Tết Jé Khù Chà của người Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà

Quân Nguyễn - Hoàng Anh-Chủ nhật, ngày 11/05/2025 06:00 GMT+7

Trong không khí ngày tết Jé Khù Chà nhà nhà cùng quay quần bên mâm cơm tạo nên nét đẹp văn hóa dân tộc đoàn kết gia đình của đồng bào Hà Nhì.

bangdatally.xyz - Khi bắt đầu vào mùa Hè, mưa giăng khắp lối, là lúc đồng bào người Hà Nhì ở vùng cao biên giới tỉnh Lai Châu chuẩn bị Tết Jé Khù Chà.

Tết Jé Khù Chà hay còn gọi là Tết mùa mưa, rất quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Hà Nhì, với mong ước mưa thuận gió hòa, để cây lúa đủ nước sinh trưởng. Đây là khoảng thời gian người Hà Nhì nghỉ ngơi, lấy lại sức khỏe thời gian lao động vất vả và thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, cùng các vị thần linh. 

Tết Jé Khù Chà của người Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 1.

Hơn nữa, đây cũng là dịp để mọi người trở về nhà, gặp gỡ, ôn lại những kinh nghiệm sản xuất. Trước ngày chuẩn bị lễ cúng sẽ có lễ dựng cây đu. Đây là phong tục lâu đời của người Hà Nhì ở vùng cao Tây Bắc. Trong những ngày này, người phụ nữ thường chọn trang phục truyền thống mới và đẹp nhất để mặc. 

Tết Jé Khù Chà của người Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 2.

Mâm cơm Tết thường được chuẩn bị công phu, không chỉ để thưởng thức mà còn để dâng lên bàn thờ gia tiên, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Ông Khoàng Phù Cả, bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chia sẻ: "Mùa mưa của người Hà Nhì thường kéo dài từ ngày 15/5 tới ngày 15/7 âm lịch hằng năm. Theo quan niệm của người Hà Nhì, thời điểm này, các vị thần sông nước hoành hành, sấm sét, xói mòn, lũ quét làm cho hồn vía của con người, vật nuôi và cây trồng hoảng loạn, thất lạc. Điều đó sẽ khiến cho con người dễ bị ốm đau, cây trồng, vật nuôi khó sinh sôi, phát triển. Vì vậy, theo truyền thống từ xưa, mỗi năm một lần, vào thời điểm nắng nóng nhất của mùa Hè, mưa kéo dài, người Hà Nhì làm Tết mùa mưa để cầu xin các vị thần mưa, thần nước trả lại hồn vía đã bắt từ trước, để con người được khỏe mạnh hơn, vật nuôi, cây trồng có sức sống trở lại tốt tươi, cho mùa màng bội thu". 

Tết Jé Khù Chà của người Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 3.

Đồng bào Hà Nhì thường tổ chức lễ vào ngày Hợi hoặc ngày Thìn với ước muốn mọi điều thuận lợi, may mắn sẽ đến với họ. Tết mùa mưa của người Hà Nhì được tổ chức trong phạm vi gia đình, theo nghi thức truyền thống.

Để chuẩn bị cho buổi lễ ngay từ sáng sớm, các thành viên trong gia đình đều phải dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, quét sạch sân, ngõ để sẵn sàng cho buổi lễ. Các thành viên trong gia đình cùng tham gia đồ xôi, giã bánh giầy để thể hiện tình đoàn kết. Bánh giầy được coi là thành quả lao động vất vả của gia đình trong năm. Đồng thời, là lễ vật thơm ngon mong tổ tiên về chứng giám cho lòng thành của gia chủ, phù hộ năm tới mùa màng bội thu. 

Tết Jé Khù Chà của người Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 4.

Cuộc sống ngày càng phát triển nên việc làm bánh giầy cũng trở nên dễ dàng hơn

Bánh giầy được nặn thành 3 cái dâng cúng tổ tiên. Đối với dân tộc Hà Nhì, việc cúng lễ tổ tiên không bắt buộc phải là vợ hay chồng. Nếu người đàn ông bận, không kịp về nhà vào ngày Tết, người phụ nữ sẽ thực hiện việc thờ cúng. Vì vậy, phụ nữ Hà Nhì đi làm dâu giữ vai trò quan trọng trong gia đình nhà chồng và được quý mến, yêu thương như người con gái trong gia đình. Lúc này, tất cả thành viên đều phải có mặt để chủ nhà thực hiện lễ cúng tổ tiên. 

Tết Jé Khù Chà của người Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 5.

Người phụ nữ Hà Nhì chuẩn bị thức ăn cho ngày tết

Cúng xong, con cháu phải đến lạy tạ trước bàn thờ tổ tiên. Nghi lễ cúng thần cho con người, vật nuôi kết thúc, đồng bào quan niệm vía đã về đầy đủ và được tổ tiên phù hộ. Lễ vật được hạ xuống, các thành viên trong gia đình cùng uống bát nước trắng và nhận lại trang sức, vật dụng, cùng quây quần ăn uống và chúc nhau những lời tốt đẹp. 

Tết Jé Khù Chà của người Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 6.

Chuẩn bị trang phụ để đi chơi ngày tết

Ông Pờ Lóng Te, bản Lò Ma, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: "Với người Hà Nhì, việc dâng cúng bánh giầy thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân, hiếu thuận của các thành viên trong gia đình, của con cháu đối với đấng sinh thành, gia tiên. Người làm chủ lễ sẽ là chủ nhà, hoặc người có vai trò quan trọng trong cộng đồng".  

Tết Jé Khù Chà của người Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà - Ảnh 7.

Phụ nữ Hà Nhì khéo léo nặn bánh giầy để chuẩn bị cho ngày tết

Đặc biệt là để cho một năm mới được vui vẻ trọn vẹn, thì người Hà Nhì kiêng không cãi nhau, không nói tục, trộm cắp. Người Hà Nhì quan niệm, nếu gia đình nào đón được đông anh em, bạn bè thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn. Tết mùa mưa được người Hà Nhì tổ chức trong 5 ngày, cũng là 5 ngày kiêng kỵ. Mọi người trong gia đình không đi làm mà chỉ cùng nhau chơi các trò chơi dân gian, cùng nhau chúc những lời hay, ý đẹp về một năm mới bình an, làm ăn phát triển. Nét riêng văn hóa độc đáo trong tết Tết Jé Khù Chà hay còn gọi là tết mùa mưa của đồng bào Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước