Công an xã đang tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: Quốc Tùng
Trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, Công an tỉnh Thái Nguyên đã tiên phong triển khai mô hình tổ chức Công an hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, quyết đoán và sâu sát của lãnh đạo Công an tỉnh, mô hình này không chỉ mang lại những chuyển biến rõ nét về tổ chức mà còn tạo hiệu ứng tích cực trên nhiều mặt công tác, đặc biệt là đảm bảo an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.
Tổ chức lại bộ máy – Chuyển biến trong phòng chống tội phạm
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, mô hình Công an cấp huyện được giải thể, chức năng nhiệm vụ được chuyển giao trực tiếp cho Công an cấp tỉnh và Công an cấp xã. Từ đây, mối quan hệ chỉ đạo trở nên trực tiếp, không qua trung gian, giúp rút ngắn quy trình, tăng hiệu quả điều hành.
Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, Đại tá Bùi Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Việc sắp xếp lại tổ chức không chỉ là thay đổi cơ học về nhân sự, mà là một sự chuyển đổi toàn diện trong tư duy tổ chức, cách thức điều hành, phương thức phục vụ nhân dân. Mỗi cán bộ chiến sĩ phải nỗ lực thích nghi, chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn để phục vụ Nhân dân tốt hơn.”
Đại tá Bùi Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên.
Ngay sau kiện toàn, hàng trăm cán bộ chiến sĩ cấp huyện được điều động về các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh hoặc tăng cường cho Công an cấp xã. Sự tái phân bổ này không chỉ giúp các đơn vị cơ sở có thêm nguồn lực, mà còn tạo điều kiện cho việc quản lý địa bàn chặt chẽ hơn, bám sát dân hơn.
Một trong những kết quả rõ rệt của mô hình hai cấp là hiệu quả phòng, chống tội phạm. Với lực lượng tăng cường, Công an cấp xã đã phát huy tốt vai trò là “tai mắt” tại cơ sở. Từ việc nắm chắc tình hình nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý địa bàn đến phát hiện, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân – tất cả đều được xử lý nhanh chóng, ngăn chặn kịp thời nguy cơ phát sinh tội phạm.
Theo Đại tá Bùi Đức Hải cho biết: Tính từ ngày 1/3/2025 đến nay, Công an cấp xã đã tiếp nhận, xử lý 159 vụ việc vi phạm về trật tự xã hội; phát hiện, bắt giữ 85 vụ, 99 đối tượng phạm tội về ma túy. Những con số này phản ánh nỗ lực lớn trong việc đưa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ngay từ cấp cơ sở.
Đại tá Bùi Đức Hải nhấn mạnh: “An ninh trật tự được giữ vững từ xã, từ thôn là nền tảng vững chắc để ổn định xã hội. Khi các mâu thuẫn nhỏ được phát hiện, xử lý kịp thời thì không còn những‘mầm mống’ cho các loại tội phạm nguy hiểm.”
Cải cách thủ tục hành chính – Lấy dân làm trung tâm
Công an phường hướng dẫn nhân dân thực hiện thủ tục hành chính.
Việc giải thể Công an cấp huyện kéo theo chuyển giao nhiệm vụ hành chính cho cấp xã, giúp “đưa chính quyền gần dân hơn”. Người dân không còn phải lên huyện để làm thủ tục, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí. Công an xã giờ đây vừa nắm rõ địa bàn, vừa trực tiếp giải quyết hồ sơ – quy trình nhanh gọn, minh bạch và thuận tiện hơn rất nhiều. Đại tá Bùi Đức Hải cho biết thêm.
Công an cấp xã được tăng cường cả về lực lượng và chuyên môn, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới. Đặc biệt, với việc phân cấp rõ ràng, các cán bộ tại cơ sở có quyền chủ động xử lý hồ sơ hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo sự hài lòng thực chất trong Nhân dân.
Mô hình “Công an phục vụ tại chỗ” cũng giúp xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an gần dân, sát dân, hiểu dân, lắng nghe dân và phục vụ dân một cách thiết thực nhất.
Xây dựng lực lượng Công an 2 cấp hoạt động hiệu quả, vững mạnh
Mô hình Công an hai cấp đang chứng minh hiệu quả rõ rệt tại Thái Nguyên.
Đại tá Bùi Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Với mục tiêu xây dựng một mô hình Công an 2 cấp hoạt động hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở và phục vụ tốt nhất cho người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Công an tỉnh Thái Nguyên đề ra một số định hướng, mục tiêu cụ thể:
Một là: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Công an tỉnh, điều chỉnh phương châm hoạt động từ "tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở" sang "tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở". Đảm bảo lực lượng Công an tỉnh có khả năng bao quát toàn bộ địa bàn, giải quyết toàn diện các tình huống an ninh trật tự; tập trung xây dựng Công an cấp xã vững mạnh, có khả năng giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.
Hai là: Cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; bám sát cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại địa phương.
Ba là: Hoàn thiện cơ chế vận hành mới, đảm bảo sự ổn định trong quá trình chuyển đổi. Xây dựng quy chế làm việc mới phù hợp với mô hình tổ chức 2 cấp, đảm bảo công việc liên thông, xuyên suốt, thống nhất. Triển khai kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy một cách đồng bộ, tránh gián đoạn, ngắt quãng công việc và không để xảy ra phức tạp về an ninh, trật tự.
Bốn là: Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ; tăng cường huấn luyện, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới; bổ sung cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng cho lực lượng Công an cấp xã.
Năm là: Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để giữ vững tình hình an ninh trật tự; chủ động nắm tình hình tại cơ sở, tham mưu đề xuất với cấp ủy đảng và chính quyền cùng cấp các chủ trương, giải pháp chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở.
Sáu là: Đổi mới phong cách làm việc và nâng cao trách nhiệm phục vụ Nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Trên nền tảng chuyển đổi số quốc gia, Công an tỉnh Thái Nguyên đã có bước đi chủ động và vững chắc. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ: từ việc nâng cấp 182 đường truyền bảo mật chuyên dùng kết nối từ Công an tỉnh đến 100% đơn vị trực thuộc, bao gồm Công an cấp xã, Đồn Công an, triển khai các phần mềm điều hành, quản lý cư trú, xử lý hành chính, dịch vụ công... Đại tá Bùi Đức Hải cho biết thêm.
Điểm nổi bật là việc ứng dụng phần mềm điều hành văn bản nội bộ bảo mật cao, hệ thống bộ đàm kỹ thuật số hiện đại, giúp nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin cũng được chú trọng, đảm bảo mỗi cán bộ chiến sĩ cấp xã có thể khai thác hiệu quả hạ tầng số hiện đại.
Mô hình công an hai cấp đang chứng minh hiệu quả rõ rệt tại Thái Nguyên. Không còn độ trễ trong chỉ đạo, không còn khâu trung gian trong điều hành. An ninh được đảm bảo, dịch vụ hành chính được nâng cao, người dân được phục vụ tốt hơn – đó là những minh chứng cho sự thành công của mô hình này.
Với việc kiện toàn tổ chức bộ máy Đại tá Bùi Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Thách thức vẫn còn, nhưng với quyết tâm chính trị cao, với sự ủng hộ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Công an tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đổi mới, xây dựng lực lượng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và gần dân.”
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!