Lo ngại từ những cây cầu tạm, cầu dân sinh xuống cấp tại Hà Nội

Tiến Tú, Đức Tiến-Chủ nhật, ngày 11/05/2025 06:05 GMT+7

bangdatally.xyz - Hà Nội hiện có hơn 140 cầu tạm, cầu yếu xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 140 cây cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù không được thiết kế để chịu tải lớn, nhưng mỗi ngày, các cây cầu này vẫn phải "gồng mình" đón lượng lớn người và phương tiện qua lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Đáng lo ngại, dù được xây dựng dành riêng cho người đi bộ, một số cầu vẫn thường xuyên bị xe máy và các phương tiện khác lưu thông trái phép. Việc này không chỉ vi phạm quy định mà còn gây hư hại nghiêm trọng đến kết cấu chịu lực của cầu, khiến quá trình xuống cấp diễn ra nhanh hơn và nguy cơ sập đổ là điều khó tránh khỏi nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Nói chung đi qua hơi run, sợ nó sập một cái thì gay. Thỉnh thoảng vẫn gặp các xe máy đi qua, cấm thì người ta vẫn cứ đi, chả cần nhìn biển. Tại đây có cái từ cầu thủng vì những cầu này hay bị thủng, giả dụ sơn sửa như đây nhưng vài năm sau lại thủng".

Lo ngại từ những cây cầu tạm, cầu dân sinh xuống cấp tại Hà Nội - Ảnh 1.

Dù từng được sơn sửa, nâng cấp, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những cây cầu này lại nhanh chóng xuống cấp. Lý do là bởi mỗi ngày, chúng vẫn phải oằn mình gánh chịu lưu lượng lớn người và phương tiện di chuyển, vượt xa thiết kế ban đầu.

Mặt cầu bong tróc, được chắp vá tạm bợ, lan can rỉ sét, dầm cầu nứt vỡ, dây buộc sơ sài – tất cả tạo nên cảm giác bất an mỗi khi đi qua. Không chỉ riêng các cầu dân sinh bắc qua sông, mà nhiều cây cầu tạm trong khu dân cư cũng đang trong tình trạng tương tự, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Văn Hoạt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: "Đấy xem nó rỉ sét hết rồi, người dân đi qua rất nguy hiểm. Có những tấm thép chỉ lắp vô cho nó đỡ nguy hiểm hơn. Những tấm ở dưới thì đã thủng bê tông từ rất lâu rồi".

"Hai cái mép sắt này chỉ gia cố thêm một chút thôi, chứ nó sập xệ lắm rồi, cứ chắp vá vào. Ở đây còn có bãi xe nữa, nên có cả xe tải xe con đi qua suốt không thể tránh được" - anh Vũ Trần Long, Quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết

Cầu L3 trên đường Vành đai 2,5 là ví dụ điển hình. Dù đã hoàn thành nhiều hạng mục chính, cây cầu này lại bị bỏ hoang suốt hơn 10 năm qua. Các phần kết cấu như bê tông đã bị phơi nắng, sắt thép hoen gỉ, gây lãng phí nguồn lực và kéo dài sự chậm trễ trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, người dân phải chấp nhận di chuyển qua cầu tạm, nhỏ hẹp và đã xuống cấp theo thời gian. Cầu tạm này không chỉ gây bất tiện mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông, khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn và lo ngại.

Lo ngại từ những cây cầu tạm, cầu dân sinh xuống cấp tại Hà Nội - Ảnh 2.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: "Chúng ta làm những cây cầu phải xác định mục tiêu là để làm gì, làm cho khoảng thời gian nào, cho phương tiện nào đi lại. Không một con số nào cho biết rằng những cây cầu dân sinh qua sông sẽ đáp ứng được giao thông của hôm nay hay 5 năm nữa, 10 năm nữa thì lưu lượng thế nào, tải trọng ra làm sao. Chính việc không xác định được nên nó chỉ đáp ứng cho thời gian ngắn thôi. Để rồi lâu dài khi mà những lưu lượng giao thông lớn, những xe có tải trọng cực lớn đi qua những cây cầu này thì làm một phá mười".

Dự kiến, Hà Nội sẽ dành khoảng 2.500 tỷ đồng cho việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa các cây cầu thuộc quản lý của các địa phương. Bởi đây đều là cầu tạm, đã xuống cấp, đa số chỉ đảm bảo một làn xe chạy hoặc đáp ứng nhu cầu cho xe thô sơ, xe máy qua lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước