Người lao động chật vật xoay xở khi giá thuê nhà không ngừng tăng

Kiều Trang - Phùng Anh-Thứ tư, ngày 21/05/2025 17:58 GMT+7

bangdatally.xyz - Giá thuê nhà trọ tại Hà Nội ngày càng tăng cao, nhiều gia đình phải dành phần lớn thu nhập cho tiền nhà, gây áp lực tài chính nặng nề cho người lao động và sinh viên.

Giá trọ leo thang, người trẻ chật vật an cư

Hiện nay, thuê nhà đang là giải pháp được phần lớn người trẻ tại Hà Nội ưu tiên lựa chọn. Ghi nhận từ năm 2024 đến nay, thị trường cho thuê căn hộ và nhà nguyên căn trên địa bàn thành phố trở nên đặc biệt sôi động. Hàng loạt hội nhóm tìm, cho thuê nhà mọc lên trên mạng xã hội, mỗi nhóm thu hút từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên.

Tuy nhiên, nhu cầu tăng kéo theo mặt bằng giá thuê cũng không ngừng leo thang. Chỉ riêng trong năm 2024, giá thuê nhà tại Hà Nội đã tăng trung bình từ 10% - 20%, tạo thêm áp lực lớn lên những người đi thuê, đặc biệt là lao động trẻ và sinh viên.

Anh Tuấn Linh (quê Vĩnh Phúc) đang thuê một căn hộ 56m² trên đường Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với giá 10 triệu đồng/tháng. Căn hộ có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 nhà vệ sinh, vừa đủ cho gia đình 4 người. Dù căn hộ đã xuống cấp, thang máy trục trặc, tường bong tróc, nhưng chủ nhà vẫn vừa thông báo sẽ tăng thêm 2 triệu đồng/tháng với lý do "giá nhà tăng".

Theo anh Linh, vợ chồng anh có tổng thu nhập khoảng 28 triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng sau khi trả tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt và học phí cho con, gần như không còn dư để tiết kiệm.

"Tiền thuê nhà gần bằng cả tháng lương của tôi. Nhưng để tiện cho công việc và chuyện học hành của con cái, tôi không còn cách nào khác phải thuê ở khu vực 'đắt đỏ' này", anh Linh nói.

Gia đình anh Linh dự tính sẽ chuyển sang thuê căn nhỏ hơn để giảm áp lực chi tiêu. "Tiền thuê đóng một lần ba tháng, mỗi lần mấy chục triệu, nên nhà tôi không dành dụm được đồng nào để phòng khi ốm đau hay biếu bố mẹ", anh Linh chia sẻ.

Người lao động chật vật xoay xở khi giá thuê nhà không ngừng tăng - Ảnh 1.

Để xoay xở với chi phí thuê nhà cao, nhiều người buộc phải tính toán thu chi một cách tối ưu nhất. (Ảnh: Kiều Trang)

Còn với chị Hà Vy, nhân viên một cơ quan nhà nước cũng đang mỏi mắt lùng sục các hội nhóm thuê nhà sau khi căn hộ chị thuê bị chủ thu hồi. "Tôi biết thuê nhà ở Hà Nội đắt đỏ, nhưng không ngờ giờ giá thuê nhà lại giá cao vút như vậy. Lương tháng 13 triệu mà căn 5 triệu thì thiếu đủ thứ, sống cũng chẳng dễ dàng gì," chị Vy nói.

Trước đây, chị Vy từng thuê phòng tại phố Cự Lộc (quận Thanh Xuân) với giá 4,5 triệu đồng/tháng. Khi còn là sinh viên, chị cùng bạn ở ghép căn chung cư mini ở quận Cầu Giấy chỉ 3 triệu đồng/tháng đã đầy đủ tiện nghi. Còn giờ, giá thuê đã tăng chóng mặt, trong khi chất lượng chưa chắc tương xứng.

Không riêng gì chị Vy, nhiều lao động có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng hay sinh viên tỉnh lẻ cũng đang chật vật bám trụ giữa mức thuê tăng vọt. Để cầm cự, nhiều người phải chọn ở ghép, bất chấp chật chội hay thiếu riêng tư, chỉ để tiết kiệm chi phí.

Không chỉ tiền thuê, giá điện nước tại nhiều khu trọ cũng tăng theo. Tại các quận trung tâm, giá điện lên tới 4.000 đồng/kWh, thậm chí có nơi thu hơn 5.000 đồng/kWh sau khi thông tin giá bán lẻ điện sẽ tăng từ ngày 10/5. Người thuê nhà thêm một gánh lo trên hóa đơn hàng tháng.

Người lao động chật vật xoay xở khi giá thuê nhà không ngừng tăng - Ảnh 2.

Việc tìm phòng trọ 3,5 triệu ở quận trung tâm TP Hà Nội tưởng dễ mà hóa ra không hề. (Ảnh: Kiều Trang)

Theo khảo sát tại một số khu vực và trên các trang môi giới căn hộ, phòng trọ cho thuê, các phòng trọ diện tích nhỏ 12-15m², từng có giá thuê từ 1,8-2,5 triệu đồng/tháng, nay gần như biến mất khỏi thị trường. Nếu còn, giá cũng bị đẩy lên ít nhất 200.000 - 300.000 đồng. Những phòng rộng từ 25m² trở lên đang ghi nhận mức giá tăng cao.

Tại khu vực Vũ Ngọc Phan (Đống Đa), phòng 15-25m² hiện được cho thuê với mức 2,5–3,5 triệu đồng/tháng. Phòng 35-40m² có giá từ 5,5-6 triệu đồng.

Khu vực Xuân Thủy (Cầu Giấy) ghi nhận giá thuê 28-30m² dao động trong khoảng 4-5 triệu đồng.

Ở Thanh Xuân, giá thuê phòng 20-30m² phổ biến ở mức 3,2-4,5 triệu đồng, có nơi lên đến 5 triệu.

Khu Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm) cũng không còn phòng trọ "giá rẻ": phòng 15m² thấp nhất 2,2 triệu đồng/tháng, phòng trên 20m² từ 2,5 triệu trở lên.

Tại Hoàng Mai, các phòng 20-25m² có mức giá từ 2,6-3,2 triệu đồng/tháng.

Phòng trọ dưới 2 triệu đồng/tháng hiện rất hiếm, thường là các căn nhỏ dưới 15m², nằm sâu trong ngõ hẹp, thiếu tiện nghi, không có nội thất hoặc chung chủ. Giá thuê tăng mạnh, song việc tìm được nhà trọ vẫn không dễ dàng với sinh viên và người lao động. Không ít người buộc phải chấp nhận ở những căn phòng xuống cấp, kém an toàn để tiết kiệm chi phí.

Sống xa trung tâm để giảm áp lực tiền thuê nhà

Anh Nguyễn Xuân Thành - nhân viên một văn phòng môi giới căn hộ và phòng trọ cho biết, giá thuê nhà liên tục leo thang, nhưng nhu cầu vẫn không hề giảm. Vài năm trở lại đây, nhiều khách tìm đến văn phòng anh để thuê những căn trọ nằm sâu trong ngõ nhỏ, xa trung tâm, ánh sáng hạn chế, tường ẩm mốc, hệ thống điện nước tạm bợ, thậm chí không có thiết bị phòng cháy chữa cháy cơ bản, tất cả chỉ vì “vừa túi tiền”.

“Nhiều người chấp nhận điều kiện sống thiếu an toàn, miễn là trả được tiền nhà mỗi tháng,” anh Thành cho hay.

Người lao động chật vật xoay xở khi giá thuê nhà không ngừng tăng - Ảnh 3.

Một phòng trọ giá 1 triệu đồng tại Phú Diễn được rao cho thuê trên mạng xã hội. Ảnh: Internet)

Theo tìm hiểu của phóng viên, những căn phòng trọ giá rẻ ở vùng ven, sâu trong các con ngõ nhỏ thường đi kèm nhiều bất tiện và nguy cơ tiềm ẩn. Diện tích chật hẹp, không gian thiếu sáng, tường nứt nẻ, ẩm mốc quanh năm là thực trạng phổ biến.

Nhiều phòng trọ với hệ thống điện, nước xuống cấp, dây dợ chằng chịt, đôi khi do chính người thuê tự lắp đặt tạm bợ. Đáng lo ngại nhất là nguy cơ cháy nổ luôn rình rập, nhiều khu trọ không có bình chữa cháy, không lối thoát hiểm, không hệ thống báo cháy, thậm chí chủ nhà còn không nắm rõ quy định an toàn tối thiểu.

Chỉ cần một tia lửa nhỏ, hậu quả có thể khôn lường. Ngoài ra, việc ở xa trung tâm khiến người thuê mất nhiều thời gian, chi phí đi lại tăng thêm, đặc biệt bất tiện với người làm ca kíp hoặc có con nhỏ. Giá rẻ giúp họ trụ lại thành phố, nhưng đổi lại là một cuộc sống bấp bênh, luôn treo lơ lửng trên những mối nguy về an toàn và chất lượng sống.

Người lao động chật vật xoay xở khi giá thuê nhà không ngừng tăng - Ảnh 4.

Những khu trọ “vừa túi tiền” thường đi kèm với nguy cơ cháy nổ và tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)

Với mức thu nhập phổ biến từ 8-12 triệu đồng/tháng của người lao động tại Hà Nội, giấc mơ mua nhà dường như ngoài tầm với. Giả sử một căn hộ tầm trung ở khu vực ngoại thành Hà Nội có giá khoảng 1,5 - 1,8 tỷ đồng, nếu mỗi tháng một người trẻ dành 30% thu nhập (khoảng 3 triệu đồng) để tiết kiệm, họ sẽ mất hơn 40 năm mới tích đủ, chưa kể lạm phát, biến động thị trường và các chi phí phát sinh trong cuộc sống thường nhật.

Không có sự hỗ trợ từ gia đình hoặc nguồn thu đột biến, giấc mơ "an cư" đang ngày càng xa rời thực tế. Một mái nhà riêng, biểu tượng của sự ổn định, đang trở thành áp lực thường trực với người đi thuê, đặc biệt khi đến kỳ đóng tiền nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước