Tròn 50 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng của hòa bình và thống nhất dân tộc mà còn trở thành đầu tàu kinh tế năng động nhất cả nước. Tinh thần xé rào, dám nghĩ, dám làm từ thời kỳ đầu đổi mới đã được hun đúc và phát huy mạnh mẽ, đưa thành phố vươn mình trong các chặng đường phát triển, đứng trước những vận hội lớn để bứt phá trong thời kỳ mới.
Trong không khí rộn ràng hướng về lễ kỷ niệm 30/4, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng, nhấn mạnh rằng, không khí hào hứng đón lễ hội không chỉ xuất hiện ở những người từng trải qua cuộc chiến mà còn lan tỏa mạnh mẽ trong thế hệ trẻ.
"Những ngày này, người dân đang mong muốn được đắm mình trong không khí hào hùng của những thế hệ trước. Người dân muốn được cảm nhận được hết niềm tự hào của dân tộc và tất cả những không khí đấy, chúng ta thấy rằng là nó biểu tượng cho một tinh thần của người Việt Nam rất là yêu chuộng hòa bình, mong muốn hòa bình, mong muốn sự đoàn kết, làm sao tất cả mọi người Nam Bắc như một. Đặc biệt ở đây, chúng ta thấy rằng nó hun đúc lên một tinh thần yêu nước sâu đậm ở trong trái tim, ở trong huyết thống của mỗi một người dân Việt Nam", Giáo sư Cường chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng
Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua các thời kỳ phát triển kinh tế ấn tượng, với những quyết sách mang tính đột phá từ rất sớm. Từ sau năm 1975 đến trước thời kỳ đổi mới, thành phố đã đi đầu trong các hoạt động "xé rào", tạo tiền đề cho các chính sách đổi mới quốc gia, tiêu biểu là vai trò của đồng chí Võ Văn Kiệt và Thành ủy thời kỳ đó. Những sáng kiến tháo gỡ khó khăn tại các nhà máy, xí nghiệp đã khôi phục sản xuất, khơi thông nền kinh tế.
"Thành công của Thành phố Hồ Chí Minh dựa vào những con người dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo. Hiện nay, chúng ta cho cơ chế rồi thì đấy chính là cơ hội để chúng ta phát huy cao nhất cái yếu tố con người. Đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta đang hướng vào ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất và thu hút những lĩnh vực đầu tư mới nhất thì Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phải dẫn đầu trong lĩnh vực này", Giáo sư Cường nhấn mạnh.
Người dân Việt Nam trong không khí tự hào kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhắt đất nước
Vị thế đầu tàu kinh tế của thành phố không ngừng được khẳng định. Hiện nay, thành phố đóng góp khoảng 27% ngân sách quốc gia, chiếm hơn 30% số doanh nghiệp cả nước, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lũy kế đạt hơn 58 tỷ USD, cao nhất cả nước. Tuy nhiên, tốc độ phát triển gần đây có dấu hiệu chững lại. Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường giảm trên 20% trong quý I/2025, trong khi số doanh nghiệp rút lui tăng trên 10%.
Nguyên nhân được chỉ ra bao gồm quỹ đất hạn hẹp, hạ tầng quá tải, cải cách hành chính chưa kịp thời và sức cạnh tranh bị suy giảm so với các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương hay Hải Phòng. Theo GS. Hoàng Văn Cường, đã đến lúc Thành phố Hồ Chí Minh cần một "cuộc xé rào" mới trong khuôn khổ pháp lý, không gian phát triển và nhân lực chất lượng cao.
Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế
Một trong những giải pháp nổi bật là tận dụng tối đa Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh của Quốc hội, một cơ chế đặc thù cho phép thành phố chủ động thực hiện những chính sách vượt khung. Nghị quyết này là bước tiếp theo sau Nghị quyết 54, mở rộng phạm vi và quy mô thí điểm nhằm tạo điều kiện để thành phố phát huy tối đa tiềm lực.
Cùng với đó, các công trình hạ tầng chiến lược đang được triển khai mạnh mẽ như tuyến metro số 1, nhà ga T3, đường vành đai 3, sân bay Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ... sẽ tạo ra một hệ sinh thái kết nối vùng và quốc tế. Theo Giáo sư Cường, hạ tầng cứng và hạ tầng mềm chính là nền móng để thành phố phát triển đồng bộ, thu hút dòng vốn chất lượng cao và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Tầm nhìn của Thành phố Hồ Chí Minh còn vươn xa hơn khi đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Để hiện thực hóa tham vọng này, GS. Cường cho rằng cần đảm bảo ba yếu tố cốt lõi: Hệ thống hạ tầng đạt chuẩn quốc tế, thể chế minh bạch thuận lợi cho nhà đầu tư; Lực lượng lao động chất lượng cao, là những người có trình độ, kỹ năng; Môi trường làm việc tương thích với quốc tế.
Nhiều dự án lớn được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh, mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế
"Chúng ta đang có đầy đủ 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa'. Vấn đề còn lại là tận dụng và hiện thực hóa nó bằng quyết tâm chính trị, sự đổi mới tư duy và hành động cụ thể. Tôi tin Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lại một lần nữa vươn mình mạnh mẽ, bứt phá để trở thành biểu tượng phát triển hiện đại, văn minh, hội nhập và bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới," Giáo sư Cường khẳng định.
Nhìn lại 50 năm, Thành phố Hồ Chí Minh từ một đô thị bị chiến tranh tàn phá đã vươn lên trở thành đô thị đặc biệt, một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế và hội nhập quốc tế của cả nước. Trong thời khắc lịch sử này, với những vận hội mới mở ra từ thể chế, hạ tầng đến con người, thành phố được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, kéo theo sự phát triển chung của cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!