Việc sớm đưa vào khai thác công trình thuỷ lợi không chỉ phục vụ sinh hoạt cho người dân mà còn có vai trò quan trọng cho sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, đặc biệt khi mùa khô năm nay, xâm nhập mặn cao hơn trung bình nhiều năm. Cũng nhờ các công trình điều tiết thủy lợi, kết hợp với việc thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, biến nước mặn thành tài nguyên, thiệt hại do hạn mặn đã giảm đáng kể.
Tiền Giang - địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất ĐBSCL - loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng nhạy cảm với nước mặn. Kinh nghiệm từ đợt mặn cách đây 5 năm, gây thiệt hại hơn 20 cây sầu riêng, 10 năm tuổi, gia đình anh Đặng Minh Ngân (xã Tam Bình, Cai Lậy, Tiền Giang) chủ động tích trữ nước ngọt tưới cho vườn sầu riêng rộng 7.000 m2.
Nằm ngoài vùng đê bao, bà con ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang thường chịu cảnh thất mùa, lúa chết vì hạn mặn. Ba năm gần đây, 170 hộ dân ở đây với 160ha đất đã cùng tham gia mô hình một vụ lúa và tận dụng nguồn nước mặn nuôi tôm.
Từ đợt hạn mặn này, hai công trình thuỷ lợi là cống âu Nguyễn Tấn Thành ở Tiền Giang và Rạch Mọp ở Sóc Trăng đưa vào vận hành, cùng với hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé. Với tổng mức đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng, các công trình giúp điều tiết nước mặn ngọt cho vùng hưởng lợi sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản là hơn nửa triệu ha.
Những thay đổi trong tư duy sản xuất, cùng hệ thống thủy lợi ngày càng được Chính phủ đầu tư hoàn thiện, đang mở ra hướng đi bền vững cho bà con ở vùng ĐBSCL và dần thích ứng tốt hơn với hạn hán, xâm nhập mặn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!