Nuôi cá lồng ở hồ thủy điện đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con vùng núi cao
Đánh thức tiềm năng vàng trong lòng hồ thủy điện
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc tận dụng hiệu quả tiềm năng sẵn có tại mỗi địa phương là yếu tố then chốt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi và trung du, việc khai thác nguồn nước mặt dồi dào từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thông qua mô hình nuôi cá lồng đang dần khẳng định tính khả thi và bền vững.
Tại xã Trung Xuân (huyện Quan Sơn), mặt nước phẳng lặng của hồ thủy điện Trung Xuân đã được chuyển hóa thành vùng nuôi trồng thủy sản đầy triển vọng. Từ năm 2020, nhiều hộ dân ở các bản Phụn, Piềng Phố, Muỗng… đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu là gia đình ông Lò Văn Minh (bản Piềng Phố), người đã tiên phong áp dụng mô hình nuôi cá lồng kết hợp nhiều loài như trắm cỏ, trắm đen, rô phi đơn tính và cá nheo. Không dừng lại ở những kiến thức thu nhận từ các lớp tập huấn, ông Minh còn chủ động tìm hiểu thêm qua sách báo, internet, đồng thời mạnh dạn thử nghiệm giống cá lăng – loài cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, ít gặp dịch bệnh và có giá trị kinh tế cao.
Người dân đã biết đầu tư một cách bài bản để mang tới hiệu quả
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, ông Lò Văn Minh cho biết: "Trước đây, đời sống của gia đình chủ yếu dựa vào trồng lúa, làm nương, thu nhập bấp bênh. Từ khi có hồ thủy điện, tôi đã mạnh dạn đầu tư làm lồng nuôi cá. Nhờ áp dụng những kiến thức học được, chỉ sau một năm, kinh tế gia đình đã có chuyển biến rõ rệt."
Để tạo nền tảng bền vững cho ngành nghề này, chính quyền xã Trung Xuân đã thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng, hỗ trợ người dân từ khâu chọn giống, áp dụng kỹ thuật đến kết nối thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín chấp từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn đã giúp các hộ dân tiếp cận tài chính thuận lợi, từ đó mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, toàn xã có khoảng 80 hộ nuôi với 90 lồng, sản lượng cá thương phẩm đạt khoảng 15 tấn/năm, mang lại doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Biên Cương, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Cựu chiến binh Trung Sơn (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa) phấn khởi chia sẻ.
Từ mô hình nhỏ lẻ đến vùng nuôi tập trung quy mô lớn
Tại huyện Quan Hóa, đặc biệt là khu vực lòng hồ thủy điện Trung Sơn, mô hình nuôi cá lồng cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Trước đây, người dân nơi đây chủ yếu khai thác thủy sản tự nhiên theo phương pháp tận diệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi sinh thái. Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền, vận động từ chính quyền địa phương, người dân đã dần chuyển hướng sang nuôi trồng thủy sản theo hướng chủ động và bền vững hơn.
Ông Nguyễn Biên Cương, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Cựu chiến binh Trung Sơn (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa) phấn khởi chia sẻ: "Từ chỗ chỉ biết đến việc đánh bắt tự nhiên, nhiều người dân ở lòng hồ Trung Sơn giờ đã quen với việc nuôi cá lồng. Hiện tại, khu vực hồ đã có gần 50 hộ tham gia với hơn 110 lồng cá, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục gia đình".
Ông Cương cũng tự hào nhắc đến những người tiên phong như mình: "Điển hình như tôi, Nguyễn Biên Cương ở bản Tà Bán, dù ban đầu gặp không ít khó khăn về kỹ thuật và việc chọn vị trí đặt lồng, nhưng nhờ quyết tâm, tôi đã mở rộng từ 2 lồng lên 9 lồng. Mỗi năm, tôi thu hoạch khoảng 5–6 tấn cá trắm, chép, lăng đen, lăng hoa, mang về doanh thu khoảng 180 triệu đồng.
Ông Ngô Sỹ Tâm – Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn – khẳng định: "Việc nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Trung Sơn đã khai thác hiệu quả mặt nước, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích mở rộng mô hình, tăng cường quản lý vùng nuôi, bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu cá đặc sản địa phương."
Toàn huyện Bá Thước hiện có gần 105 hộ tham gia với hàng trăm lồng cá đang hoạt động hiệu quả.
Không chỉ tại Quan Sơn và Quan Hóa, mô hình nuôi cá lồng đang tiếp tục lan tỏa tại huyện miền núi Bá Thước. Những năm gần đây, người dân nơi đây đã đầu tư phát triển nghề theo hướng sản xuất hàng hóa. UBND huyện Bá Thước đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chọn giống, thả cá đúng mật độ, chăm sóc và vệ sinh lồng nuôi nhằm đảm bảo môi trường sống cho cá và phòng ngừa dịch bệnh. Toàn huyện hiện có gần 105 hộ tham gia với hàng trăm lồng cá đang hoạt động hiệu quả.
Nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 28/12/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4716/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án phát triển nuôi cá lồng giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu đạt 200ha diện tích nuôi với 3.700 lồng, sản lượng 6.650 tấn cá, tạo việc làm cho hơn 5.800 lao động. Đến năm 2030, diện tích nuôi dự kiến tăng lên hơn 310ha, với quy mô sản xuất hàng hóa ngày càng chuyên nghiệp, bền vững.
Có thể thấy, nuôi cá lồng trên hồ thủy điện không chỉ mở ra sinh kế mới cho người dân miền núi mà còn là lời giải cho bài toán phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường. Để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả lâu dài, cần tiếp tục đầu tư đồng bộ về hạ tầng, giống, công nghệ, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững. Khi người dân, chính quyền và doanh nghiệp cùng chung tay, nuôi cá lồng sẽ trở thành mũi nhọn kinh tế nông thôn, đưa các địa phương vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!