Nhiều bất thường trong hoạt động đào tạo của trường Đại học Chu Văn An

Anh Tuấn (VTV Digital)-Thứ hai, ngày 06/07/2020 11:50 GMT+7

bangdatally.xyz - Chuyện gì đã diễn ra trong hoạt động đào tạo của trường Đại học Chu Văn An? Hãy cùng Chuyển động 24h tìm hiểu những câu chuyện bất thường của trường ĐH này.


Bất thường trong hoạt động đào tạo của trường Đại học Chu Văn An

Liên kết đào tạo là một mô hình trong giáo dục nhằm tạo cơ hội học tập cho toàn xã hội. Nhờ cách làm này, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa; nhiều người bận làm việc, không có thời gian... cũng có cơ hội học tập lên cao.

Không phủ nhận ý nghĩa quan trọng từ việc liên kết đào tạo mang lại, nhưng liên kết như thế nào để đúng quy định và để tạo hiệu quả trong giảng dạy và học tập mới là điều mà tất cả cùng hướng đến, và quan trọng là phải đúng quy định của pháp luật.

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp được tuyển sinh "hộ" đại học?

Nhiều bất thường trong hoạt động đào tạo của trường Đại học Chu Văn An - Ảnh 2.

Trên đây là văn bản thông báo tuyển sinh của trường Đại học Chu Văn An mà lãnh đạo Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cung cấp cho phóng viên. Theo văn bản này, trung tâm đã từng là đơn vị được trường Đại học Chu Văn An ủy quyền phát hành và thu hồ sơ tuyển sinh đại học cách đây 2 năm trước.

Bà Bùi Thị Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết: "Chúng tôi có một lần duy nhất, đó cuối năm 2018 ĐH Chu Văn An tuyển sinh các lớp đào tạo đại học và nhờ trung tâm là nơi đặt địa điểm, thế còn cán bộ của trường đi đến các xã để tuyển sinh, sau đó mượn 1-2 buổi để tập hợp hồ sơ tại trung tâm".

Còn theo lãnh đạo trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Quỳnh Phụ, cũng cùng năm 2018, đơn vị này không chỉ phối hợp tuyển sinh - mà còn từng cho trường Đại học Chu Văn An thuê địa điểm để trường mở lớp dạy học, với mức giá 500.000 đồng/buổi.

Ông Nguyễn Duy Khắc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình nói: "Tôi chỉ tuyển sinh hộ. Với lại có những buổi cho mượn hội trường ở đây. Người ta có đặt vấn đề hôm nay trường bận, một số việc hội trường khó khăn thì nhờ ở đây thì tôi cho nhờ".

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Bình, việc một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phối hợp tuyển sinh và cho trường đại học thuê địa điểm mở lớp dạy học như vậy là không đúng quy định. Vì các trung tâm này không hề được cấp phép liên kết đào tạo với đại học Chu Văn An.

Ông Đặng Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Bình khẳng định: "Hiện nay chúng tôi chưa nắm được thông tin các trung tâm này có sự liên kết, có sự phối hợp liên kết hay chiêu sinh hộ các trường đại học, cụ thể như thông tin đã nêu là Đại học Chu Văn An, chúng tôi sẽ kiểm tra để nắm bắt lại thông tin này. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định việc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên của thành phố có hoạt động liên kết, hoặc tham gia tuyển sinh cho các trường đại học như thông tin đã nêu là không được phép, theo chức năng nhiệm vụ của trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố là không được phép".

Về hình thức liên kết trên, bà Đặng Thị Minh Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Bình cho biết thêm: "Tuyển sinh hộ là một phần của liên kết. Liên kết có một chuỗi các hoạt động, thì đây là một phần của hoạt động liên kết. Chưa có một văn bản nào quy định, như vậy là khi mà trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tuyển sinh giúp dù có văn bản hay không có văn bản thì đều trái với quy định của pháp luật".

Ngoài địa bàn Thái Bình thì lãnh đạo trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cũng thừa nhận, cách đây 2 năm về trước, có một số buổi cho trường đại học Chu Văn An mượn địa điểm để mở lớp dạy học.

Bà Nguyễn Thị Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng chia sẻ: "Về pháp lý thì không được phép ký hợp đồng tuyển sinh, hay mở địa điểm ở đây cả. Nhưng vì cái tình của chị muốn tạo điều kiện cho học sinh. Nếu một số môn nào mà không quan trọng thì các đồng chí phải nhờ bảo vệ. Trong ngày nghỉ chúng tôi tạo điều kiện cho Thứ 7 và Chủ nhật".

Một số học viên đã lấy bằng còn chia sẻ, trong thời gian đào tạo tại Đại học Chu Văn An, không chỉ học ở Vĩnh Bảo mà còn thi cũng tại Vĩnh Bảo.

Nhiều bất thường trong hoạt động đào tạo của trường Đại học Chu Văn An - Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Thu Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng khẳng định: "Những lần học thì học tại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Bảo, 100% các buổi học là học ở trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh bảo, tổ chức thi và học tất cả tổ chức ở huyện Vĩnh Bảo".

Khi được hỏi: Trong suốt thời gian đào tạo, mình học ở trường hay học ở trung tâm dạy nghề của huyện?, Ông Xuân Giang, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng trả lời: "100% buổi học ở trung tâm dạy nghề. Thi tốt nghiệp thì thi chúng tôi thi tại trung tâm dạy nghề của huyện, thi mấy ngày, thi xong thì nhận bằng thì lên trường Đại học Chu Văn An".

Thậm chí, trên trang web của Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Miền Nam, cũng đăng tải thông tin giới thiệu "trường đại học Chu Văn An không ngừng tổ chức chiêu sinh và giảng dạy tại các địa phương trong cả nước, đặc biệt là TP.HCM".

Nhiều bất thường trong hoạt động đào tạo của trường Đại học Chu Văn An - Ảnh 4.

Trong khi đó, thực tế thì tại trường Đại học Chu Văn An 2 năm nay chưa tuyển sinh được một học viên nào theo hệ chính quy tập trung. Dù là ngày Thứ 5 trong tuần, khi phóng viên có mặt, cả trường không có một lớp nào có học viên cả.

Đại học Chu Văn An nói gì về việc không mở lớp đào tạo tại các trung tâm dạy nghề?

Để minh bạch những thông tin về hoạt động phối hợp tuyển sinh, thuê địa điểm mở lớp đào tạo, theo phản ánh từ phía các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên ở các địa phương như vậy là có phải là trái phép hay không, phóng viên Chuyển động 24h cũng đã làm việc trực tiếp với trường Đại học Chu Văn An để đặt câu hỏi. Và câu trả lời từ đại diện của trường trả lời hoàn toàn khác so với thông tin từ các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên ở trên.

Làm việc với phóng viên, ông Dương Phan Cường, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Chu Văn An cam kết và khẳng định Đại học Chu Văn An không mở lớp đào tạo tại các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên ở các tỉnh.

Ông Cường khẳng định: "Người nào nói là liên kết đào tạo, thì phải chỉ ra được liên kết với ai, như thế nào, bọn em làm không cẩn thận thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cơ quan khác".

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Có hay không có chuyện trường mình liên kết mở lớp đào tạo ở các tỉnh như Thái Bình, Hải Phòng?, ông Cường cũng nói là "Không".

Theo như đại diện của trường Đại học Chu Văn An, thì một số lớp đại học từng diễn ra ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thuộc huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng, huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình… chỉ là những lớp học "ma", không phải do trường nhờ tổ chức. Nghĩa là hoặc là trường bị mạo danh, hoặc là những người đứng đầu các trung tâm kể trên và học viên đã nói dối. Kết luận cuối cùng sẽ phải chờ vào các cơ quan quản lý kiểm tra và đánh giá. Chỉ biết cho đến bây giờ, sau 2 năm đào tạo, nhiều học viên đến học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đã có trên tay tấm bằng cử nhân đại học và câu trả lời cho họ về giá trị của tấm bằng là rất cần thiết.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở Đại học Chu Văn An?

Trên một tấm bằng cử nhân Luật kinh tế hành chính được trường Đại học Chu Văn An, Hưng Yên cấp ngày 25/8/2018, hình thức đào tạo ghi trên bằng là chính quy. Người được cấp bằng vừa học vừa làm tại Hải Phòng và chỉ học vào Thứ 7, Chủ nhật.

Nhiều bất thường trong hoạt động đào tạo của trường Đại học Chu Văn An - Ảnh 5.

Rất nhiều học viên khác đã tốt nghiệp đang giữ vị trí lãnh đạo ở một số xã, hoặc lãnh đạo các đơn vị trong xã như Chủ tịch hội nông dân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ… Sau 2 năm đào tạo - cũng đều được trường Đại học Chu Văn An cấp bằng cử nhân Luật kinh tế hành chính. Một điểm chung mà theo họ phản ánh là đều học theo hình thức vừa học vừa làm.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Phó Bí thư thường trực xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết: "Đi học trường Chu Văn An có 4 cán bộ. Hiện nay 4 đồng chí đã cấp được bằng rồi".

Theo đó, hệ đào tạo của 4 cán bộ này đối với trường Đại học Chu Văn An là hệ vừa học vừa làm, học Thứ bảy, Chủ nhật và bằng cấp là Bằng chính quy.

Dù chưa có con số thống kê đầy đủ về các trường hợp đã lấy bằng cử nhân hệ chính quy tại trường Đại học Chu Văn An, nhưng theo chia sẻ của học viên này, chỉ riêng một lớp học ở Vĩnh Bảo - đã có cả trăm người tham gia.

Bà Đoàn Thị Dung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cộng Hiền chia sẻ: "Không thể nào một cá nhân mình học được, mà rất rất nhiều trong cả huyện này rất nhiều, mình học hầu như toàn bộ là công chức của các xã, các cán bộ phòng, ban rất rất nhiều. Trong lớp mình 100 người thì có cả các chú, các anh là lãnh đạo các xã, rồi những em đang làm hợp đồng cũng đi học. Mình nghĩ một trường không có uy tín, không đào tạo đảm bảo chất lượng thì không có lý do gì lại thu hút nhiều học viên đến thế".

Vậy nhưng, theo Luật sư Trần Tuấn Anh, trong trường hợp này, Đại học Chu Văn An có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vì theo các học viên, trường chỉ tổ chức dạy học vào Thứ 7, Chủ nhật hoặc buổi tối, không học tập trung toàn thời gian, thì trường không được ghi hình thức đào tạo là chính quy.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Văn phòng Luật sư Minh Bạch, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: "Ở đây chúng ta nói đến loại hình đào tạo, và rõ ràng trường Chu Văn An đã ghi sai loại hình đào tạo cho các học viên, ở đây có thể cả học viên hệ liên thông và hệ tại chức. Việc trường ĐH Chu Văn An đào tạo hệ vừa học vừa làm, nhưng lại cấp bằng hệ chính quy, theo tôi là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể ở đây đã cấp ra các văn bằng, chứng chỉ giả về mặt loại hình đào tạo". 

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, việc cấp không đúng văn bằng so với loại hình mà các học viên học và nhà trường đào tạo đào tạo, tức là đã có dấu hiệu làm giả nội dung của văn bằng đại học. Những hành vi này đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành hình sự của tội giả mạo trong công tác theo điều 359 của Bộ Luật hình sự.

Vậy nhưng, khi làm việc với phóng viên, Bí thư đảng ủy trường Đại học Chu Văn An lại phủ nhận chuyện này.

PV: Em muốn hỏi là từ năm 2018 trở về trước, có chuyện đại học Chu Văn An đào tạo theo hệ vừa học vừa làm nhưng lại cấp bằng cử nhân hệ chính quy không?

Ông Dương Phan Cường, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Chu Văn An, tỉnh Hưng Yên: Không có!

PV: Vây tại sao lại có thực tế trường mình đào tạo hệ vừa học vừa làm nhưng lại cấp bằng chính quy, vậy tại sao ạ?

Ông Dương Phan Cường: Đấy là em bảo thế chứ, anh có bảo là anh đào tạo cái đấy đâu".

Trong một thông báo tuyển sinh của đại học Chu Văn An hồi tháng 9 năm 2018, ngoài hệ liên thông, trường còn tuyển sinh hệ văn bằng 2. Văn bản ghi rõ: sau 2 năm sẽ có văn bằng chính quy của nhà trường.

Nhiều bất thường trong hoạt động đào tạo của trường Đại học Chu Văn An - Ảnh 7.

Để chiêu sinh học viên, các thông tin tuyển sinh văn bằng 2 cho trường Chu Văn An còn được đăng tải trên trang web của Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Miền Nam. Và trên cả trang web chính thức của trường như thế này.

Điều bất ngờ là trong cuộc gặp vào ngày 25/6 mới đây, bà Đỗ Thị Diệu Ninh, Phó Phòng kế hoạch tài chính, trường Đại học Chu Văn An lại khẳng định, trường chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2.

Bà Ninh cho biết: "Bọn em không được cấp phép đào tạo văn bằng 2 mà chỉ đào tạo liên thông. Theo quy định của Bộ thì có được đào tạo văn bằng 2 đâu, các lớp ví dụ người ta có bằng đại học rồi, mà người ta muốn học một cái khác, thì bọn em không đào tạo văn bằng 2 mà đào tạo theo chuẩn chính quy, đương nhiên là có bằng đại học rồi thì có bằng cấp 3, thì bọn em đào tạo theo tức là coi như học lại từ đầu, học đúng chuẩn chương trình khung của hệ đại học. Còn liên thông thì bọn em vẫn được phép đào tạo. Bọn em không đào tạo văn bằng 2".

Về vấn đề này, Luật sư Trần Tuấn Anh đã liên hệ tới trường hợp của đại học Đông Đô và Đại học Kinh Bắc: "Nếu thực sự phát sinh câu chuyện là Trường Chu Văn An chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 mà lại tiến hành hoạt động đào tạo, thì tôi cho rằng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với luật giáo dục. Bởi vì anh có được đào tạo thì anh mới được cấp bằng, và bài học pháp lý liên quan đến việc không được phép tuyển sinh, không được phép đào tạo mà vẫn tuyển sinh, đào tạo mà vẫn cấp bằng thì bài học ở trường đại học Đông Đô và Đại học Kinh Bắc ở Băc Ninh là hai trường đã bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố về tội giả mạo trong công tác với hành vi tương tự như trường Chu Văn An bây giờ".

Để minh bạch thông tin này, phóng viên đã làm việc với trường đại học Chu Văn An. Tuy nhiên, ông Dương Văn Cường, Bí thư Đảng ủy trường này cho biết, sẽ trả lời sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước