Những người ở lại

Nguyễn Ngân, Trọng Đức-Thứ ba, ngày 29/04/2025 06:11 GMT+7

bangdatally.xyz - 87 thương binh nặng tại Trung tâm Thuận Thành là những nhân chứng sống, minh chứng cho sự hy sinh thầm lặng để đất nước có được hòa bình hôm nay.

Độc lập, tự do đã phải đánh đổi bằng biết bao hy sinh, mất mát. Đó là sự hy sinh lặng thầm nhưng cao cả của hàng triệu người lính đã trực tiếp cầm súng nơi chiến trường khốc liệt, để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Có những người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Có người trở về nhưng mang trên mình thương tật suốt đời – những vết thương không bao giờ lành hẳn.

Tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), hiện đang nuôi dưỡng và điều trị cho 87 thương, bệnh binh nặng – những người mang mức độ thương tật đặc biệt nghiêm trọng. Họ là những minh chứng sống cho một thời hoa lửa, cho sự kiên cường vượt lên nỗi đau để sống có ích, sống nghị lực mỗi ngày.

Những người ở lại - Ảnh 1.

Dẫu phải đối mặt với những cơn đau thể xác triền miên, và cả những khoảng lặng tinh thần khó gọi thành tên… nhưng những người lính ấy vẫn không ngừng nỗ lực, vẫn kiên cường vươn lên trong cuộc sống. Chính từ họ, chúng ta càng thấm thía hơn rằng: hòa bình hôm nay là điều vô cùng thiêng liêng và không thể xem nhẹ.

Ông Sửa, một thương binh nặng tìm thấy niềm vui mỗi ngày từ việc sửa chữa các thiết bị điện tử cho mọi người trong trung tâm. 26 tuổi, ông tình nguyện xung phong vào chiến trường miền Nam, mang theo lý tưởng sống cao đẹp của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam: sẵn sàng hy sinh, không tiếc máu xương, chỉ mong một ngày Bắc - Nam sum họp một nhà.

Trở về từ chiến trường, ông mang thương tật đến 98%, cơ thể gần như mất hoàn toàn cảm giác, lại chịu thêm hậu quả phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Suốt 49 năm qua, ông gắn bó với Trung tâm điều dưỡng này - nơi đã trở thành mái nhà thứ hai.

Những người ở lại - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Sửa, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết: "Cả tính mạng đồng đội hy sinh, mình chỉ có một phần xương máu, trở lại đây vẫn sống tự hào không có gì tiếc rẻ những mất mát đó cả".

Trở về sau chiến thắng, non sông quy về một mối, cầu Hiền Lương nối liền đôi bờ, miền Bắc - miền Nam không còn chia cắt. Những người lính năm xưa, trong tim họ chỉ có một điều thiêng liêng: Tổ quốc. Họ sẵn sàng hy sinh vì đất nước, không hề đắn đo, không một phút chần chừ trước hiểm nguy, gian khổ.

Giờ đây, mỗi thương, bệnh binh đều có nhân viên y tế túc trực chăm sóc hằng ngày. Thế nhưng, với bản lĩnh của người lính, nhiều người trong đó có ông Thể, vẫn luôn cố gắng tự chăm sóc bản thân trong khả năng có thể. Họ không muốn trở thành gánh nặng, dù đã cống hiến cả tuổi xuân và máu xương cho đất nước.

Những người ở lại - Ảnh 3.

Từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, không quản hiểm nguy, những người lính ấy, khi trở về với đời thường, vẫn giữ nguyên tinh thần không đầu hàng nghịch cảnh, không chịu khuất phục số phận.

Ông Thể, một thương binh nặng, từng chiến đấu tại mặt trận Trị Thiên – Huế, bị thương nặng và rơi vào tay địch. Từ năm 1972 đến 1975, ông bị bắt giam tại nhà lao Tân Hiệp, Biên Hòa – một trong những nhà tù khét tiếng nhất thời chiến. Sau khi được giải phóng, ông được chuyển về điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành. Đến nay, ông đã gắn bó với nơi này suốt 49 năm - gần nửa thế kỷ.

Những người ở lại - Ảnh 4.

Ông Đỗ Văn Thể, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh chia sẻ: "Không tiếc máu xương. Chỉ mong hòa bình, hòa bình rồi ăn cháo cũng sướng".

Ngày xưa, đất nước chìm trong khói lửa, những người lính sống giữa rừng núi, chiến đấu giữa màn đêm. Hôm nay, chúng ta có thể ngắm nhìn sông dài, biển rộng trong ánh nắng ban ngày – một điều tưởng như rất đỗi bình thường, nhưng thực ra đã phải đánh đổi bằng bao xương máu. Đất nước thống nhất, thu về một mối – đó là thành quả thiêng liêng không phải dễ dàng có được.

Tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, có 87 thương, bệnh binh hạng 1/4 – tức mức thương tật từ 81% đến 100%. Trong số đó, có đến 90% mang thương tật liên quan đến cột sống, nhiều người đồng thời nhiễm chất độc hóa học. Họ là những người đang gánh trên mình cả nỗi đau của một thời chiến tranh tàn khốc.

Những người ở lại - Ảnh 5.

Bác sĩ Phô – người đã gần 30 năm gắn bó với các bệnh nhân đặc biệt nơi đây – chia sẻ rằng, ngày cũng như đêm, anh và các đồng nghiệp luôn túc trực bên cạnh các thương bệnh binh, sẵn sàng có mặt bất cứ lúc nào cần thiết. Anh đã chứng kiến biết bao cơn đau thể xác hành hạ các ông, biết bao nỗi đau tinh thần lặng lẽ đi qua từng căn phòng… nhưng chưa từng nghe một lời than vãn.

Bác sĩ Ngô Huy Phô, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết: "Các bác không tiếc xương máu, giành lại độc lập cho Tổ Quốc, mình hưởng thụ thành quả đó. Làm sao góp phần nho nhỏ để giúp các bác về sức khỏe, chúng kiến đất nước phát triển, như thế này cũng to, một phần có xương máu sức khỏe và tuổi thanh xuân của các bác, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc".

Những người ở lại - Ảnh 6.

Cơn mưa đầu hè đổ xuống trung tâm trong sự hối hả rất riêng của trời tháng Tư. Mưa như gột rửa cái nắng oi nồng, như tưới mát ký ức xa xăm, nơi những vết thương cũ vẫn còn âm ỉ trong mỗi con người nơi đây.

Cây cối ở trung tâm bốn mùa vẫn xanh, vẫn đâm chồi nảy lộc. Nhưng ở nơi này, mỗi con người lại mang trong mình một vết thương không bao giờ lành, vết thương của chiến tranh. Dẫu đau, dẫu mỏi mòn theo năm tháng, họ vẫn sống, vẫn gắn bó với nhau như những đồng đội chưa từng rời xa trận mạc.

Chỉ cần gặp nhau mỗi ngày, được nhìn thấy nhau, hỏi han nhau vài câu… đã là niềm vui giản dị nhưng đầy ấm áp của những người từng đi qua cái sống và cái chết. Những người lính đã hy sinh một phần máu thịt của mình để hôm nay đất nước có được hòa bình, một nền hòa bình vang lên tiếng cười trẻ thơ, tiếng gọi mẹ cha, tiếng hát ngân vang giữa thanh bình.

Những người ở lại - Ảnh 7.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước