Những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Thái, Mường, Dao ở miền núi Thanh Hóa
Tiềm năng, thách thức và hướng phát triển
Nhiều huyện miền núi như Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa bản địa. Các điểm đến như Pù Luông, suối cá Cẩm Lương, thác Mây ngày càng thu hút du khách, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Với diện tích rừng rộng lớn, miền núi Thanh Hóa có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Những năm gần đây, tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và áp dụng mô hình nông – lâm kết hợp.
Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp hơn 15.000 hộ dân tăng thu nhập, đồng thời mở ra cơ hội từ tín chỉ carbon, góp phần phát triển kinh tế xanh.
Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng giúp đồng bào vùng cao phát triển sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập.
Bên cạnh kinh tế rừng, nông nghiệp miền núi Thanh Hóa đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Các mô hình trồng cây dược liệu, rau sạch, cây ăn quả đặc sản như bưởi Luận Văn, cam Vân Du, chè shan tuyết… ngày càng mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Việc ứng dụng công nghệ như tưới tiêu thông minh, chế phẩm sinh học, truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao giá trị nông sản. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp miền núi Thanh Hóa ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa, diện tích rừng trồng gỗ lớn tại các huyện miền núi đã đạt hơn 100.000 ha, nhiều diện tích đạt tiêu chuẩn FSC, mở ra cơ hội xuất khẩu gỗ hợp pháp sang thị trường quốc tế.
Chị Hà Thị Mai, một hộ dân tại huyện Lang Chánh, chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi chủ yếu dựa vào nương rẫy, nhưng nhờ chính sách hỗ trợ trồng rừng, tôi đã chuyển sang trồng keo và cây dược liệu dưới tán rừng. Hiện nay, mỗi năm tôi thu về hơn 100 triệu đồng từ rừng trồng và dược liệu".
Đặc biệt, miền núi Thanh Hóa đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ đầu tư hạ tầng và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 15C, đường Hồ Chí Minh, đường 217… được nâng cấp, giúp việc lưu thông hàng hóa và phát triển du lịch thuận lợi hơn.
Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, khu vực miền núi Thanh Hóa vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, nông nghiệp và sản xuất chủ yếu dựa vào kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu các mô hình quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch chậm, liên kết sản xuất chưa bền vững, trong khi việc ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế do thiếu vốn và nhân lực. Các sản phẩm OCOP vẫn mang tính thời vụ, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, dẫn đến sức cạnh tranh thấp.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm còn đơn điệu, sức cạnh tranh yếu. Dịch vụ chất lượng cao phát triển chậm, du lịch chưa khai thác hiệu quả, thiếu sản phẩm đặc sắc và kết nối tour tuyến còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ…
Mô hình trồng luồng và rừng gỗ lớn giúp phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Khơi dậy nội lực, hướng đến phát triển bền vững
Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đang giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Các hợp tác xã đã áp dụng hệ thống tưới tiêu thông minh, chế phẩm sinh học, đồng thời xây dựng thương hiệu nông sản gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp miền núi Thanh Hóa đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn và hướng đến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Dược liệu Pù Luông, chia sẻ: "Trước đây, bà con chủ yếu thu hái thảo dược tự nhiên, chưa có quy trình sản xuất bài bản. Nhưng từ khi HTX triển khai mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, kết hợp công nghệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, giá trị sản phẩm đã tăng lên đáng kể. Các loại dược liệu như ba kích, sa nhân tím, đẳng sâm Pù Luông không chỉ tiêu thụ nội địa mà đã có thị trường quốc tế".
Không chỉ trong lĩnh vực dược liệu, các địa phương khác cũng đang tận dụng thế mạnh của mình để phát triển kinh tế. Việc bảo tồn rừng và phát triển sinh kế bền vững đang là ưu tiên hàng đầu. Nhiều huyện như Quan Hóa, Bá Thước đã thực hiện mô hình nông – lâm kết hợp, vừa bảo vệ rừng vừa giúp người dân có thu nhập ổn định.
Ông Hà Văn Nhiệt, Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Quan Hóa, nhận định: "Một trong những yếu tố quan trọng để miền núi Thanh Hóa phát triển bền vững chính là tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc tiếp cận với khoa học – kỹ thuật, nâng cao kỹ năng sản xuất. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ lâu dài để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, giúp đồng bào không chỉ có sinh kế mà còn tự hào với bản sắc của dân tộc mình".
Để thu hẹp khoảng cách vùng miền, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế tại khu vực miền núi. Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sẽ giúp giảm dần sự chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng, tạo điều kiện phát triển toàn diện.
Du lịch sinh thái miền núi Thanh Hóa – Kết hợp bảo tồn thiên nhiên với phát triển bền vững, thu hút du khách khám phá cảnh quan hoang sơ và văn hóa bản địa.
Theo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thanh Hóa, để miền núi Thanh Hóa thực sự bứt phá, việc phát huy nội lực kết hợp với chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp là yếu tố then chốt. Trước hết, cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông nhằm kết nối các huyện miền núi với khu vực đồng bằng và các trung tâm kinh tế lớn. Việc mở rộng các tuyến đường liên tỉnh, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư và phát triển du lịch.
Trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, tỉnh cần tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Các chương trình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cần được thúc đẩy nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, cần chú trọng đến các sản phẩm chủ lực như dược liệu, gỗ rừng trồng, chè shan tuyết, cam Vân Du…, tạo thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước lẫn quốc tế.
Với chiến lược phát triển hợp lý, sự đầu tư đồng bộ và tinh thần đổi mới không ngừng, miền núi Thanh Hóa sẽ không chỉ vươn tới sự phát triển bền vững mà còn trở thành một trong những động lực kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy sự thịnh vượng chung của toàn tỉnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!