Với mật độ phương tiện lên tới hàng chục nghìn lượt mỗi ngày, việc đảm bảo an toàn lưu thông trên các tuyến cao tốc đòi hỏi hệ thống hạ tầng, thiết bị phải luôn trong trạng thái hoạt động tốt, sẵn sàng phục vụ.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình trạng mất trộm thiết bị, vật tư trên các tuyến cao tốc diễn ra liên tục và có chiều hướng gia tăng. Thực trạng này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Rạng sáng ngày 19/5, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ cao tốc số 6 đã phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai tổ chức mật phục và bắt quả tang một đối tượng đang thực hiện hành vi trộm cắp trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Kim Tùng, cùng tang vật là một bao tải chứa khoảng 150m dây cáp điện và nhiều dụng cụ dùng để trộm cắp như kìm cộng lực, xà beng. Số cáp này thuộc hệ thống kỹ thuật của tuyến cao tốc, có vai trò quan trọng trong việc điều hành và bảo đảm an toàn giao thông.
Theo Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), trong những năm qua đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản trên các tuyến cao tốc, gây thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.
Ông Ngô Huy Thuận, Giám đốc Trung tâm Điều hành đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết: "Khi thiết kế đều đã tính toàn để đảm bảo an toàn, tuy nhiên việc mất cắp các thiết bị sẽ rất nguy hiểm, tiền ẩn tai nạn giao thông cao".
Các thiết bị, vật tư như dây cáp điện cho hệ thống chiếu sáng, dây cáp điện cấp nguồn cho hệ thống điều hành giao thông, hàng rào bảo vệ hành lang an toàn…được xem là miếng mồi hấp dẫn các đối tượng trộm cắp thời gian qua .
Ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý khai thác, Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam cho biết: "Hiện nay cao tốc có nhiều chủ thể quan lý như nhà nước, doanh nghiệp, tư nhân nên dẫn đến việc quản lý tài sản khó khăn cần có phương an coi cao tốc là một tài sản quốc gia để bảo vệ".
Dù pháp luật cũng đã quy định khá rõ đối với hành vi trộm cắp tài sản, vật tư, thiết bị trên các tuyến cao tốc và cũng đã có nhiều đối tượng vi phạm đã được đưa ra trước vành móng ngựa, nhưng việc tuyên truyền đến người dân để hiểu việc trộm cắp các thiết bị trên cao tốc là hành vi nguy hiểm, không đơn thuần là trộm cắp vặt vẫn còn hạn chế.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng cho biết: "Cần phải coi cao tốc là một công trình quốc gia có như vậy các địa phương có tuyến đi qua cùng chung tay bảo vệ nếu không mất cắp vân tiếp diễn".
Theo quy hoạch, đến năm 2030 - 2035 VN sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc với tổng mức đầu tư gần 40 tỉ USD. Đây là tài sản rất lớn cần phải được quản lý và đảm bảo an toàn tốt nhất khi được đưa vào khai thác, sử dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!