.

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 3.

50 năm đã trôi qua, ký ức về những năm tháng chiến đấu hào hùng vẫn luôn hiện hữu trong ông. Từng ánh mắt, lời nói, cử chỉ của người chiến sĩ năm xưa ấy đều ánh lên tình yêu nước, niềm tự hào về một thời "Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!".

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 4.

Thưa Đại tá, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, ông có thể chia sẻ, tình yêu nước ấy được nuôi dưỡng như thế nào?

Đại tá Nguyễn Đức Luận: Gia đình tôi có truyền thống cách mạng. Bố là đảng viên, sau cải cách ruộng đất, ông trực tiếp làm đội trưởng đội sản xuất. Năm 1972, ông và anh rể tôi từng bắt sống một phi công Mỹ tại cánh đồng Trũng, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Phát huy truyền thống đó, gia đình có bốn người con trai, và cả bốn đều nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Một người em của tôi đã anh dũng hy sinh tại chiến trường miền Đông Nam Bộ năm 1974. Hai người em còn lại sau này phục viên. Còn bản thân tôi tiếp tục phục vụ trong quân đội.

Bố tôi không chỉ là đảng viên mà còn nuôi dưỡng và đào tạo lực lượng dân quân du kích của địa phương trong những năm chiến tranh. Với truyền thống gia đình và quá trình chiến đấu, tôi được cấp trên xét thành tích, cử đi học tại Học viện Chính trị. Sau khi tốt nghiệp, tôi tiếp tục công tác trong quân đội cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2008.

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 6.

Trong suốt thời gian tham gia chiến đấu, trận đánh nào đối với ông là đáng nhớ nhất? Ông có thể kể lại khoảnh khắc khó quên nhất trong trận đánh đó không?

Sau ba tháng huấn luyện tại miền Bắc, tôi cùng đơn vị hành quân vượt Trường Sơn vào Nam. Trên suốt dọc đường hành quân, đâu cũng thấy khẩu hiệu: “Đường ra tiền tuyến hôm nay - Ước gì có cánh mà bay cho gần.” Câu khẩu hiệu ấy như một lời thôi thúc, động viên lớp lớp thanh niên miền Bắc tòng quân vào Nam chiến đấu, giết giặc cứu nước.

Tháng 10 năm 1971, tôi trực tiếp vào chiến trường Trung Trung Bộ, chủ yếu hoạt động ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Chiến sự ác liệt, vài ba ngày lại có một trận đánh.

Trong số đó, một trận đánh mang tính then chốt là trận tại Mỏm 4 - thuộc khu vực đồi Tượng, diễn ra vào tháng 4 năm 1974. Đây là một điểm cao chiến lược nằm ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Quân địch chiếm giữ điểm cao này để quan sát phía hậu phương vùng giải phóng của ta. Quân giải phóng xác định phải giành bằng được điểm cao ấy, biến nơi đó thành đài quan sát quan trọng, có thể kiểm soát các vị trí như sân bay Gò Quánh hay sân bay Phù Cát - những huyết mạch thọc sâu vào vùng kiểm soát của địch.

Tôi lúc đó là trung đội trưởng, trực tiếp chỉ huy một mũi tấn công thọc sâu với nhiệm vụ đánh chiếm bằng được điểm cao. Trận đánh giằng co suốt hai tiếng đồng hồ, từ 5 giờ đến 7 giờ sáng. Trong lúc chiến đấu, đồng chí Đỗ Văn Đạo - đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 – đã anh dũng hy sinh, để lại tấm gương sáng ngời về tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.”

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 7.

Là người trực tiếp chỉ huy một mũi tấn công tại Mỏm 4, ông có thể chia sẻ rõ hơn về diễn biến và tầm quan trọng chiến lược của trận đánh ấy không?

Đây là điểm mà cả ta và địch đều muốn chiếm bằng được để giành ưu thế chiến lược, vì từ đó có thể quan sát sâu vào vùng kiểm soát của đối phương. Chính vì vậy, trận đánh diễn ra rất ác liệt, thương vong lớn, gần như toàn bộ lực lượng trực tiếp tham chiến đều bị thương hoặc hy sinh.

Đêm hôm đó, đơn vị buộc phải củng cố lực lượng từ tuyến sau. Từ 4 giờ sáng đến 7 giờ, chúng tôi tổ chức tiếp tục tấn công, nhưng trận đánh vẫn phải kéo dài sang hôm sau. Thi thể các đồng chí hy sinh vẫn còn nằm rải rác trên điểm cao. Đêm ấy, tôi cùng anh em trực tiếp lên kiểm tra từng người, sờ vào chân, vào tay của những người đã ngã xuống để xác định ai là quân ta, ai là quân địch. Lúc đó, chỉ có thể phân biệt bằng cách kiểm tra giày: ai đi giày vải bata thì là bộ đội mình, còn giày đen đế đinh là quân ngụy. Nhờ vậy mà có thể đưa được thi thể đồng đội về.

Trong trận ấy cũng có nhiều anh em là lính tân binh, lần đầu tham chiến nên chưa có kinh nghiệm. Khi đưa thương binh về tuyến sau để tập kết củng cố, có đồng chí thì cõng, có đồng chí dùng cáng để khiêng. Khi đặt xuống, anh em đều cố gắng vuốt chân vuốt tay cho thẳng, vì nếu để lâu thi thể cứng lại thì không thể chỉnh sửa được. Khi tiếng súng ngớt, lực lượng tiếp viện lên tiếp quản trận địa, còn chúng tôi thì đưa tử sĩ về phía sau để lo chôn cất.

Trận đánh ấy ác liệt vì tính chất của điểm cao - ai cũng muốn giữ, muốn chiếm lấy cho bằng được. Nó là một vị trí chiến lược, từ đó có thể quan sát và kiểm soát cả vùng rộng lớn. Đơn vị không giành được trong đợt đầu thì tiếp tục đưa lực lượng hậu tuyến lên đánh tiếp. Cứ như thế mà chiến đấu đến cùng.

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 9.

Tham gia trận đánh khi mới 24 tuổi chứng kiến nhiều mất mát hy sinh của đồng đội, cảm xúc của ông lúc ấy như thế nào?

Trước khi bước vào mỗi trận đánh, đơn vị đều phải dự kiến trước số lượng có thể hy sinh, bị thương để chuẩn bị cho công tác hậu cần – từ vải liệm, túi nilon để khi anh em hy sinh thì có thể liệm gọn gàng, bảo quản thi thể mang về. Những việc như thế tuy đau lòng nhưng buộc phải làm trước. Khi chứng kiến đồng đội hy sinh, ai cũng rớm nước mắt. Nhưng giữa sống và chết, anh em biến đau thương thành hành động – chiến đấu để trả thù cho đồng chí, đồng đội và vì mục tiêu mà đơn vị đã giao.

Có những trận đánh mà cấp trên giao nhiệm vụ rất rõ ràng: "Phải chiến thắng bằng bất cứ giá nào." Dù đơn vị có hy sinh gần hết, chỉ còn một người sống sót thì người đó cũng phải tiếp tục chiến đấu, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Đó là nhiệm vụ, là mục tiêu cao nhất trong chiến tranh. Không được phép lùi bước. Còn một người thì còn chiến đấu.

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 10.

Chiến trường là nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Với ông - người từng trải qua biết bao trận mạc - có khoảnh khắc nào khiến ông cảm nhận rõ nhất ranh giới ấy không?

Trong một trận chiến, bản thân người lính phải xác định rõ rằng: Đảng và Nhà nước đã khẳng định lực lượng vũ trang và bộ đội là một dạng lao động đặc biệt - lao động trực tiếp đối mặt với kẻ thù. Khi ra chiến trường, ta phải chiến đấu; nếu ta không bắn, kẻ địch sẽ bắn mình. Nhiệm vụ được giao là phải chiến thắng. Vì vậy, khi đối diện với kẻ thù, tuyệt đối không được lùi bước, dù là trong tình huống chiến đấu giáp lá cà hay thậm chí không có vũ khí.

Thực tế trong quân đội, việc huấn luyện luôn tính đến tình huống xấu nhất - khi súng bị mất hoặc rơi vào tay địch. Khi đó, người lính vẫn phải chiến đấu bằng tay không. Vì thế, trong huấn luyện, việc học võ thuật, đặc công hóa để đánh giáp lá cà với kẻ thù là điều bắt buộc. Tinh thần ấy phải luôn được giữ vững, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Khi tôi được bổ sung vào đơn vị chiến đấu ở miền Nam, anh em trong đơn vị nhìn nước da bánh mật của tôi rồi bảo: “Đồng chí này phải trang bị súng hỏa lực". Và đúng vậy, ngay từ khi bắt đầu, tôi được giao trực tiếp sử dụng súng hỏa lực B40, B41. Loại súng này khi bắn, đầu đạn bay về phía trước, còn cả một khối thuốc phóng phụt mạnh ra phía sau. Vì thế, trong huấn luyện, chúng tôi được yêu cầu phải lập tức rời vị trí sau khi bắn, nhanh chóng nắm bắt tình hình và tìm nơi che chắn để tránh pháo phản kích của địch khi bị lộ vị trí.

Có trận tôi bị địch phản đạn và bị thương ở đầu - mảnh đạn sượt từ trên xuống qua thái dương. Đến giờ, chụp phim vẫn còn thấy mảnh kim loại nằm trong đầu. Vết thương ấy khiến tôi được công nhận là thương binh từ năm 1974, trong một trận đánh có sử dụng hỏa lực. Sau khi bị thương, tôi được anh em đưa về phía sau băng bó. Khi lành, tôi lại tiếp tục ra trận chiến đấu.

Còn với những đồng chí bị thương nặng, mất sức chiến đấu, thì được đưa ra các đoàn điều dưỡng ở miền Bắc để chăm sóc, phục hồi. Riêng tôi, sau khi bị thương, vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 12.

Khi nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, cảm xúc đầu tiên của ông và đồng đội lúc đó như thế nào? Ông có thể chia sẻ lại khoảnh khắc ấy được không?

Năm 1975, khi nhận tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi và anh em trong đơn vị đang đánh nhau ác liệt ở chiến trường miền Trung Trung Bộ. Nghe tin xong, ai cũng mừng lắm, nhưng không nói được câu nào. Cổ nghẹn lại, cứ đứng nhìn nhau cười. Vui mà cũng lặng. Vui vì đất nước mình thống nhất rồi, bao nhiêu năm đánh giặc cuối cùng cũng đến ngày này. Nhưng sau cái phút mừng ấy là ai nấy đều tự chuẩn bị sẵn sàng. Không ai nhắc, không ai hô hào gì hết, tự mỗi người đều hiểu là còn chiến trường, là còn chiến đấu. Tôi cũng vậy. Bản thân tôi lúc đó cũng chỉ có một suy nghĩ: còn giặc là còn tiến lên. Phải làm xong trách nhiệm của mình đã rồi mới tính gì khác. Giải phóng thì giải phóng, nhưng mình vẫn còn trận phải đánh và vẫn còn bóng quân thù, chừng đó mình còn quyết tâm cầm chắc cây súng tới cùng.

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 13.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục gắn bó với quân đội, không ngừng học tập, rèn luyện và cống hiến. Ông luôn quan niệm học tập và cống hiến là việc cả đời chứ không chỉ gắn với một giai đoạn cụ thể trong cuộc đời. Ông, dưới sắc xanh của áo lính suốt những năm tháng tuổi trẻ, dưới ánh sáng của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, đã thực hiện tốt lời dặn của Bác: Tự học và học tập suốt đời.​

Quân hàm Đại tá là phần thưởng xứng đáng cho cả một đời binh nghiệp kiên trung - một đời sống vì lý tưởng cao cả của dân tộc, vì sự bình yên của nhân dân, vì sức mạnh và vững bền của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 14.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm với Đại tá Nguyễn Đức Luận, cán bộ và nhân dân tại di tích Cổ Loa (9/8/1999) (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), ông muốn gửi gắm điều gì tới thế hệ trẻ hôm nay?

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Đảng và Nhà nước tổ chức một lễ kỷ niệm trọng đại để ôn lại chiến thắng hào hùng của dân tộc. Sự kiện này cũng có sự tham dự của bạn bè quốc tế với các hoạt động như lễ diễu binh để thể hiện truyền thống đấu tranh của dân tộc, đồng thời phô diễn sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều này không chỉ nhằm khẳng định uy lực, bản lĩnh quân đội, mà còn là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng.

Hiện nay, đất nước đã được thống nhất. Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân là xây dựng một quân đội vững mạnh, tinh nhuệ, có khả năng chiến thắng trong mọi tình huống. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải giữ vững mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, hướng tới một đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Mỗi người dân Việt Nam đều cần ý thức rõ trách nhiệm này, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ hôm nay sinh ra trong thời bình, nhưng không được phép quên quá khứ. Chính lực lượng trẻ là những người phải tiếp nối và phát huy truyền thống của dân tộc, truyền thống của đất nước, và truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 15.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, nhưng trong từng câu chuyện, ánh mắt và nụ cười của Đại tá Nguyễn Đức Luận, ký ức về chiến tranh vẫn còn đó - sống động và đầy tự hào. Ông trở về giữa thời bình không chỉ với quân hàm Đại tá, mà còn mang theo cả một thời tuổi trẻ cháy rực lý tưởng và lòng trung kiên với Tổ quốc. Hành trình của cuộc đời ông là minh chứng cho một thế hệ dấn thân vì đất nước, là ngọn lửa truyền cảm hứng để thế hệ mai sau hiểu, trân trọng và tiếp bước con đường giữ gìn hòa bình, bảo vệ non sông gấm vóc Việt Nam.

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Luận về miền ký ức kháng chiến - Ảnh 17.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước