Nhiều dự án "treo" kéo dài, người dân khốn khổ vì chờ đợi

Phạm Bằng - Phạm Sơn-Thứ sáu, ngày 09/05/2025 08:43 GMT+7

bangdatally.xyz -Dự án quy hoạch "treo" kéo dài khiến người dân phải sống tạm bợ hàng chục năm.

TP Hồ Chí Minh: Hàng loạt dự án chậm triển khai, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh

1. Dự án khu đô thị Sing-Việt (huyện Bình Chánh) Khởi động từ năm 1997, dự án khu đô thị Sing-Việt rộng hơn 300 ha từng được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo phía Tây TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau gần 30 năm, nơi đây vẫn là bãi đất hoang. Người dân trong vùng quy hoạch không được cấp sổ đỏ, xây dựng tạm bợ và sống trong điều kiện hạ tầng thiếu thốn.

Quy hoạch "treo" đẩy người dân ở nhiều nơi sống cảnh tạm bợ hàng thập kỷ.

2. Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) Dự án quy mô hơn 426 ha đã "treo" suốt hơn 30 năm. Trong khi doanh nghiệp trúng thầu thay đổi nhiều lần, người dân trong khu vực vẫn bị hạn chế sửa chữa nhà cửa, không được đền bù hoặc bố trí tái định cư thỏa đáng.

Nhiều dự án treo kéo dài, người dân khốn khổ vì chờ đợi - Ảnh 2.

Bán đảo Bình Quới -Thanh Đa

Nhiều dự án treo kéo dài, người dân khốn khổ vì chờ đợi - Ảnh 3.

Một góc bán đảo Thanh Đa, nơi bao năm qua vẫn đứng bên lề sự phát triển

3. Dự án Công viên Safari (Củ Chi) Từng là dự án du lịch sinh thái quy mô 485 ha được kỳ vọng lớn, nhưng hiện nay nơi này vẫn là vùng đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Người dân bị thu hồi đất, chờ đền bù trong mỏi mòn, hạ tầng và đời sống thiếu thốn nghiêm trọng.

Dự án công viên lớn nhất Việt Nam vẫn đang bị bỏ hoang

4. Dự án đường Lương Định Của, TP.Thủ Đức Chiều dài toàn tuyến: khoảng 2,3 km. Mặt cắt mở rộng: lên 30 m, với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư: hơn 800 tỷ đồng. Thời gian khởi công: năm 2015. Chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Nguyễn Hoàng – Trần Não (đã thông xe ngày 26/1/2025), Giai đoạn 2: Nguyễn Hoàng – nút giao An Phú (dài khoảng 600 m, chưa triển khai).

Nhiều dự án treo kéo dài, người dân khốn khổ vì chờ đợi - Ảnh 5.

Tuyến đường Lương Định Của hướng về trung tâm Thành phố

Người dân sống dọc đoạn đường chưa giải phóng mặt bằng mỏi mòn chờ đợi suốt gần 10 năm, Không thể sửa chữa, xây dựng nhà cửa. ( Ảnh VTV Times )


Các tỉnh lân cận: Nhiều khu dân cư "mắc kẹt" giữa quy hoạch treo

5. Dự án khu đô thị tại phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai Từ năm 2007, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định thu hồi đất tại khu phố 8 để giao cho doanh nghiệp làm dự án khu đô thị. Nhưng sau 18 năm, dự án vẫn chưa triển khai, khiến gần 20 hộ dân sống thiếu điện, nước hợp pháp. Nhiều người còn phản ánh bị chiếm đoạt tiền đền bù đất rừng từ năm 2003 mà đến nay chưa được giải quyết.

Khu dân cư nằm trong dự án ( Ảnh VTV Times )


Giải pháp nào cho bài toán quy hoạch treo?

Tình trạng quy hoạch treo kéo dài không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Các chuyên gia kiến nghị chính quyền địa phương cần thường xuyên rà soát, đánh giá tiến độ dự án. Với những trường hợp không khả thi, cần kiên quyết thu hồi hoặc điều chỉnh quy hoạch để giải phóng nguồn lực.

Theo Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, một số loại quy hoạch như quy hoạch khu đô thị chỉnh trang hay khu đô thị xây dựng mới tỷ lệ 1/2000 khi được công bố thường đi kèm với việc hạn chế quyền của người dân – đặc biệt là quyền sở hữu, xây dựng và tách thửa đất. Điều này vô hình trung làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân sống trong khu vực quy hoạch mà chưa có quyết định thu hồi đất. Ông Châu đề nghị cần chấm dứt tình trạng "công bố quy hoạch nhưng lại siết quyền sử dụng đất", đồng thời nhấn mạnh rằng nếu Nhà nước chưa có quyết định thu hồi đất thì người dân phải được thực hiện đầy đủ quyền của mình, bao gồm cả quyền xây dựng – trong đó có hình thức cấp phép xây dựng có thời hạn theo quy định pháp luật hiện hành.

Liên quan đến tình trạng quy hoạch “treo”, Luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, pháp luật hiện hành không định danh khái niệm “quy hoạch treo”, nhưng thực tế đây là tình trạng một diện tích đất đã được công bố thu hồi để thực hiện dự án nhưng suốt thời gian dài vẫn không triển khai đúng tiến độ, khiến người dân bị “treo” quyền sử dụng hợp pháp. Luật Đất đai 2024, tại khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 76, đã quy định rõ cơ chế xử lý những trường hợp này, cho phép người dân tiếp tục sử dụng đất, sửa chữa nhà ở hiện hữu và đặc biệt, sau 2 năm nếu chưa có quyết định thu hồi hoặc chưa chuyển mục đích sử dụng thì cơ quan có thẩm quyền phải rà soát, điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch, công bố công khai để người dân không bị tiếp tục hạn chế quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương vẫn viện dẫn lý do “chưa xóa quy hoạch” để từ chối cấp sổ đỏ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng hoặc cải tạo nhà ở cho người dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và quyền lợi hợp pháp. Theo Luật sư Cường, việc giao đất cho những chủ đầu tư không có năng lực, thiếu kinh nghiệm triển khai dẫn đến tình trạng dự án “lem nhem” kéo dài hàng thập kỷ là điều không thể chấp nhận được. Ông nhấn mạnh, Nhà nước cần chủ động rà soát các quy hoạch treo kéo dài, nếu không còn phù hợp, không khả thi thì phải chấm dứt dự án, xóa bỏ quy hoạch và trả lại quyền sử dụng đất hợp pháp cho người dân. “Không thể để người dân chết trên chính mảnh đất của mình chỉ vì một quy hoạch đã không còn giá trị thực tiễn,” luật sư Cường khẳng định.
Nhiều dự án treo kéo dài, người dân khốn khổ vì chờ đợi - Ảnh 9.

Luật sư Trần Minh Cường


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Thời báo VTV

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước