Một bệnh nhân vừa qua cơn nguy kịch sau khi bị rắn cạp nia cắn. Anh nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải đặt ống nội khí quản, liệt cơ toàn thân.
Vợ anh – chị Trần Thị Quyên, quê ở Hà Nam – vẫn chưa hết bàng hoàng: “Chồng tôi đang ngủ thì con rắn cạp nia bò vào nhà và cắn. Anh ấy thấy đầu lưỡi tê, họng cứng''.
Ngoài những sự cố hy hữu thì đa số bệnh nhân bị rắn cắn đều xuất phát từ tai nạn lao động. Nhiều trường hợp bị rắn lục, rắn hổ mang cắn gây tổn thương nặng.
Các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng mất máu nhiều, thậm chí hoại tử tại vết thương phải phẫu thuật, nguy cơ để lại di chứng về sau. Thế nhưng, một số trường hợp lại có những sai lầm trong sơ cứu tại nhà như đắp lá, nặn máu.
''Phương pháp điều trị không được khoa học chứng minh như dùng thuốc nam đắp thuốc… gây khó khăn trong quá trình điều trị. Một số bệnh nhân biến chứng, nhiễm trùng rất nặng, thậm chí phải tháo khớp, gây tổn thương chi thể, di chứng nặng nề về sau'', bác sĩ Nguyễn Tiến Đạt, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Theo các bác sĩ, có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, người dân nếu bị rắn cắn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!