Làng Plei Ốp tọa lạc ở phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai nép mình bên những căn nhà sàn yên bình.
Sáng 30/4, bầu trời trong xanh, lòng người rộn ràng, háo hức cùng cả nước hướng về ngày "Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)".
Được thành lập từ năm 1927, Plei Ốp là ngôi làng đầu tiên được tỉnh Gia Lai quy hoạch thành làng Văn hóa du lịch của tỉnh. Đây được mệnh danh là "làng trong phố" khi làng này chỉ trách trung tâm hành chính tỉnh Gia Lai chỉ tầm 4Km.
Nhờ những chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống người dân làng Plei Ốp được nâng cao.
Đường vào làng Plei Ốp được tráng nhựa bằng phẳng, sạch sẽ và an toàn. Hai bên đường có đèn chiếu sáng vào ban đêm. Đi sâu vào trong làng, mái nhà rông vững chãi, uy nghi nằm ngay trên trục đường chính, trên thảm cỏ xanh ngát.
Cư dân của làng chủ yếu là người Jrai, họ chất phác, thật thà nhưng tính cách quyết liệt, mạnh mẽ. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi đây đã sản sinh ra nhiều chiến sỹ tham gia cùng bộ đội đánh giặc. Hòa bình lập lại, làng Plei Ốp là "cái nôi" cung cấp nhiều cán bộ công tác cho các sở ngành của tỉnh.
Những ngày này, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên từng căn nhà sàn, nhà cấp 4 của bà con. Khi chúng tôi vào làng, người dân đang vào mùa thu hoạch lúa, mùi lúa chín, mùi rạ thơm ngát các ngả đường. Khắp những cung đường, ngõ nhỏ đều treo cờ đỏ sao vàng. Những lá cờ Đảng tung bay trên nếp nhà sàn, nhà rông của đồng bào nơi đây.
Lá cờ tung bay trên con đường dẫn vào làng Plei Ốp.
Làng đang mùa gặt lúa, mùi hương lúa tỏa ngát các con đường
Nhờ những chính sách quan tâm của Đảng và nhà nước, những con đường ở làng được thảm bê tông sạch sẽ; đời sống kinh tế - xã hội, tri thức của người dân được nâng cao. Những căn nhà cấp 4 vững chắc được xây dựng thay cho những căn nhà sàn xuống cấp, cũ kỹ.
Gần 100 năm, người dân nơi đây vẫn lưu giữ được những nếp nhà sàn, nhà rông truyền thống để giáo dục lịch sử, những điều hay, lẽ phải và giáo dục nếp sống văn minh cho thế hệ trẻ…
Hiện nay, làng có hơn 100 hộ dân với hơn 500 người dân sinh sống. Một số lễ hội như lễ Pơ Thi, lễ Mừng lúa mới cùng những điệu múa cồng chiêng, múa xoan vẫn được bà con bảo tồn, lưu giữ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!