Phóng viên: Xin ông cho biết thông tin chung về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở khu vực Myawaddy thời gian qua?
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: Thị trấn Myawaddy thuộc bang Karren, nằm ở phía Đông Nam Myanmar, ngăn cách với thành phố Mea Sot của Thái Lan bởi con sông Moei, là điểm giao thương quan trọng của hai nước Myanmar – Thái và cũng là thành phố nổi tiếng với các tụ điểm cờ bạc, cá độ và nhiều hoạt động trái pháp luật.
Tháng 03/2025, các lực lượng chức năng Myanmar phối hợp với cảnh sát Thái Lan và các nước liên quan tổ chức nhiều đợt truy quét nhằm vào các cơ sở cờ bạc trực tuyến nằm dọc khu vực biên giới giữa Myanmar và Thái Lan (khu vực trên đất Myanmar là thị trấn Myawaddy), phát hiện hàng chục nghìn người nước ngoài cư trú bất hợp pháp đến từ nhiều quốc gia đang làm việc tại các địa điểm này, thực hiện những hoạt động phi pháp như lừa đảo trực tuyến, cưỡng bức lao động, mua bán người…
Sau khi sàng lọc nhanh, phía Myanmar xác định có nhiều công dân Việt Nam được đưa ra từ các cơ sở cờ bạc là người nhập cư, lao động bất hợp pháp và phải rời khỏi nước này, thông tin được thông báo tới Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam để lên phương án tiếp nhận, đưa họ về nước.
Do tình hình an ninh phức tạp ở Myanmar, việc di chuyển từ cố đô Yangon (nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar) đến thị trấn Myawaddy là không khả thi, đặt ra nhiều thách thức đối với chiến dịch đưa công dân về nước.
Xin cho biết số lượng công dân Việt Nam sẽ được bảo hộ và đưa về Việt Nam?
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: Trong bối cảnh số lượng công dân được xác định tăng nhanh từng ngày, từ 200 lên 400 rồi đến trên 600 người, công tác xác minh nhân thân của từng công dân được Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an triển khai hết sức khẩn trương, sơ bộ xác định 681 công dân đến từ 56 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó có cả các đô thị lớn, văn minh, hiện đại – nơi mà tin cảnh báo về lừa đảo "việc nhẹ lương cao" được tuyên truyền, phổ biến thường xuyên trên các phương tiện báo chí.
Trong trao đổi chính thức với Bộ Ngoại giao Việt Nam, phía Myanmar khẳng định đây là các công dân vi phạm pháp luật (nhập cư bất hợp pháp, cư trú quá hạn hoặc thậm chí tham gia hoạt động tội phạm, có các trường hợp đã được đưa về nước các đợt trước, nay lại quay lại các cơ sở cờ bạc làm việc), bị trục xuất khỏi Myanmar và đề nghị phía Việt Nam tiếp nhận họ về nước.
Bộ Ngoại giao đã trao đổi với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương và các cơ quan đều cho biết không có cơ sở để xác định những công dân Việt Nam bị phía Myanmar trục xuất là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Trường hợp công dân bị lừa đi làm việc ở Myanmar thì sau khi về nước có thể liên hệ với công an địa phương để trình báo và sau quá trình điều tra, nếu được xác định là nạn nhân của tội phạm mua bán người thì công dân sẽ được hưởng các cơ chế hỗ trợ về tài chính phù hợp.
Ông có thể cho biết thêm về quá trình xây dựng phương án, quy trình đưa công dân về nước?
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: Với tình hình thực tế tại Myawaddy và sau khi tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan, tham vấn ý kiến các đơn vị nghiệp vụ trong nước, Cục Lãnh sự và các Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan nhận định chỉ có một con đường để đưa công dân về nước, đó là di chuyển qua biên giới, quá cảnh lãnh thổ Thái Lan để về nước, việc này đòi hỏi thiết lập cơ chế phối hợp 3 Bên giữa Myanmar (nước trục xuất), Thái Lan (nước quá cảnh) và Việt Nam (nước tiếp nhận công dân), thống nhất được thời gian, hình thức, phương án cụ thể thì mới có thể đưa công dân về nước.
Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng báo cáo Lãnh đạo Chính phủ về tình hình, các biện pháp dự kiến triển khai để xin chủ trương và bắt tay vào xây dựng từng phương án chi tiết, với nguyên tắc đưa công dân về nước sớm, bảo đảm an toàn và trật tự, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các nước đối tác.
Các công dân từ Việt Nam đến Myanmar bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng phần lớn là đi đường mòn, lối mở, thậm chí vượt sông nên không có giấy tờ hợp pháp, một số không nhỏ vi phạm pháp luật ở trong nước trốn ra nước ngoài, nên đối tượng rất đa dạng, phức tạp, việc đưa họ về nước không chỉ đặt ra yêu cầu về thời gian mà còn phải coi trọng yếu tố an toàn, trật tự, kiểm soát chặt chẽ. Phía Thái Lan cũng rất quan tâm và chỉ cho phép một lượng người nhất định đi qua lãnh thổ của họ mỗi ngày, hành trình trên đất Thái Lan được cảnh sát sở tại giám sát chặt chẽ.
Cục Lãnh sự, các cơ quan liên quan trong nước, các Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, Thái Lan nhanh chóng phác thảo và cân nhắc từng hướng triển khai, từ việc cấp phát giấy tờ, tiếp nhận công dân, đưa qua biên giới, di chuyển công dân trên đất Thái Lan, hỗ trợ công dân lên máy bay về nước cho đến công tác tiếp nhận ở trong nước, đưa về địa phương quản lý… Phương án cuối cùng được lựa chọn là đưa công dân từ Myanmar nhập cảnh Thái Lan, đi bằng xe buýt từ thị trấn Mea Sot về thủ đô Bangkok, vượt quãng đường gần 500km để đến sân bay ở Bangkok và lên máy bay về nước, tổng thời gian di chuyển gần 20 tiếng mới về đến Việt Nam, trong suốt quá trình di chuyển sẽ có lực lượng an ninh giám sát, không để công dân trốn, ở lại bất hợp pháp trên lãnh thổ Thái Lan hoặc gây gổ, mất trật tự, an toàn cho cả đoàn.
Đối với chi phí để đưa công dân về nước, xin ông giải thích rõ quy định hiện hành và cách triển khai thực tế?
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: Phù hợp với quy định về việc sử dụng Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, công dân Việt Nam chỉ được ngân sách Nhà nước chi trả chi phí về nước với lý do chiến tranh, là nạn nhân của tội phạm mua bán người (được cơ quan có thẩm quyền xác định là nạn nhân), các trường hợp công dân vi phạm pháp luật ở nước ngoài, bị trục xuất sẽ phải tự chi trả chi phí về nước.
Do việc đưa công dân từ Myawaddy về nước phải di chuyển hơn 500km đường bộ trên lãnh thổ Thái Lan để về đến sân bay Bangkok nên các Cơ quan đại diện sơ bộ tính chi phí về nước bao gồm tiền thuê phương tiện đường bộ, chi phí ăn uống trên đường di chuyển, tiền vé máy bay thương mại và lệ phí cấp phát giấy tờ đi lại phù hợp, tổng chi phí dự thu của mỗi công dân là 12,2 triệu đồng.
Để tổ chức đưa công dân về nước, Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đã thông báo qua các địa phương nơi công dân sinh sống ở trong nước để yêu cầu nhân nhân, gia đình công dân nộp tiền tạm ứng vào Quỹ. Sau khi nhận được tiền tạm ứng, Quỹ sẽ lập danh sách, thông báo để các Cơ quan đại diện chi cho việc thuê phương tiện, mua vé máy bay đưa công dân về nước, cấp phát giấy tờ đi lại cần thiết… Sau khi công dân về nước, các Cơ quan đại diện sẽ gửi chứng từ, hoá đơn cho Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện quyết toán và thông báo tới từng cá nhân (trả lại tiền thừa hoặc yêu cầu nộp thêm nếu chi phí thực tế cao hơn số tiền nộp tạm ứng), đảm bảo công khai, minh bạch. Chúng tôi cũng khuyến cáo công dân tại Myanmar, cảnh giác với các thông tin giả mạo nhằm lợi dụng, trục lợi việc đưa công dân về nước.
Đây là quy trình công khai, minh bạch và có sự tham gia, giám sát của các địa phương nơi công dân cư trú ở trong nước.
Đề nghị ông cho biết kết quả công tác bảo hộ công dân ở Myawaddy cho đến nay?
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, các Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự đã hoàn thiện quy trình phối hợp đưa công dân từ Myawaddy, Myanmar về nước, trong đó đặt ưu tiên cao nhất là sức khoẻ, an toàn của công dân; phối hợp chặt chẽ với các nước sở tại; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch chi phí do công dân đóng để đưa họ về nước; kịp thời lắng nghe phản ánh, đề xuất của công dân để phục vụ tốt hơn.
Triển khai theo phương án đề ra, Đại sứ quán ta tại Myanmar và cơ quan an ninh trong nước đã cử cán bộ sát cánh cùng Đại sứ quán ta tại Thái Lan trong hành trình đưa công dân về nước. Kết quả là trong các ngày 8; 28/4/2025 và 14/5/2025, 3 nhóm công dân với tổng cộng 471 người đã về đến Việt Nam an toàn, trật tự, đây là thành công bước đầu quan trọng cho các hành trình tiếp theo trong tháng 5/2025, quyết tâm đưa toàn bộ công dân ta ở Myawaddy về nước sớm nhất.
Để bắt đầu hành trình hơn 20 tiếng đưa công dân Việt Nam từ Myawaddy về đến Hà Nội, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, trong và ngoài nước đã phải liên tục vận động, trao đổi, phối hợp, xây dựng và hoàn thiện phương án chi tiết, bám sát các nguyên tắc đề ra…Việc đưa công dân về đến quê hương an toàn là nghĩa vụ và cũng là vinh dự, tự hào của đội ngũ cán bộ bảo hộ công dân, các cán bộ an ninh, các công chức ở địa phương, dưới sự chỉ đạo đúng đắn và sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Vì sự an toàn của công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước những lời mời chào, dụ dỗ đi làm việc ở nước ngoài với nội dung công việc không rõ ràng, không có hợp đồng lao động, không thông qua công ty phái cử lao động hoạt động hợp pháp, không có bảo hiểm…, khiến người dân có thể trở thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, lừa đảo hoặc thậm chí là của tội phạm mua bán người. Nếu công dân có yêu cầu bất cứ thông tin gì liên quan đến quy định, quy trình hoặc các chi phí liên quan đến việc đưa công dân về nước...có thể liên hệ trực tiếp với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao hoặc với cơ quan ngoại vụ địa phương để trao đổi, làm rõ thông tin.
Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân có thể liên hệ ngay với Tổng đài bảo hộ công dân +84 91 84 84 84 hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam nơi gần nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!