Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tiếp tục bùng phát với mức độ ngày càng nghiêm trọng, ngày 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo mở đợt cao điểm toàn quốc kéo dài một tháng nhằm truy quét, xử lý triệt để nạn buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ và sản xuất hàng hóa giả mạo. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2025, hơn 34.000 vụ vi phạm đã bị phát hiện, hơn 1.100 vụ liên quan sở hữu trí tuệ, gần 1.400 vụ bị khởi tố hình sự và hơn 2.100 đối tượng bị bắt giữ với tổng số tiền xử phạt nộp ngân sách gần 4.900 tỷ đồng.
Cao điểm truy quét hàng giả sẽ được các cơ quan chức năng triển khai từ ngày 15/5
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để đạt hiệu quả thật sự, không chỉ cần chiến dịch cao điểm mà phải làm rõ trách nhiệm pháp lý và thể chế trong quản lý. "Trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, liên quan đến những mặt hàng có tác động rộng lớn, chẳng hạn như vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Đó là những mặt hàng ảnh hưởng lớn đến người nông dân. Các sản phẩm về sức khỏe như sữa hay thực phẩm chức năng. Đó là những mặt hàng tôi cho rằng cần phải tập trung vào. Địa bàn, tôi cho rằng hai đầu thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trọng điểm. Trọng điểm ở đây là vừa tiêu thụ, vừa là trung gian trung chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp đến nhà máy, rồi để phân phối đi các nơi", luật sư Truyền cho biết.
Không ít trường hợp hàng giả không chỉ sao chép nhãn mác mà còn được sản xuất bởi chính các doanh nghiệp có pháp nhân rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ nhưng chất lượng không đúng như công bố. Vụ sữa giả bị phát hiện gần đây ở Hà Nội là một ví dụ điển hình. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng, tuy nhiên thiếu cơ chế hậu kiểm thực chất khiến tình trạng này trở nên đáng báo động.
Hàng chục nghìn vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng đã bị phanh phui trong thời gian vừa qua
"Có lẽ cần sớm làm rõ ngay việc phân định trách nhiệm từ thời điểm bây giờ. Mỗi một sản phẩm phải có một đơn vị chịu trách nhiệm. Chẳng hạn, liên quan đến sức khỏe, đến thực phẩm chức năng thì hãy để cho Bộ Y tế. Bởi đây là đơn vị cấp phép, chịu trách nhiệm hậu kiểm và cuối cùng cũng phải là đơn vị xử lý vi phạm, là đơn vị chịu trách nhiệm về mặt công chức, về mặt pháp luật, về mặt người quản lý đối với sản phẩm liên quan đến thực phẩm, bảo vệ sức khỏe. Còn chẳng hạn như liên quan đến những sản phẩm nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chịu trách nhiệm, từ bảo vệ vật tư cây trồng cho đến phân bón", luật sư Truyền khẳng định.
Theo luật sư Truyền, một trong những điểm nghẽn lớn hiện nay là tình trạng "một sản phẩm – nhiều cơ quan quản lý". Không ai phải chịu trách nhiệm cuối cùng khi có vi phạm xảy ra. Vì vậy, ông đề xuất nguyên tắc "một sản phẩm – một đơn vị chịu trách nhiệm". Cùng với đó, luật sư Truyền cũng nhấn mạnh vai trò của số hóa và dữ liệu liên thông đối với việc xử lý hàng giả, hàng nhái.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
"Bản thân việc xây dựng được số hóa đó giúp cho các bên liên thông, sử dụng chung dữ liệu, tránh được câu chuyện một người ở địa phương này đã bị xử lý rồi nhưng sang địa phương khác, ở bộ khác, lĩnh vực khác, đơn vị chưa rõ việc, chưa rõ sản phẩm nên lại tiếp tục xử lý. Điều đó dẫn đến việc mất niềm tin của người tiêu dùng, và quan trọng hơn là tạo ra sự bất bình đẳng cho những người đang mong muốn sản xuất hàng hóa đầy đủ, chính phẩm, đúng chất lượng và đúng theo kỳ vọng của người tiêu dùng. Việc số hóa giúp cho thị trường được phát triển một cách lành mạnh hơn", luật sư Truyền khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các Ban chỉ đạo địa phương để nâng cao hiệu quả điều hành, giám sát liên ngành. Theo Luật sư Truyền, đây là cơ hội để thiết kế lại toàn bộ cơ chế điều phối, xây dựng các quy định rõ người, rõ việc, rõ địa bàn, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm, đồng thời áp dụng mô hình tổ công tác đặc biệt như một hình mẫu thực chiến.
Các quy định về thể chế cần được làm rõ để đảm bảo xử lý hàng giả, hàng nhái đạt hiệu quả cao nhất
"Đầu tiên, đó là do các quy định pháp luật của chúng ta hiện nay chưa đầy đủ. Hơn thế nữa, chính vì quy định pháp luật chưa đầy đủ nên dẫn đến trách nhiệm mang tính chung chung và ai cũng có thể đùn đẩy trách nhiệm, cho rằng trách nhiệm của mình chỉ là cung cấp trong vấn đề về đăng ký và họ đăng ký đã đúng, đúng hồ sơ. Thực ra, chúng ta đang làm hình thức rất nhiều, chưa đi vào thực tế. Nếu như kiểm tra thực chất, hậu kiểm thực chất thì sẽ không có những chuyện này xảy ra", luật sư Truyền chia sẻ.
Để tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi", cần có quy định buộc doanh nghiệp kiểm nghiệm chất lượng định kỳ theo lô sản xuất, lưu mẫu và công khai kết quả trên một cổng thông tin tập trung. Đợt cao điểm truy quét hàng giả từ ngày 15/5 đến 15/6 được kỳ vọng sẽ là bước mở đầu cho một cuộc cải cách toàn diện, từ nhận thức đến hành động, từ cơ chế giám sát đến chế tài xử lý, để xây dựng một thị trường lành mạnh và công bằng cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp chân chính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!