Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Sau nửa thế kỷ, đất nước thống nhất, non sông liền một dải, câu nói bất hủ của Bác vẫn như ngọn đuốc soi đường cho những nỗ lực hòa hợp dân tộc của một thế hệ người Việt vẫn đang nỗ lực chữa lành những "vết thương chiến tranh".
Cùng trở lại với những ký ức của các cựu chiến binh kiều bào tại Đức để có thể cảm nhận sâu sắc hơn về mong muốn hòa hợp dân tộc của chính những người từng đi qua cuộc chiến.
Một khoảnh khắc rất đỗi đời thường của 2 người Việt Nam là hàng xóm của nhau hiện đang định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức. Tuy nhiên ít ai biết được rằng 50 năm trước họ từng là 2 người lính ở 2 bên chiến tuyến. Dù đã từng chiến đấu cho những lý tưởng khác nhau, nhưng khi không còn khoác áo lính, hơn ai hết họ đều thấu hiểu "góc khuất của chiến tranh".
Một khoảnh khắc rất đỗi đời thường của 2 người Việt Nam là hàng xóm của nhau hiện đang định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức. Tuy nhiên ít ai biết được rằng 50 năm trước họ từng là 2 người lính ở 2 bên chiến tuyến.
"Hồi đấy thì tôi sinh ra ở miền Bắc thì tôi phải đi bộ đội. Anh sinh ra ở miền Nam thì anh phải đi lính cộng hòa, mà khi đã vào quân đội thì ra chiến trường đạn bay, pháo nổ. Nguyên tắc của người lính là ai bắn nhanh hơn người đấy sống. Trong tiến trình lịch sử, thời khắc lịch sử, hồi đấy nó phải như thế. Còn về đời sống bình thường, chúng tôi có thể chơi với nhau rất tốt và rất hợp nhau", ông Nguyễn Quang Vinh (cựu chiến binh, kiều bào tại Đức) chia sẻ.
Ông Hồ Ngọc Thắng cũng từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trong một trận đánh vào tháng 1/1973 tại Quảng Trị, ông đã ra một quyết định táo bạo khi ngăn đồng đội nổ súng vào những người lính Việt Nam Cộng hòa đã giơ tay xin hàng. Nửa thế kỷ đã trôi qua, ông chưa từng hối hận về quyết định ngày đó.
"Dân tộc ta có câu bắt kẻ chạy đi chứ không bắt kẻ chạy lại. Nhờ hành động táo bạo và rất khẩn cấp của tôi, nhiều người lính của sư đoàn thủy quân lục chiến đã có cơ hội sống và có cơ hội trở về. Hành động đó rất phù hợp với tinh thần, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về hòa hợp dân tộc. Chúng ta muốn gác lại quá khứ đau thương", ông Hồ Ngọc Thắng (cựu chiến binh, kiều bào tại Đức) cho biết.
Chiến tranh đã qua đi để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, không chỉ có xương máu, mà còn cả những rãnh sâu của vết thương lòng. Những người lính dù từng ở 2 bên chiến tuyến vẫn đang nỗ lực bồi đắp hố sâu ngăn cách, chữa lành những tổn thương.
Hiện mỗi năm đều có hàng triệu lượt đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài trở về thăm quê hương và nhiều người trong số họ đã ở lại, đóng góp công sức dựng xây đất nước. Đó cũng là minh chứng cụ thể cho tinh thần hòa hợp trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!