Mỗi lần xem lại những thước phim quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều đọng lại trong lòng người xem không chỉ là hình ảnh của một vị lãnh tụ giản dị, mà còn là nụ cười của Bác – hiền hậu, ấm áp và đầy nhân ái.
Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người, hãy cùng ngược dòng thời gian, sống lại những khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Với mỗi ai từng được gặp Bác, từng được chứng kiến nụ cười của Người, đó là niềm tự hào sâu sắc, là ký ức không thể nào quên.
Nụ cười của Bác không chỉ là biểu tượng của niềm vui, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ người Việt Nam. Đó là sức mạnh tinh thần vô hình, nâng bước những người lính nơi chiến trường, tiếp thêm niềm tin cho nhân dân trong những ngày tháng gian khó.
Trong những ngày sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi đất nước vừa giành được độc lập, không khí tại Bắc Bộ Phủ luôn khẩn trương, sôi nổi với biết bao công việc phải gấp rút triển khai. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đang làm việc tại đây – nghiêm nghị, tập trung, và đầy trách nhiệm.Một hôm, giữa lúc đi ngang qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh bất chợt dừng lại, nhìn Đại tướng rồi nhẹ nhàng hỏi: "Sao chú Văn lúc nào cũng có vẻ mặt như đang giận ai thế?"
Từ đó Đại tướng hay cười. Để rồi, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, hình ảnh Đại tướng luôn xuất hiện với nụ cười tươi, thể hiện sự lạc quan và niềm tin vững chắc vào chiến thắng.
Trong một lần đến thăm Quân chủng Phòng không – Không quân vào dịp đầu năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ thân mật với các cán bộ, chiến sĩ. Trong số đó có chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Cốc – khi ấy mới 25 tuổi, nhưng đã lập chiến công vang dội khi bắn rơi 9 máy bay Mỹ, được Bác Hồ tặng 9 huy hiệu cao quý.
Trong buổi gặp gỡ, Bác tươi cười nói với các chiến sĩ: "Nhân dịp đầu năm mới, Bác chúc cho Không quân có nhiều Cốc hơn nữa!"
Câu nói vừa hài hước, vừa chan chứa tình cảm ấy khiến cả hội trường bật cười vui vẻ. Đó không chỉ là lời khen ngợi, mà còn là sự động viên đầy tinh tế của Bác dành cho người lính. Nụ cười của Bác – hiền hậu và giản dị – trong khoảnh khắc ấy như xua tan mọi mệt nhọc, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ bầu trời Tổ quốc.
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đến những người lính đang chiến đấu nơi tuyến đầu. Một trong những câu chuyện xúc động nhất là về chiến sĩ La Văn Cầu – người anh hùng nổi bật trong Chiến dịch Biên giới năm 1950.
Trong trận đánh đồn Đông Khê tháng 9 năm đó, chiến sĩ trẻ La Văn Cầu bị thương nặng ở cánh tay. Để tiếp tục chiến đấu, anh đã dũng cảm nhờ đồng đội chặt đứt phần tay bị thương và vẫn kiên cường xông lên hoàn thành nhiệm vụ. Hành động phi thường ấy khiến toàn quân cảm phục.
Với chiến công đặc biệt, năm 1952, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất, La Văn Cầu vinh dự là một trong bảy người đầu tiên được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân."
Vinh dự hơn cả, anh được Bác Hồ mời dùng bữa cơm thân mật tại Phủ Chủ tịch. Bữa cơm giản dị, đậm đà tình nghĩa ấy đã trở thành ký ức không thể nào quên trong cuộc đời ông.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu xúc động kể lại: "Cháu Cầu này, nay ăn cơm với Bác, so với đơn vị thì cháu thấy thế nào?", tôi mạnh dạn trả lời Bác: "Thưa Bác, cháu ăn cơm ở đơn vị cũng ngon, nhưng mà hôm nay, cháu vinh dự được ăn cơm với Bác, với các đồng chí Trung ương, cháu cảm thấy ngon hơn ạ!". Bác nhìn về phía đồng chí Trường Chinh nói: "Cháu Cầu trông hiền thế kia, thế mà trả lời chính trị đáo để!". Tôi không ngờ lại được Bác Hồ khen, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi không bao giờ quên".
Những lời khen của Bác, sự gần gũi, nụ cười của Người không chỉ thể hiện sự quan tâm mà còn là nguồn động viên, khích lệ với các chiến sĩ hay tất cả mọi người. Nụ cười của Bác chính là tình yêu với đồng bào, dù là chiến sĩ, những người dân bình thường hay với các cháu thiếu nhi. Sinh thời, Bác Hồ luôn dành cho trẻ thơ những tình cảm và sự quan tâm chăm sóc trìu mến nhất.
Người từng nói: "Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi". Đáp lại tình cảm thân thương đó, thiếu nhi Việt Nam rất kính yêu Bác Hồ và luôn vinh dự khi được chụp ảnh cùng Bác. Trong những bức hình, sự ân cần, gần gũi, những cái ôm và cả nụ cười của Bác Hồ đã trở thành kỉ niệm quý giá trong cuộc đời của "những thiếu nhi bên Bác ngày ấy".
Nụ cười của Bác Hồ trong trái tim những thiếu nhi bên Bác ngày ấy
Một cuốn sách đặc biệt – kể về những khoảnh khắc quý giá mà các em thiếu nhi được chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, mỗi gương mặt trẻ thơ là một chứng nhân nhỏ bé nhưng thiêng liêng trong ký ức về Người.
Có em được chụp ảnh khi Bác tới thăm trại hè thiếu nhi, có em lại được gặp Bác ngay tại nhà riêng, trong những chuyến thăm gần gũi, ấm áp
Trong bức hình ghi lại Lễ mừng thọ Lục tuần đại khánh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19/5/1950, nổi bật là hình ảnh cậu bé Trần Tiến Đức – con trai của bác sĩ Trần Duy Hưng – vinh dự được có mặt trong thời khắc trọng đại.
Nhà báo Trần Tiến Đức chia sẻ: "Lúc đấy tôi còn bé lắm, mới có 9 tuổi được mời đến dự sinh nhật Bác Hồ tại Thác Rằng. Hôm đấy có đoàn nghệ thuật đến biểu diễn cho Bác nghe, sau đó đến lượt chúng tôi được chụp ảnh cùng Bác".
Sinh nhật – với Chủ tịch Hồ Chí Minh – không phải là dịp để nhận về, mà là cơ hội để Người trao đi tình yêu thương, đặc biệt là dành cho các em nhỏ. Trong những dịp ấy, Bác luôn quan tâm, hỏi han, và mang đến niềm vui cho thiếu nhi – những "mầm non" của đất nước.
Một trong những khoảnh khắc đẹp và xúc động nhất là bức ảnh chụp vào ngày 19/5/1953 – sinh nhật lần thứ 63 của Bác – tại trường mầm non Quân đội Việt Bắc. Trong tấm hình, những cô bé, cậu bé ngồi vây quanh Bác Hồ, ánh mắt rạng ngời, nụ cười hồn nhiên bên cạnh nụ cười hiền hậu của Người.
Với bà Quỳnh Dung, một trong những em nhỏ có mặt trong bức ảnh năm ấy, đây là kỷ niệm quý giá, in đậm trong suốt cuộc đời.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Dung, Nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: "Lúc đấy tôi còn bé lắm, mới 5 tuổi. Có cô giáo Phan Thanh Hoà, cô kể lại cho bọn tôi biết là Bác đến chụp ảnh cho các cháu, hỏi thăm sức khoẻ các cháu. Hôm ấy, có bạn Bích Nga bị ho, Bác nói là tặng cho Bích Nga chai mật ong, Bác rất quan tâm đến các cháu".
Sinh ra ở Tân Trào - chiến Khu Việt Bắc, bà Quỳnh Dung là em bé có 7 bức ảnh chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những bức hình, điều bà ấn tượng mãi là nụ cười hiền hậu của Bác Hồ.
"Tôi còn bé thì được Bác Hồ bế, hôm đấy là tổ chức sinh nhật bác Tôn Đức Thắng, mẹ tôi cũng sang dự mà. Lúc đó thấy Bác có cái bút hay hay trên ngực Bác nên tôi rút ra. Bác cười. Bây giờ cảm thấy quá hạnh phúc vì Bác tươi như vậy mà trông Bác lại rất tình cảm" - Bà Nguyễn Thị Quỳnh Dung, Nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết.
Những cô bé, cậu bé ngày ấy bên Bác, sau hơn bảy mươi năm, đến nay mái đầu đều đã bạc. Thế nhưng, tình cảm của Bác Hồ dành cho thiếu nhi là điều họ ghi nhớ suốt cuộc đời.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Dung, Nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: "Chúng tôi quá sung sướng, cứ ùa lên, chạy lên với Bác, sau đó Bác cầm cái khay phát kẹo cho các cháu. Nhưng các cháu không ăn đâu mà để dành. Bác đúng là tình cảm bao la, không dành riêng cho ai đâu, mà cho tất cả các con, các cháu".
Nhà báo Trần Tiến Đức chia sẻ thêm: "Bác ngồi với trẻ em, Bác hôn, Bác âu yếm, Bác cười, một nụ cười rất tự nhiên, đó là một tình yêu thật sự. Bác dành tất cả tình cảm, sự nghiệp, cuộc đời của mình vì hạnh phúc của đất nước, trong đó có hạnh phúc của trẻ em".
Nụ cười của Bác truyền cảm hứng cho nghệ sĩ xưa và nay
Vĩ đại nhưng giản dị, lãnh tụ nhưng luôn gần gũi. Giọng nói, nụ cười của Bác Hồ không chỉ là biểu tượng của niềm tin và hy vọng, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho bao thế hệ nghệ sĩ. Từ quá khứ đến hiện tại, hình ảnh ấy vẫn lan tỏa, nâng bước sáng tạo nghệ thuật vì con người, vì Tổ quốc.
Ở tuổi 83, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trà Giang có cuộc sống bình yên và chủ yếu dành thời gian cho hội họa. Trong căn phòng đầy ắp sắc màu ấy, có một bức ảnh được treo trang trọng, được bà coi là "bảo vật" của gia đình. Mỗi lần ngắm nhìn, bà lại thêm tự hào. Bức ảnh "Nụ cười của cô gái nhỏ miền Nam trong vòng tay Bác".
Sau khi đóng Chị Tư Hậu, NSND Trà Giang được chọn là đại biểu đi dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi ấy bà là đại biểu trẻ tuổi nhất và được tặng hoa bác Hồ.
NSND Trà Giang cho biết: "Được gặp, tặng hoa Bác là một vinh dự vô cùng lớn. Mình nhớ một người trong ban tổ chức nói là: Ai cũng muốn đến tặng hoa cho Bác nhưng Đại hội không thể làm như vậy được nên cử một người già nhất và trẻ nhất tặng hoa cho Bác. Khi nói người già nhất, Bác sửa ngay. Không phải người già nhất mà là người cao tuổi nhất… Câu nói nhớ nhất Bác dạy đó là "Người nghệ sĩ cũng là chiến si trên mặt trận văn hoá". Đó là kim chỉ nam trong quá trình làm việc của mình".
Trong buổi sáng tháng 5 lịch sử này, 444 gương thanh niên đã được tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc, trong số đó có rất nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ. Họ chỉ được nghe kể về những lời căn dặn của bác Hồ nhưng hôm nay, khi được đeo trên ngực huy hiệu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, mỗi người lại tràn đầy khí thế cống hiến.
Ca sĩ Hòa Minzy bồi hồi chia sẻ: "Điều có ích nhất mà Hoà làm được cho xã hội đó là qua giọng hát của mình, Hoà có thể lan toả nét đẹp văn hoá Việt Nam gần hơn tới mọi người và thế giới".
"Nụ cười của Bác" - một biểu tượng giản dị nhưng đầy sâu sắc, đã và đang tiếp tục là nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ nghệ sĩ nói riêng và tuổi trẻ Việt Nam nói chung. Đó cũng là nguồn động lực giúp họ không ngừng nỗ lực sáng tạo, cống hiến vì một xã hội tốt đẹp hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!