Chỉ sau vài trận mưa lớn đầu mùa, nhiều tuyến phố tại Thủ đô Hà Nội đã rơi vào tình trạng ngập úng nghiêm trọng. Dù thành phố đã xây dựng các phương án đảm bảo tiêu thoát nước, nhưng với hệ thống hạ tầng hiện tại, nguy cơ ngập tại hàng chục điểm vẫn hiện hữu mỗi khi mưa lớn xảy ra.
Tình trạng ngập úng đã trở thành hình ảnh quen thuộc sau những cơn mưa lớn ở Hà Nội, từ các trục giao thông chính đến các con ngõ nhỏ đều bị ảnh hưởng. Để chủ động ứng phó, nhiều hộ dân như gia đình bà Thanh ở phường Kim Mã, quận Ba Đình đã phải kê cao đồ đạc, sẵn sàng đối phó với nguy cơ nước mưa lẫn nước thải tràn vào nhà.
Bà Đinh Thị Thanh chia sẻ: "Không có chỗ thoát, mưa phải mất 3-4 tiếng mới rút. Mỗi lần ngập thì cống rãnh trào lên, hôi thối, bẩn thỉu, ruồi muỗi đầy nhà. Mưa là lại lo lắng."
Nỗi lo của người dân là có cơ sở, khi hệ thống cống ngầm nhiều nơi vừa hẹp vừa bị bùn rác bồi lấp. Để sẵn sàng cho mùa mưa, các đơn vị thoát nước đã huy động nhân lực, thiết bị, tăng cường công tác bơm hút, khơi thông cống rãnh, mương và sông để nâng cao khả năng tiêu thoát nước.
Ông Vũ Văn Tiến Quỳnh, Xí nghiệp Thoát nước số 1, cho biết: "Vào mùa mưa, bùn rác dồn xuống lòng cống rất nhiều. Chúng tôi phải thau dọn liên tục để đảm bảo đường cống được thông thoáng."
Một trong những công trình trọng yếu giúp giảm ngập cho nội đô là Trạm bơm Yên Sở, với 20 tổ máy bơm công suất 90m³/s, cùng hai kênh dẫn và năm hồ chứa nước với tổng dung tích trên 4 triệu m³. Khi mưa lớn, nước từ các hồ sẽ được bơm ra sông Hồng, qua đó hỗ trợ tiêu thoát cho các quận nội thành và khu vực phía Tây nếu sông Nhuệ dâng cao.
Ông Trịnh Ngọc Thái, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở, cho biết: "Khi trời mưa, trạm sẽ vận hành từ 1 đến 2 tổ máy, sau đó tăng dần theo lượng nước dồn về. Nếu mực nước vượt ngưỡng 2,1m theo quy định của Sở Xây dựng, chúng tôi sẽ tăng cường bơm để giữ mực nước ở mức thấp nhất."
Dù Hà Nội có nhiều trạm bơm chuyển bậc để đẩy nước từ các hồ ra sông trong nội đô, nhưng chỉ duy nhất trạm bơm Yên Sở có thể xả nước trực tiếp ra sông Hồng. Vì vậy, nếu mưa lớn xảy ra trên diện rộng và dồn dập, toàn thành phố vẫn sẽ phải đối mặt với khoảng 30 điểm ngập úng.
Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: "Hệ thống vừa thiếu, vừa yếu. Gần như tất cả 30 điểm ngập hiện nay đều nằm trong các dự án đã có kế hoạch xử lý nhưng triển khai còn chậm, dẫn đến tình trạng úng ngập kéo dài."
Trong bối cảnh các điểm đen về ngập úng chưa thể xử lý triệt để, hạ tầng kỹ thuật còn bất cập, thì giải pháp tối ưu lúc này vẫn là chủ động chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để kịp thời ứng phó với các tình huống ngập úng do mưa lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!