Vụ việc hàng loạt loại sữa giả bị phát hiện – trong đó có cả sữa dành cho trẻ sơ sinh và người bệnh – đang khiến dư luận lo ngại về lỗ hổng trong quản lý chất lượng thực phẩm.
Hàng giả hiện nay thường rơi vào hai dạng chính: một là giả mạo nhãn hiệu của doanh nghiệp khác; hai là sản phẩm do chính doanh nghiệp sản xuất nhưng không đạt chất lượng như công bố, với các chỉ tiêu thấp hơn 70%. Vụ sữa giả vừa qua thuộc nhóm thứ hai.
Dù các doanh nghiệp này có đăng ký sản xuất, có địa chỉ cụ thể và xuất hóa đơn đầy đủ, việc người tiêu dùng phân biệt chất lượng thực sự của sản phẩm vẫn là điều gần như bất khả thi.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được phép tự công bố chất lượng và tự chịu trách nhiệm với thành phần, chỉ tiêu và công dụng của sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc việc kiểm nghiệm chất lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Bị can Đặng Trung Kiên cho biết: "Các doanh nghiệp cũng còn thiếu kinh nghiệm cũng như chi phí để kiểm nghiệm một đầy đủ các chất liên quan đến, chi phí rất là lớn nên là cái việc này doanh nghiệp cũng còn hạn chế".
Sản phẩm như sữa hay thực phẩm bổ sung dinh dưỡng đang lưu hành trên thị trường thì hiện nay rất khó để kiểm tra được chất lượng, thành phần có đúng như công bố hay không bơỉ đang có một khoảng trống rất lớn về hành lang pháp lý trong vấn đề này.
Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho biết: "Thực tế thì công tác hậu kiểm thì lại rất là hạn chế và đôi lúc chưa đạt được cái hiệu quả đầu ra, tức là chỉ hậu kiểm chỉ kiểm tra hàng năm vẫn thành lập các đoàn kiểm tra, có quyết định kiểm tra, tuy nhiên khi kiểm tra thì cũng chỉ kiểm tra về hành chính, các điều kiện để đảm bảo an toàn hoặc các chỉ tiêu về an toàn thôi chứ còn các chỉ tiêu về chất lượng trên các phiếu kiểm tra thì không ghi rõ các chỉ tiêu đạt trên phiếu công bố. Chính vì vậy, công tác hậu kiểm lỏng lẻo và chưa đạt hiệu quả cao, nên các doanh nghiệp lợi dụng doanh nghiệp làm sai lợi dụng để vi phạm có những hành vi vi phạm".
Mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay cũng đang là vấn đề đặt ra trong công tác kiểm soát hàng giả là thực phẩm, và đây là câu trả lời cho việc vì sao không cơ quan nào nhận trách nhiệm về vụ sữa giả vừa qua.
Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho biết: "Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được giao cho ba bộ. Bộ y tế thì chịu trách nhiệm trước chính phủ về thường trực và bộ công thương, bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn nay là bộ nông nghiệp môi trường thì mỗi bộ quản lý theo các cái nhóm sản phẩm khác nhau và hiện nay… tuy nhiên trên thực tế thì lại giao cho các cơ quan chuyên môn trực tiếp thực tổ chức thực hiện ở địa phương thì các cái mô hình này lại không giống nhau cho nên là cái công tác mà chỉ đạo lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở không thống nhất và không liên thông nên khi xảy ra sự cố hoặc xảy ra ngộ độc thực phẩm thì vấn đề quy trách nhiệm cũng rất khó khăn".
Thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, dinh dưỡng bổ sung – thường được sử dụng bởi những người cần chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Tuy nhiên, trong khi số lượng doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh loại sản phẩm này rất lớn, cùng với đó là hàng ngàn nhãn hiệu đang lưu hành trên thị trường, thì từ khâu công bố, sản xuất đến lưu thông đều tồn tại nhiều lỗ hổng. Việc không thể kiểm soát chặt chẽ từng khâu cho thấy một thực trạng đáng báo động trong công tác phòng chống hàng giả là thực phẩm hiện nay.
Liên tiếp phát hiện hàng giả
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã khởi tố vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" tại Công ty CP sữa Hà Lan, tỉnh Hải Dương cách đây vài năm. 2 bị can bị xử lý hình sự vì hành vi làm giả sữa bột và giả mạo giấy tờ liên quan đến công bố chất lượng sản phẩm.
Với đầy đủ bao bì, tem nhãn bắt mắt, sản phẩm giả nhanh chóng được đưa ra thị trường qua nhiều kênh tiêu thụ quen thuộc như: đại lý sữa, nhà thuốc, cửa hàng "mẹ và bé", siêu thị nhỏ, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử.
Từ một vụ án đơn lẻ, cơ quan chức năng đã phát hiện ra một chuỗi thủ đoạn tinh vi, khép kín, trong đó các doanh nghiệp lợi dụng chính niềm tin của người tiêu dùng và sự lỏng lẻo trong quản lý hậu kiểm để đưa hàng giả ra thị trường với quy mô ngày càng mở rộng.
Không chỉ sữa mà gần đây mặt hàng thuốc cũng bị làm giả. Mới đây Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ 14 đối tượng, thu giữ gần 10 tấn thuốc thành phẩm và nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Đáng chú ý, phần lớn các loại thuốc Đông y giả bị phát hiện chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Các sản phẩm giả này chủ yếu được các đối tượng bán trên mạng và tại các kênh bán lẻ, không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu vào các cơ sở khám chữa bệnh.
Thiếu tá Tống Đình Xuân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng sử dụng các tài khoản ảo, để đa số là bán hàng trên mạng qua các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là chúng còn sử dụng các số điện thoải ảo, không có xác minh định danh nên rất là khó cho các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra..."
Từ sữa sản phẩm dành cho trẻ nhỏ, đến thuốc chữa bệnh liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân, các đối tượng đã không từ thủ đoạn nào để trục lợi, bất chấp hậu quả lâu dài mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Những vụ việc được lực lượng chức năng triệt phá trong thời gian qua cho thấy tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả đang diễn biến ngày càng tinh vi, có tổ chức, len lỏi khắp thị trường. Không chỉ là hành vi gian lận thương mại, đây là tội ác đánh vào sức khỏe cộng đồng, làm xói mòn niềm tin của người dân vào những sản phẩm vốn phải được kiểm soát nghiêm ngặt nhất.
Thực phẩm giả không tự nhiên xuất hiện trên bàn ăn hay trong đơn thuốc của chúng ta. Nó đi theo 1 hành trình được sắp đặt kỹ lưỡng, từ bác sĩ kê đơn, người nổi tiếng quảng bá, đến những buổi hội thảo tặng quà miễn phí. Người tiêu dùng tin vào danh tiếng và niềm tin ấy đang bị lợi dụng.
Các đối tượng lợi dụng kẽ hở trong hành lang pháp lý và sự thiếu đồng bộ giữa các quy định quản lý chất lượng, kiểm soát quảng cáo và phân phối sản phẩm.
Điều này đã tạo điều kiện cho hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường dưới vỏ bọc hợp pháp. Và khi hành vi vi phạm không bị xử lý triệt để, lợi nhuận từ việc kinh doanh hàng giả còn rất lớn - đó sẽ là động lực cho các đường dây mới/ mọc lên tinh vi hơn.
Thiếu kiểm soát quảng cáo thực phẩm giả
Theo Luật Quảng cáo, nội dung quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược phẩm… phải được cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép trước khi phát hành. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể yêu cầu người nổi tiếng hay cá nhân livestream, chia sẻ lại nội dung quảng cáo phải chịu trách nhiệm liên đới nếu nội dung sai phạm.
Luật sư Huỳnh Nam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: "Hệ thống pháp luật vẫn còn lỗ hổng, đặc biệt là Luật Quảng cáo chưa có các quy định chặt chẽ đối với nền tảng số. Điều này khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp tận dụng để trốn tránh trách nhiệm. Nếu không có cơ chế định danh bắt buộc, truy xuất nguồn gốc tài khoản và giao dịch, thì tình trạng quảng cáo sai sự thật, lừa đảo người tiêu dùng sẽ tiếp tục gia tăng".
Trong khi đó, luật quảng cáo chưa theo kịp thực tế phát triển của mạng xã hội và thương mại điện tử. Luật hiện hành chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống như truyền hình, báo in, bảng biển. Trong khi quảng cáo qua livestream, video TikTok, fanpage cá nhân của KOLs, nghệ sĩ… lại chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm pháp lý.
Thêm vào đó, quy định về hậu kiểm sản phẩm còn phân tán, thiếu phối hợp. Các sản phẩm như thực phẩm chức năng, sữa dinh dưỡng, mỹ phẩm… thường chỉ cần tự công bố hoặc tự chịu trách nhiệm về chất lượng, và không bị kiểm tra trước khi đưa ra thị trường. Chính những kẽ hở này khiến việc xử lý vi phạm chủ yếu dừng ở mức xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe, và người tiêu dùng vẫn là bên chịu rủi ro lớn nhất khi thông tin quảng cáo không được kiểm chứng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: "Hiện nay, việc quản lý nội dung quảng cáo liên quan đến sức khỏe liên quan đến nhiều cơ quan: Bộ Y tế về sản phẩm, Bộ Công Thương về thương mại điện tử, Bộ TT&TT về nội dung truyền thông. Tuy nhiên, thiếu một cơ chế giám sát chung và liên thông, nên việc xử lý vi phạm thường chậm, thiếu tính răn đe và dễ bị bỏ lọt. Thêm vào đó sắp tơi ở kỳ họp tới đây khi luật chất lượng sản phẩm được sửa đổi sẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, người bán hàng sẽ phải chịu trách nhiệm ..."
Những viên thuốc Đông y chứa thuốc giảm đau, hay những sản phẩm được người nổi tiếng quảng bá tràn lan trên mạng xã hội, đều có điểm chung chúng đi qua những kẽ hở của pháp luật để tiếp cận người tiêu dùng một cách hợp pháp… Trong khi đó, người tiêu dùng lại phải gánh rủi ro từ một hệ thống chưa theo kịp sự thay đổi của thị trường.
Để đảm bảo an toàn và quyền lợi của người dân, Thủ tướng đã liên tục ban hành các công điện, chỉ đạo tăng cường thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả và đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan.
Hôm nay, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa tổ chức cuộc xem xét, đánh giá thực tế sản xuất, buôn bán, lưu thông, sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc, nhằm đưa ra giải pháp để siết chặt quản lý từ nhập khẩu, sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Chúng tôi sẽ phản ánh vấn đề này trong ít phút nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!