Nghệ An kết luận thanh tra công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Đền ông Hoàng Mười

Nguyễn Quân-Thứ sáu, ngày 09/05/2025 17:58 GMT+7

Lễ hội Đền ông Hoàng Mười ở Nghệ An. Ảnh UBND tỉnh Nghệ An

bangdatally.xyz - Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố kết luận thanh tra liên quan đến công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Đền ông Hoàng Mười.

Gìn giữ nét đẹp văn minh trong tổ chức lễ hội

Di tích Đền ông Hoàng Mười, nay thuộc xã Thịnh Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Lễ hội truyền thống tại đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019, đồng thời được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh.

Hằng năm, lễ hội được tổ chức với sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước khi diễn ra, UBND huyện Hưng Nguyên trình văn bản xin ý kiến của Thường trực Huyện ủy về quy mô và nội dung chương trình, đồng thời nhận hướng dẫn nghiệp vụ từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Sau khi có sự thống nhất, huyện triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, thành lập Ban tổ chức cùng các tiểu ban chuyên trách và xây dựng kịch bản chi tiết.

Thanh tra Bộ ghi nhận UBND huyện Hưng Nguyên đã phân công rõ trách nhiệm: Ban quản lý di tích phụ trách khu vực I (bao gồm toàn bộ không gian di tích và sân lễ hội từ cổng tam quan ngoại trở vào, nơi diễn ra phần lễ và các hoạt động văn hóa), còn khu vực II, nơi diễn ra hoạt động dịch vụ, thuộc phạm vi quản lý của UBND xã Thịnh Mỹ.

Ban tổ chức lễ hội đã đẩy mạnh tuyên truyền nếp sống văn minh thông qua hệ thống loa phát thanh, bảng biển nội quy, cùng việc triển khai bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Trong thời gian diễn ra lễ hội, lực lượng thanh niên tình nguyện, do Huyện đoàn chủ trì, đảm nhiệm việc hướng dẫn khách hành hương thắp hương đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế đốt vàng mã... nhằm đảm bảo lễ hội diễn ra trật tự, tiết kiệm và văn minh.

Công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng, từ pa-nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu cho đến việc phát hành tập gấp giới thiệu về Đền ông Hoàng Mười và quy tắc ứng xử. Thông tin đường dây nóng được niêm yết rõ ràng tại nhiều vị trí, tạo điều kiện cho người dân và du khách phản ánh kịp thời.

Tỉnh cũng chú trọng cải thiện hạ tầng phục vụ lễ hội, hướng tới nâng cao chất lượng điểm đến và trải nghiệm văn minh cho du khách.

Quản lý công đức chặt chẽ, đề xuất tu bổ các hạng mục xuống cấp

Về công tác thu - chi công đức, Ban quản lý thực hiện ghi chép đầy đủ vào sổ vàng hoặc phiếu công đức. Trong khuôn viên đền có 1 hòm công đức chính và 11 hòm giọt dầu đặt tại các cung thờ để tránh tình trạng khách hành hương đặt tiền trực tiếp lên bàn thờ hoặc lễ vật. Tất cả các hòm đều được khóa và quản lý chặt chẽ theo quy định.

Trung bình mỗi tháng, Ban quản lý mở hòm công đức 2 lần để kiểm đếm; riêng dịp lễ hội, tùy theo lượng khách, tần suất mở hòm có thể tăng. Quá trình kiểm tiền có sự giám sát đầy đủ của tổ giám sát, thành viên Ban quản lý và thủ quỹ. Sau khi kiểm đếm, toàn bộ số tiền được nộp về Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định tài chính.

Dù vậy, nguồn kinh phí hiện có vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tu bổ, bảo tồn di tích. Hiện nay, hai công trình Nhà Tả và Nhà Hữu trong khuôn viên đền đã xuống cấp rõ rệt. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng người dân mang quá nhiều vàng mã vào trong đền khi tham gia lễ hội.

Vì vậy, Thanh tra Bộ kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo sát sao trong việc quản lý và khai thác di tích, đồng thời phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn di sản theo đúng quy định pháp luật. Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong suốt quá trình tổ chức lễ hội để kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm, từ đốt vàng mã bừa bãi, hiện tượng ăn xin, khấn thuê, đến việc kinh doanh lấn chiếm không gian di tích, nâng giá, tổ chức trò chơi trá hình...

Ban quản lý di tích cũng được đề nghị nâng cao trách nhiệm giám sát, thu gom kịp thời tiền đặt lễ, tiền dầu nhang, đảm bảo sử dụng các nguồn thu một cách hiệu quả, minh bạch. Không tiếp nhận công đức bằng hiện vật không thuộc danh mục đã được phê duyệt. Cần tăng cường hướng dẫn du khách đặt tiền lễ đúng nơi quy định, đồng thời truyền thông sâu rộng về giá trị lịch sử, văn hóa của lễ hội.

Cuối cùng, cơ quan chức năng địa phương cần xây dựng phương án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành tu sửa các hạng mục xuống cấp trong khuôn viên di tích, đặc biệt là Nhà Tả và Hữu, theo đúng trình tự và quy định của Luật Di sản văn hóa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước