Chuyện đời những người lính già nơi góc chợ Đông Ba

Nguyễn Trọng-Thứ năm, ngày 01/05/2025 09:43 GMT+7

Nhà giữ xe thương binh nép mình phía sau khu chợ Đông Ba sầm uất.

bangdatally.xyz - 37 năm qua, giữa lòng chợ Đông Ba sầm uất, có một nhà giữ xe đặc biệt, nơi những người lính thương binh năm xưa tiếp tục với những nhọc nhằn mưu sinh.

"Tình đồng đội không phải chỉ khi xông pha trận mạc mới có. Mà cả khi lê lết với cây nạng, đẩy nhau chiếc xe, vẫn là nương tựa lẫn nhau", ông Trương Ngọc Hạnh, tổ trưởng nhà giữ xe thương binh, trầm ngâm nói.

Bình minh ở nhà xe thương binh

Tờ mờ sáng, khi chợ Đông Ba còn ngái ngủ, phía sau khu chợ đã thấp thoáng bóng người tất tả. Một tấm bảng nhỏ treo khiêm tốn bên lề đường: "Nhà giữ xe thương binh". Dưới ánh đèn vàng lờ mờ, những người đàn ông lặng lẽ dắt xe, xếp từng chiếc ngay ngắn vào khuôn bãi.

Ông Trương Ngọc Hạnh, tổ trưởng nhà giữ xe, nhanh nhẹn ghi vé, hướng dẫn khách vào chỗ. Dáng vẻ khỏe khoắn, lanh lẹ, đôi tay gân guốc của ông không ngơi nghỉ. Khác với nhiều đồng đội mang trên mình thương tích chiến tranh, ông Hạnh may mắn có cơ thể lành lặn hơn. Nhưng nhìn vào những gương mặt khác, người ta dễ dàng nhận ra dấu vết của thời binh lửa: những bước đi tập tễnh, ánh mắt nhòe mờ, những mảng da sạm màu thuốc súng.

Chuyện đời những người lính già nơi góc chợ Đông Ba - Ảnh 1.

Với những thương binh như ông Định, làm việc để có sức khoẻ, có thu nhập, và hơn hết được gặp lại những người đồng đội cũ trên chiến trường xưa.

Mỗi sáng, khi những chiếc xe máy nối đuôi nhau vào gửi, các thương binh lại cùng nhau xoay trở. Những chiếc xe tay ga mới cứng, nặng trĩu, thỉnh thoảng làm khó những thân thể mang chân giả, cánh tay thiếu hụt.

Ông Nguyễn Văn Định, một tổ viên khập khiễng đỡ đuôi xe, mồ hôi thấm ướt lưng áo. Ở tuổi ngoài 60, cơ thể ông chằng chịt vết thương: mất một chân, tổn thương mắt, tỷ lệ thương tật lên tới 63%.

"Gặp mấy chiếc xe ga bự, thiệt sự lo lắm. Trượt tay là đền xe người ta. Nhưng mà đồng đội còn đó, khó khăn cứ hô một tiếng là có ngay, từ từ nhích một chút, chậm một chút, ráng là xong", ông Định cười hiền.

Nhà giữ xe được thành lập từ năm 1987, sau khi những người lính rời chiến trường biên giới phía Tây. Không nghề nghiệp, không đất đai, họ lặng lẽ tập hợp nhau lại giữa phố thị, gắng gượng tìm kế sinh nhai. Ban đầu, họ được bố trí trông coi một khu đất nhỏ gần cầu Gia Hội (cũ). Công việc không chỉ là giữ xe, mà còn là giữ chợ: bảo vệ trật tự, trông coi tài sản cho bà con tiểu thương.

Chuyện đời những người lính già nơi góc chợ Đông Ba - Ảnh 2.

Hơn 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Định với thương tật đến 63% vẫn cần cù làm việc

"Hồi đó, tụi tôi vừa dắt xe, vừa nhắc nhở trật tự, ai làm rối là phải góp tiếng. Nhiều lúc cũng phải can thiệp giải hòa, giữ an toàn cho bà con buôn bán", ông Hạnh kể.

Dù mang trên mình thương tật, họ không muốn sống dựa vào trợ cấp. "Tiền thương tật thì có, nhưng tụi tôi coi đó là phụ. Cái chính là phải lao động, kiếm đồng ra đồng vô, mới thấy đời mình còn có ích", ông Định bộc bạch.

Từ tờ mờ sáng đến tối muộn, khi những tiểu thương cuối cùng rời chợ, họ mới khép cánh cửa bãi xe. Không có giờ giấc cụ thể. Chỉ cần còn khách, còn xe, còn trách nhiệm với nhau.

Một góc đời bình dị

37 năm bám trụ, bãi xe ấy không chỉ là nơi mưu sinh, mà còn là mái nhà ấm áp của những người từng kề vai sát cánh ngoài chiến trường. Khi ai đó đau ốm, người khác lập tức thay phiên trực hộ. Nếu trong tổ có người gặp khó khăn, tất cả cùng góp tay hỗ trợ, mỗi người vài ba chục ngàn, cuối tháng gom lại gửi thêm chút tiền nghĩa tình.

Ông Định, với cơ thể tật nguyền, từng có lúc tuyệt vọng nghĩ mình chỉ còn sống nương nhờ trợ cấp. Nhưng khi nhà giữ xe ra đời, ông như tìm lại ý nghĩa cuộc đời: được gần gũi đồng đội, được tập luyện sức khỏe, được kiếm đồng ra đồng vào nuôi gia đình, và trên hết là được cảm thấy mình vẫn còn có ích.

Chuyện đời những người lính già nơi góc chợ Đông Ba - Ảnh 3.

Ông Hạnh cho biết, nhà xe chủ yếu lập nên để đùm bọc nhau, giữa những người vào sinh ra tử trên chiến trường.

Những cuộc trò chuyện bên ấm trà mỗi trưa, vẫn xoay quanh chuyện cũ: những trận đánh ác liệt, những lần hành quân thiếu cơm thiếu nước, và cả những người đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường xa.

Mỗi chiếc vé giữ xe, mỗi lần dắt bộ chiếc xe nặng trĩu, với họ là một lần chiến thắng chính mình. Dù thu nhập chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, dù tuổi già kéo theo những cơn đau xương khớp triền miên, nhưng nụ cười trên khuôn mặt những người lính già chưa bao giờ tắt.

Tiểu thương chợ Đông Ba từ lâu đã coi các chú giữ xe như một phần không thể thiếu. Những lời cảm ơn, cái gật đầu thân thiện mỗi ngày là phần thưởng âm thầm cho những tháng năm nhọc nhằn.

"Chừng nào còn đứng dắt xe được thì còn làm. Còn sức là còn giữ, không để ai phải lo cho mình" -  ông Định nói, ánh mắt ánh lên nét cương nghị.

Góc nhỏ sau chợ ấy, không chỉ giữ những chiếc xe máy. Nó còn giữ lại ký ức một thời hoa lửa, giữ lấy niềm tự hào, giữ lấy đời nhau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước