Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh tổ chức họp chuẩn bị công tác kiểm tra cơ sở
Với gần 500 cơ sở liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công tác đảm bảo vệ sinh thực phẩm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.
Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp đã chủ động tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo ATTP huyện. Công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tăng cường, gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức để nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực thực phẩm. Ngoài ra, nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ về ATTP cũng đã được tổ chức cho cán bộ chuyên môn và các chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhằm nâng cao kỹ năng giám sát và xử lý vi phạm.
Y tế huyện Sốp Cộp kiểm tra vệ sinh quán ăn
Ông Lường Văn Xuân – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: "Các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất tại các cơ sở dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể trong trường học. Nội dung kiểm tra tập trung vào chất lượng nguồn thực phẩm, điều kiện vệ sinh khu vực sơ chế, chế biến, khu ăn uống và việc lưu mẫu thức ăn theo quy định."
Từ đầu năm 2024 đến nay, gần 300 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và bếp ăn tập thể đã được kiểm tra. Qua đó, phát hiện và xử lý 7 cơ sở vi phạm các quy định như không niêm yết giá, bảo quản thực phẩm không đúng quy cách… Tổng số tiền xử phạt hành chính trên 5 triệu đồng. Việc công khai các trường hợp vi phạm cũng được thực hiện nhằm nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa vi phạm trong tương lai.
Song song với công tác quản lý, hoạt động truyền thông, tuyên truyền về ATTP được triển khai sâu rộng đến từng bản làng. Trong năm 2024, huyện đã tổ chức gần 20 buổi tuyên truyền trực tiếp và lồng ghép; phát hơn 50 lượt bài truyền thông trên hệ thống loa phát thanh xã, bản, tập trung hướng dẫn người dân thói quen ăn uống an toàn, lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, tránh sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Cán bộ y tế test nhanh thực phẩm chế biến.
Nhờ những nỗ lực trên, nhận thức của người dân về ATTP đã có chuyển biến tích cực. Chị Lò Thị Súng, bản Khá Nghịu (xã Púng Bánh) chia sẻ: "Gia đình tôi đã dần thay đổi thói quen ăn uống. Chúng tôi luôn đảm bảo ăn chín, uống sôi, giữ gìn khu bếp và dụng cụ nấu ăn sạch sẽ, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Nhờ vậy, sức khỏe của cả nhà được cải thiện rõ rệt."
Tại bản Sốp Cộp, chị Lò Thị Ngát – chủ một nhà hàng dịch vụ ăn uống – cũng đang tích cực thực hiện các quy định về ATTP. Chị cho biết: "Chúng tôi chỉ mua nguyên liệu từ các đơn vị uy tín, có hợp đồng cam kết chất lượng rõ ràng. Ngoài ra, nhà hàng còn áp dụng quy trình kiểm định ba bước cho nguyên liệu trước, trong và sau chế biến. Nhân viên cũng được nhắc nhở thường xuyên về quy tắc vệ sinh an toàn."
Thời gian tới, huyện Sốp Cộp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, đồng thời tổ chức ký cam kết với các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các đợt kiểm tra sẽ được duy trì thường xuyên, kết hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng môi trường kinh doanh thực phẩm lành mạnh. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng giới thiệu, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, góp phần phát triển kinh tế bền vững gắn với chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!