Sửa đổi Luật Việc làm: Lao động ngắn hạn cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 24/05/2025 12:49 GMT+7

bangdatally.xyz - Dự thảo sửa đổi Luật Việc làm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bổ sung linh hoạt mức đóng và tăng cường hỗ trợ kỹ năng nghề cho người lao động mất việc.

Sau gần một thập kỷ thực thi, Luật Việc làm đang được sửa đổi theo hướng mở rộng bao phủ, linh hoạt về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và gia tăng các chính sách hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm. Đáng chú ý, một trong những điểm mới được dư luận quan tâm là đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có cả người lao động ngắn hạn, hợp đồng dưới ba tháng.

Sửa đổi Luật Việc làm: Lao động ngắn hạn cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh 1.

Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, Bộ Nội vụ, đây là một trong những thay đổi lớn, mang tính cải cách sâu sắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động đang ngày càng linh hoạt và đa dạng.

"Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách ngắn hạn. Tất cả những người tham gia sẽ cùng chia sẻ rủi ro cho một số ít người được hưởng. Quỹ này chỉ chi trả cho những người tham gia vào quỹ. Do vậy, quy định hiện nay là người lao động đóng 1% tiền lương và người sử dụng lao động cũng đóng 1% tiền lương vào quỹ. Mức đóng này căn cứ vào việc đảm bảo chi trả các chế độ khi người lao động hoặc người sử dụng lao động đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng", ông Tú cho biết.

Thực tiễn cho thấy, sau hơn 15 năm triển khai chính sách, bảo hiểm thất nghiệp đã bao phủ ngày càng rộng và trở thành trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Nếu như năm 2009 – năm đầu tiên thực hiện, cả nước chỉ có 5,9 triệu người tham gia thì đến cuối năm 2024, con số này đã đạt hơn 16 triệu người. Số người được thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng tương ứng.

"Năm đầu tiên khi chúng ta triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là năm 2009, và đến đầu năm 2010 đã có người đầu tiên được hưởng chế độ thất nghiệp. Ngay trong năm 2009, số người tham gia chỉ có 5.900.000, và đến năm 2010, số người bắt đầu được hưởng chế độ khoảng 156.000. Đến cuối năm 2024, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã đạt trên 16 triệu và số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng", ông Trần Tuấn Tú cho biết thêm.

Một trong những điểm nghẽn lớn hiện nay là mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bị "cố định" trong luật, khiến việc điều chỉnh theo thực tiễn gặp khó khăn. Ông Tú nêu ví dụ: "Trong giai đoạn COVID vừa qua, khi quỹ có kết dư lớn, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, do quy định đóng cứng một phần trăm nên khi muốn giảm mức đóng cho người sử dụng lao động, phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành một nghị quyết. Tương tự, việc hỗ trợ tiền mặt từ kết dư của quỹ cũng phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, do chưa có quy định linh hoạt."

Với dự thảo sửa đổi lần này, mức đóng được quy định theo hướng "tối đa 1%", cho phép Chính phủ linh hoạt điều chỉnh theo tình hình kinh tế - xã hội, kết dư quỹ và điều kiện thực tiễn. Đây được xem là bước tiến lớn nhằm giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi.

Sửa đổi Luật Việc làm: Lao động ngắn hạn cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh 2.

Đáng chú ý, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ mở rộng cả về chiều sâu hỗ trợ, chứ không chỉ dừng ở mức trợ cấp tài chính. Theo dự thảo, người lao động sau khi mất việc sẽ được tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí, đồng thời có thể tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng, tay nghề phù hợp với xu hướng thị trường.

Ông Trần Tuấn Tú nhấn mạnh: "Theo dự thảo Luật Việc làm tới đây, người lao động sẽ được hỗ trợ theo hướng mở rộng. Ngoài những nghề trong danh mục nghề, người lao động còn được hỗ trợ nâng cao kỹ năng, trình độ nghề nghiệp của mình, từ đó có thể sớm lựa chọn được công việc có khả năng tốt hơn và phù hợp hơn trong thời gian tới."

Trên thực tế, các trung tâm dịch vụ việc làm thời gian qua đã trở thành điểm tựa vững chắc cho người lao động mất việc. Nhiều trường hợp sau khi học nghề đã tìm được việc làm ổn định hoặc khởi nghiệp thành công. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đang phát huy vai trò tích cực trong việc tái hòa nhập thị trường lao động.

Sửa đổi Luật Việc làm: Lao động ngắn hạn cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh 3.

Chỉ người bị mất việc do nguyên nhân khách quan mới đủ điều kiện hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này cũng đặt ra vấn đề mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả người lao động có hợp đồng dưới 3 tháng hoặc những người có quan hệ lao động nhưng không thuộc nhóm ký hợp đồng lao động truyền thống. Những người này khi tham gia sẽ được thụ hưởng chính sách nếu không may rơi vào tình trạng mất việc làm.

Tuy nhiên, việc mở rộng này vẫn tuân theo nguyên tắc: Chỉ người bị mất việc do nguyên nhân khách quan mới đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Những người tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ không thuộc diện được hỗ trợ. Đây là điểm cân bằng giữa quyền lợi chính đáng của người lao động và trách nhiệm tài chính của quỹ.

Với tinh thần cải cách, hướng đến nâng cao chất lượng và hiệu quả hệ thống an sinh, sửa đổi Luật Việc làm lần này được kỳ vọng sẽ không chỉ tháo gỡ các điểm nghẽn hiện tại mà còn mở rộng lưới an sinh cho hàng triệu lao động phi chính thức, lao động ngắn hạn là những người dễ bị tổn thương nhất trong cơn biến động của nền kinh tế thị trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước