Đảng ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam xã Ea Kuăng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 60 năm ngày giải phóng các dinh điền Quảng Cư, Thăng Quý, Vụ Bổn và 25 năm đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Các tiết mục văn nghệ chào mừng lễ kỉ niệm.
Ea Kuăng không chỉ là địa danh, mà là một biểu tượng – nơi hội tụ ý chí đấu tranh và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc. Từ những năm đầu chống Mỹ, nơi đây đã trở thành “hậu cứ” tin cậy, nuôi dưỡng lực lượng cách mạng. Những người mẹ, người chị tay cày tay súng, những già làng gùi từng bao gạo vượt rừng, từng lớp thanh niên lên đường chiến đấu.
Người dân xã Ea Kuăng vui mừng khi được gặp lại nhau ôn kỉ niệm.
Giai đoạn 1958 – 1960, hàng trăm gia đình ở tỉnh Quảng Nam bị chính quyền ngụy bắt ép di dân lên Đắk Lắk, lập nên các dinh điền Quảng Cư, Thăng Quý, Vụ Bổn. Mục đích của chúng là đưa lao động đi khai hoang, trồng cà phê, cao su; đồng thời li khai các gia đình nghi ngờ theo cộng sản ra khỏi cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng.
Từ năm 1963, người dân ở các dinh điền đã móc nối với cách mạng tại vùng căn cứ, phong trào đấu tranh giành độc lập bắt đầu nhen nhóm và bùng lên mạnh mẽ. Đến năm 1965, Quảng Cư, Thăng Quý, Vụ Bổn là những dinh điền đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk được giải phóng.
Tuy nhiên, địch điên cuồng bố ráp, càn quét, buộc người dân các dinh điền phải rút vào rừng lập làng chiến đấu, sản xuất nuôi quân. Cam go nhất là giai đoạn 1969 – 1972, địch liên tục đánh phá, sử dụng hỏa lực, máy bay, bom napan, chất độc hóa học… nhằm đè bẹp phong trào đấu tranh của người dân các dinh điền.
Người dân dù trải qua không biết bao nhiêu đói khổ, đau thương nhưng vẫn kiên gan, bền chí giữ vững vùng hậu cứ; đưa phong trào đấu tranh đi từ yếu đến mạnh, từ thắng lợi nhỏ đến thắng lợi lớn, góp sức cùng quân, dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Kể từ sau Hiệp định Paris năm 1973, địch dần suy yếu, co cụm lại ở các quận lị, người dân Quảng Cư, Thăng Quý, Vụ Bổn đã không ngừng tăng gia sản xuất, đóng góp lương thực cùng sức người tham gia dân công, tiếp vận cho bộ đội, du kích.
Từ sau năm 1975, xã Ea Kuăng được thành lập, các gia đình nơi đây đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, đồng lòng lập nên các thành tích mới trong xây dựng mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Ghi nhận những thành tích ấy, ngày 8/11/2000, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ, quân và dân xã Ea Kuăng.
Sau 50 năm hòa bình, thống nhất, xã Ea Kuăng đã khoác lên mình diện mạo mới. Từ một vùng kinh tế nhỏ lẻ, mang tính tự cung, tự cấp, những năm qua, kinh tế của xã Ea Kuăng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2020-2025, kinh tế của xã tăng trưởng bình quân từ 7% trở lên; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 55 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 55,7 triệu đồng/người/năm. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, các chế độ chính sách cho người nghèo, người có công được triển khai kịp thời; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên.
Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã Ea Kuăng tặng quà tri ân gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Lý.
Năm 2012, xã Ea Kuăng thành lập Ban liên lạc xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ea Kuăng với thành viên là các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu, công tác tại các dinh điền Quảng Cư, Thăng Quý, Vụ Bổn. Ban liên lạc đã phối hợp cùng Đội K51 tìm kiếm, quy tập 36 hài cốt liệt sĩ. Ban liên lạc cũng duy trì tổ chức gặp mặt, thăm viếng đồng đội, người có công…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!