Những nữ anh hùng Quảng Bình và ký ức không quên về Bác Hồ

Thanh Trung-Chủ nhật, ngày 18/05/2025 06:00 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Kim Huế bên bức ảnh chụp cùng Bác Hồ

bangdatally.xyz - Dù tuổi đã cao, nhưng những lời dặn dò, dạy bảo của Bác Hồ vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí của hai nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế và Trương Thị Diên.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quê hương Quảng Bình có những người phụ nữ được tuyên dương Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các mẹ, các chị trở thành niềm tự hào của nhân dân Quảng Bình nói chung, phụ nữ Quảng Bình nói riêng và là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi tìm về gặp lại những nữ anh hùng đã vinh dự nhiều lần gặp Bác Hồ để cảm nhận được rõ hơn những tình cảm mà nhân dân dành cho chủ tịch Hồ Chí Minh – Người cha già vĩ đại của dân tộc.

Ký ức không thể phai mờ trong những lần gặp Bác

Trong cái nắng hanh hao của những ngày đầu hè, chúng tôi tìm về gặp Anh hùng thanh niên xung phong Nguyễn Thị Kim Huế, người vinh dự năm lần được gặp Bác Hồ. Trong ngôi nhà nhỏ nằm bên Quốc lộ 12A thuộc xã Phù Cảnh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, dù tuổi đã cao, bước chân đã chậm, nhưng khi nhắc đến Bác Hồ, ánh mắt bà Huế bỗng sáng lên, giọng bà rắn rỏi như ngày nào còn cầm súng, xẻ đá, mở đường giữa bom đạn kẻ thù trên tuyến đường 12A huyền thoại.

Những nữ anh hùng Quảng Bình và ký ức không quên về Bác Hồ - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Kim Huế đang kể lại những kỷ niệm về 5 lần được gặp Bác Hồ cho các bạn đoàn viên nghe

Bà nhớ như in từng chi tiết của lần đầu được gặp Bác vào tháng 11/1966, khi ấy, bà là nữ thanh niên xung phong xuất sắc, được cử đi học tại Hưng Yên. Vượt qua bài kiểm tra bắn súng với điểm tuyệt đối, bà được vinh dự trò chuyện cùng Bác. Và trong ánh mắt đầy tự hào, bà nhắc lại lời Bác khen: "Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi."

"Lúc đó tôi nghe mà tự hào về quê hương của mình. Lời khen ngợi của Bác là động lực, nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để chúng tôi tiếp tục chiến đấu, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước", bà Huế xúc động nói.

Cuối năm ấy, bà lại vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu ngành Giao thông vận tải ra Hà Nội báo công với Bác. Khi Bác biết bà là người trẻ nhất trong đoàn, Người đã ân cần hỏi han, rồi mỉm cười khuyên bà: "Cháu đánh giặc giỏi nhưng cũng phải lo việc gia đình, phải sinh con, vì sự nghiệp đánh Mỹ còn dài". Lời dặn ấy là sự cân bằng tuyệt vời giữa lý trí cách mạng và trái tim nhân hậu của một vị lãnh tụ.

Chỉ sau đó vài tháng, vào ngày 1/2/1967, tại Đại hội Anh hùng toàn quốc, bà Huế lại vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, còn đại đội của bà được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khi Bác gắn huy hiệu lên ngực bà, tặng chiếc đồng hồ và quàng khăn, bà đã rưng rưng nước mắt.

Đến tháng 7/1967 tại Đại hội Thanh niên xung phong toàn quốc. Bà Huế lại được tham gia và vinh dự đại diện tuổi trẻ cả nước, mang bó hoa tươi thắm tặng Bác.

"Lúc đó tôi hồi hộp và run lắm, dù được gặp Bác nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên được vinh dự cầm bó hoa tươi thắm tặng Bác. Nhưng khi Bác đến gần với nụ cười tươi và ánh mắt hiền từ đón nhận bó hoa thì tôi xúc động vô cùng. Đó mãi là ký ức đẹp mà tôi không bao giờ quên", bà Huế chia sẻ.

Lần cuối cùng bà Huế được gặp Bác là trong dịp Kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Trước khi sang thăm Liên Xô, bà Huế và các đại biểu đã được gặp và nghe Bác dặn dò. Bác nói: "Khi ra nước ngoài phải thể hiện khí phách hiên ngang, không sợ sệt, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Nhớ lời Bác dặn, khi một nhà báo quốc tế hỏi, "dũng sĩ diệt Mỹ sao bé nhỏ thế? Bà Huế tự tin trả lời: "Tôi tuy nhỏ bé nhưng tinh thần không nhỏ, chúng tôi không sợ Mỹ, lớp này hy sinh có lớp khác lên thay".

Cũng may mắn được hai lần gặp Bác Hồ, nữ anh hùng Trương Thị Diên, 87 tuổi, ở phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm không thể nào quên về những năm tháng hào hùng đó. Mỗi khi nhắc lại bà Diên không giấu được niềm tự hào.

Sinh ra nơi làng quê Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cô gái Trương Thị Diên thuở nào chỉ mới 19 tuổi đã rời làng theo học lớp nghiệp vụ dạy vỡ lòng. Trở về quê hương, cô vừa dạy chữ, vừa gánh trên vai trọng trách của một nữ cứu thương trong đội dân quân Thanh Khê. Ngày ấy, bên cạnh phấn trắng bảng đen là chiếc túi thuốc luôn sẵn sàng trên vai, để bất cứ lúc nào cũng có thể lao đến cứu chữa cho dân làng trong khói lửa chiến tranh.

Những nữ anh hùng Quảng Bình và ký ức không quên về Bác Hồ - Ảnh 2.

Bà Trương Thị Diên luôn xúc động và tự hào khi được Bác Hồ dặn dò, dạy bảo trong những lần gặp gỡ

Năm 1965, khi bom Mỹ trút xuống, trong tích tắc, cô giáo Diên đã nhanh tay đưa 25 học trò vào hầm trú ẩn an toàn. Lúc căn phòng học đổ sập cũng là lúc cô bị thương, nhưng bằng thân mình, cô đã che chở cho các em. Không chỉ làm giáo viên, bà Diên còn là y tá dân quân, luôn mang theo túi thuốc bên người, sẵn sàng cứu chữa cho dân làng mỗi khi bom đạn trút xuống. Chính sự tận tụy ấy đã giúp bà Diên vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ; được chọn dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước cuối năm 1966.

"Sáng 30/12/1966, tại lễ khai mạc Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước, tôi lần đầu tiên được tận mắt thấy Bác Hồ. Tôi vẫn nhớ như in lời dạy của Bác: "Được phong anh hùng đã khó, giữ được anh hùng còn khó hơn". Câu nói ấy như kim chỉ nam để tôi giáo dục con cháu bây giờ", bà Diên xúc động kể.

Nhìn lên bức ảnh được treo trang trọng trong phòng khách, bà Diên rưng rưng nhớ lại: Trong giờ giải lao, Bác xuống hội trường nói chuyện với đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình. Bác ân cần hỏi chuyện từng người, từ ông Đặng Gia Tất, bà Nguyễn Thị Suốt, bà Lê Thị Phấn… Bất ngờ bác quay sang tôi hỏi: "Cô này làm chi?" Vì quá bất ngờ, đang bối rối, tôi chưa kịp trả lời thì ông Đặng Gia Tất nói: "Thưa Bác, cô này làm công tác y tế ạ!". Vài ngày sau bà Diên bất ngờ nhận được bức ảnh từ một phóng viên gửi tặng, ghi lại khoảnh khắc Bác Hồ đang ân cần hỏi chuyện bà.

Sau đại hội, bà Diên cùng đoàn đại biểu Quảng Bình vinh dự được gặp Bác Hồ lần thứ hai tại Phủ Chủ tịch. Tại đây, Bác ân cần dặn dò anh chị em khi về Quảng Bình phải anh dũng chiến đấu với địch, cố gắng phục vụ nhân dân tốt hơn nữa để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trước khi ra về, Bác còn tặng cho mỗi người 1 chiếc huy hiệu, món quà vô giá mà bà nâng niu suốt đời.

Tấm gương sống truyền lửa cho thế hệ mai sau

Dù Bác Hồ đã đi xa gần 60 năm, hai nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế và Trương Thị Diên cũng đã gần 90 tuổi, nhưng những lời căn dặn của Bác Hồ vẫn in sâu trong tâm trí họ. Đó còn là nguồn động viên mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần yêu nước và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong thời đại mới, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chị Trần Thị Viễn, Phó Bí thư Đoàn xã Phù Cảnh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xúc động khi nghe những câu chuyện của Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Kim Huế kể về những kỷ niệm được gặp Bác Hồ, và thực sự tự hào về những năm tháng kiên cường, bất khuất đánh Mỹ của lớp thế hệ cha ông.

"Qua mỗi câu chuyện bác Kim Huế kể, tôi cũng cảm nhận được tình cảm, sự ân cần của Bác Hồ, dù là lãnh tụ vĩ đại, song Bác lại quá giản dị, gần gũi với cán bộ chiến sỹ, nhân dân. Thế hệ trẻ được sống trong hòa bình, hạnh phúc như hôm nay, được ăn no, mặc đẹp nhưng cũng không quên những công lao của Bác và các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc", chị Trần Thị Viễn chia sẻ.

Những nữ anh hùng Quảng Bình và ký ức không quên về Bác Hồ - Ảnh 3.

Bác Hồ trò chuyện với các đại biểu của tỉnh Quảng Bình dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Ảnh tư liệu).

Trong cuốn sách Lịch sử Y tế Quảng Bình, 1945-1995, ở trang 209 có viết: "Y tá Trương Thị Diên, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch người phụ nữ mới sinh con đầu lòng đang trong thời kỳ nhũ nhi; mẹ già, chồng bị thương nhưng đã băng mình trong lửa đạn xông pha như nam giới đến cấp cứu, tải thương, cứu ngạt cho bộ đội, dân quân tự vệ... Với tinh thần dũng cảm, tận tụy phục vụ nhân dân, Trương Thị Diên được Nhà nước tuyên dương Anh hùng của ngành Y tế, Bác Hồ tặng huy hiệu". Noi gương bà, các thế hệ con cháu của bà đều nỗ lực học tập, công tác. Đại gia đình bà Diên có 8 người công tác trong ngành Y tế, trong đó, có 7 bác sĩ và 1 cử nhân điều dưỡng.

"Rất may các con hiểu lòng ba mẹ, nói ít, hiểu nhiều. Tôi luôn dặn con cháu: Mỗi thời một khác, nhưng dù thời nào, mình cũng phải làm tròn trách nhiệm, giữ cái tâm của người làm nghề "Lương y phải như từ mẫu", bà Diên chia sẻ.

Ngày 19/5, khi cả nước đang hướng đến kỷ niệm 135 năm ngày sinh nhật Bác Hồ - Vị cha già kính yêu của dân tộc. Người đã dành trọn cuộc đời mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Dẫu Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh, lời dạy và tấm gương đạo đức sáng ngời của Người vẫn luôn sống mãi trong trái tim triệu người Việt Nam.

Đối với hai nữ anh hùng từ vùng đất Quảng Bình "hai giỏi" Trương Thị Diên và Nguyễn Thị Kim Huế, những giây phút được gặp Bác không chỉ là niềm vinh dự lớn lao, mà còn là ký ức thiêng liêng luôn theo họ suốt cả cuộc đời. Những tình cảm và sự tin yêu của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần bất diệt, giúp họ giữ trọn danh hiệu cao quý mà Người đã trao tặng và là bài học sống cho các thế hệ con, cháu mai sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước