Chuyển đổi xanh - Tài xế có sẵn sàng?
Làm tài xế giao hàng đã gần 2 năm nay, anh Phạm Bùi Trung Kiên cho biết trung bình mỗi ngày chạy khoảng 150km, tốn khoảng 80.000 đồng tiền xăng. Trước kế hoạch chuyển đổi xe xăng sang xe điện, anh Kiên đồng tình vì chạy xe điện sẽ tiết kiệm chi phí hơn.
“Tuy nhiên, ngày nào tôi cũng chạy liên tục từ sáng sớm đến tối mịt. Xe điện nếu pin không đủ, mà giữa đường hết pin thì tôi biết sạc ở đâu? Giờ trạm xăng thì có khắp nơi, chứ trạm sạc thì chưa thấy mấy”, anh Kiên băn khoăn.
Ngoài vấn đề về trạm sạc, nhiều tài xế cũng lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu. “Giờ mà đổi sang xe điện loại ổn thì giá cũng không rẻ. Nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ, cho trả góp hoặc cho thuê xe điện giá tốt thì tôi sẽ đổi, còn không thì khó lắm”, anh Liễu Văn Khuân - một tài xế công nghệ cho hay.
Xe công nghệ chạy bằng xăng chiếm phần lớn ở TP Hồ Chí Minh.
Phần lớn xe công nghệ tại TP Hồ Chí Minh hiện nay là xe chạy bằng xăng. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, việc chuyển đổi sang xe điện là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông bền vững và giảm thiểu ô nhiễm không khí tại đô thị đông dân nhất cả nước.
Đồng tình với kế hoạch phát triển giao thông xanh của thành phố, nhưng tài xế Nguyễn Thị Phương cũng e ngại: “Chạy xe điện thì giảm khói bụi, ô nhiễm cho thành phố. Nhưng nếu đi đường mưa ngập, bình ắc quy hỏng thì phải sửa ở đâu? Tôi nghe nói tiền bảo dưỡng xe điện cũng khá cao. Tôi nghĩ cần phải có những điểm hỗ trợ kỹ thuật với chi phí hợp lý thì chúng tôi mới yên tâm đổi xe được”.
Lộ trình rõ ràng, nhưng cần chính sách “chạm tới tay tài xế”
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS) cho biết trong tháng 6, sau khi có dự thảo chính sách chuyển đổi xe điện, thành phố sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan chức năng để hoàn thiện đề án trong tháng 7/2025.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh.
Việc chuyển đổi được đánh giá là khả thi nhờ vào hai yếu tố chính là xe công nghệ có mức phát thải cao và tiềm năng tiết kiệm chi phí vận hành khi sử dụng xe điện.
Theo ông Hải, trung bình tài xế công nghệ di chuyển trên dưới 100km/ngày, với thời gian từ 8-12 tiếng khiến lượng phát thải rất lớn. Vì vậy lực lượng tài xế xe ôm công nghệ và giao hàng được xem là nhóm ưu tiên trong lộ trình kiểm soát khí thải trên địa bàn thành phố.
Trước đó, HIDS đã thực hiện khảo sát với hơn 400 tài xế xe xăng cho thấy với quãng đường 100km/ngày, chi phí nhiên liệu hàng ngày từ 70.000 - 100.000 đồng. Trong khi đó, tài xế xe điện chỉ tốn khoảng 20.000 đồng/ngày.
“Trừ chi phí sạc và thời gian nghỉ, các tài xế có thể tiết kiệm được từ 40.000 - 60.000 đồng/ngày, tương đương 1-1,5 triệu đồng/tháng. Nếu dùng khoản tiết kiệm này để trả góp mua xe điện, họ có thể hoàn tất khoản vay sau 24-30 tháng mà không phát sinh thêm gánh nặng tài chính”, ông Hải phân tích.
TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ chuyển đổi 100% xe máy công nghệ thành xe điện, phát triển giao thông xanh đô thị.
Hiện nay HIDS đang phối hợp với các ngân hàng để thiết kế gói vay phù hợp cho tài xế. Đồng thời nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xe điện hai bánh cũng cam kết sẽ có nhiều ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ giai đoạn chuyển đổi này.
Để kế hoạch “chạm tới tay tài xế”, theo ông Hải, dự kiến TP Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị lên Trung ương miễn lệ phí trước bạ và thuế VAT trong 2 năm đầu với xe điện mới thuộc nhóm tài xế công nghệ.
Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh kỳ vọng trong hai năm đầu sẽ chuyển đổi ít nhất 80% xe máy công nghệ chạy bằng xăng sang xe điện. Giai đoạn sau đó, các chính sách kiểm soát khí thải sẽ tiếp tục được siết chặt để tiến tới mục tiêu điện hóa hoàn toàn đội ngũ xe công nghệ tại TP Hồ Chí Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!