Nhiều tư liệu, hình ảnh của Bác Hồ được ông Nguyễn Đình Phong sưu tầm, bảo quản cẩn thận
Suốt hơn nửa thế kỷ miệt mài sưu tầm, lưu giữ tư liệu, hình ảnh và bài viết liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đình Phong, trú tại thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng nên một "bảo tàng thu nhỏ" với trên 3.000 tư liệu quý, góp phần lan tỏa sâu rộng hình ảnh và tư tưởng của Bác Hồ tới quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trong ngôi nhà yên bình nằm bên dòng sông Gianh, ông Nguyễn Đình Phong đã giành riêng cả tầng hai của gia đình để làm nơi trưng bày và bảo quản các tư liệu quý về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các tướng lĩnh, anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng và những nhân vật tiêu biểu trong lịch sử dân tộc.
Hơn nửa thế kỷ sưu tầm, ông Phong đã có hơn 3.000 bức ảnh, tư liệu về Bác Hồ
Sinh thời, ông Phong là công nhân tại một đơn vị sản xuất của miền Nam, sau đó được cử ra Hà Nội tham gia khóa đào tạo lái máy kéo. Chính tại đây, ông có cơ duyên đặc biệt gắn bó với Bác Hồ khi Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đại Phong – đơn vị ông đang công tác – vinh dự được Bác Hồ tặng chiếc máy cày hiệu DT54. Ông là một trong những người đầu tiên điều khiển chiếc máy cày đó tại Quảng Bình, nhiều năm liền đạt danh hiệu "Kiện tướng cày".
Năm 1968, trong lúc đang cày ruộng gần một trận địa pháo cao xạ, bị máy bay địch đánh trúng, máy cày lật nhào, ông bị thương nặng, bị điếc 2 tai. Sau khi điều trị, ông nghỉ mất sức lao động và về quê sinh sống. Năm 1969, khi biết tin Bác Hồ kính yêu đã về với thế giới người hiền, ông Phong xót thương vô cùng. Đó cũng là thời điểm đánh dấu bước ngoặt quan trọng, ông bắt đầu hành trình sưu tầm tư liệu về Bác như một sự tưởng niệm thiêng liêng và thể hiện tình cảm sâu sắc với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
"Hồi đó chưa có ti vi như bây giờ, nên để nắm được thông tin "đặc biệt" này, tôi phải tìm đọc trên sách báo. Trong lúc đọc, thấy có những hình ảnh về Bác rất đáng quý, tôi liền giữ lại để kể cho con cháu, mọi người trong làng biết. Bằng tình cảm đặc biệt đối với Bác Hồ, công việc này đã được tôi thực hiện từ đó đến nay", Ông Phong nhớ lại
Nhiều tư liệu, hình ảnh của Bác Hồ được ông Nguyễn Đình Phong sưu tầm, bảo quản cẩn thận
Hơn 55 năm trôi qua, bộ sưu tập của ông đã lên tới hơn 3.000 tư liệu, ảnh và bài viết quý giá, tái hiện toàn diện các giai đoạn trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – từ thời niên thiếu, hành trình tìm đường cứu nước, cho đến những dấu ấn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Ngoài ra, ông còn sưu tầm nhiều tài liệu về quê hương Quảng Bình, về các nhân vật lịch sử và các sự kiện trọng đại của đất nước.
"Tôi làm việc này là vì lòng kính yêu Bác. Năm 1969 đất nước còn trong chiến tranh, khi đất nước thống nhất thì Bác đã không còn nữa. Tình yêu với Bác là động lực để tôi sưu tầm và gìn giữ. Công việc này không hề đơn giản, nhưng tôi tâm niệm: nếu không lưu giữ lại thì những tư liệu quý giá ấy sẽ dần mai một. Tôi mong muốn mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu và học tập theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ.", ông Phong chia sẻ.
Không có lương hưu, sống bằng nguồn trợ cấp và lao động tự túc, ông Phong phải hết sức tiết kiệm để mua sách báo, ảnh, vật dụng phục vụ việc bảo quản tư liệu. Nhiều tài liệu quý, ông chỉ có thể xin chụp lại, thậm chí có lúc phải mua cả một cuốn sách chỉ vì trong đó có một tấm ảnh hiếm về Bác.
Bộ sưu tập chữ ký của Bác Hồ qua các thời kỳ được ông Phong cất giữ cẩn thận
Việc sưu tầm đã khó, việc giữ gìn bảo quản còn khó khăn hơn, do nhà ở gần sông Gianh nên hàng năm đều phải chịu những trận gió bão, ngập lụt. Dù thế ông vẫn luôn ưu tiên bảo vệ an toàn cho bộ sưu tập, di chuyển chúng lên vị trí cao ráo, trước khi lo dọn dẹp các vật dụng gia đình. Nhờ đó mà hơn 50 năm qua, các tư liệu ảnh và bài viết về Bác Hồ, về các nhân vật lịch sử của quê hương vẫn được ông Phong giữ gìn cẩn thận, không bị hư hỏng.
Không dừng lại ở việc lưu giữ, ông Phong còn tích cực giới thiệu bộ sưu tập đến đông đảo công chúng. Các dịp lễ lớn, đặc biệt là vào ngày sinh nhật Bác, ông tổ chức trưng bày tại nhà văn hóa, Ủy ban nhân dân xã, các trường học và các địa điểm công cộng khác, thu hút đông đảo học sinh, người dân đến tham quan, tìm hiểu. Để phục vụ việc trưng bày, ông tự tay dán ảnh lên các băng vải dài, bố trí theo dòng thời gian lịch sử để người xem dễ theo dõi.
Chị Trần Thị Vân, đoàn viên xã Quảng Thanh chia sẻ: "Nhờ có bác Phong mà chúng tôi, thế hệ trẻ, được tiếp cận kho tư liệu sống động và quý báu về Bác Hồ. Mỗi bức ảnh, mỗi bài báo là một phần ký ức thiêng liêng, được bác kể lại đầy xúc động. Tấm lòng của bác đối với Bác Hồ khiến chúng tôi càng thêm trân quý và noi gương theo Người."
Bộ sưu tầm tư liệu về Bác Hồ và lịch sử quê hương là một tài sản rất quý để lan tỏa tới quần chúng nhân dân
Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh Ngô Thanh Bình cho biết: "Ông Nguyễn Đình Phong là một tấm gương mẫu mực, tiêu biểu trong phong trào "tuổi cao, gương sáng" ở địa phương. Với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, bộ sưu tầm tư liệu về Bác Hồ và lịch sử quê hương là một tài sản rất quý. Chính quyền địa phương vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên ông tiếp tục sưu tầm và trưng bày, giới thiệu, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt đây cũng là tư liệu quý để chúng tôi đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ và nhân dân".
Trong khi việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng trở thành việc thường xuyên, ý thức tự giác và đi vào chiều sâu trong cán bộ và nhân dân thì việc làm của ông Nguyễn Đình Phong trở thành một điểm sáng trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức cách mạng. Đó là minh chứng sống động cho tinh thần "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thể hiện bằng hành động cụ thể, bền bỉ và đầy nhân văn./.
".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!