Đất bị thu hồi, quyền sử dụng... lạc trôi: Ai sẽ trả lại cho dân?

Nguyễn Trọng-Thứ sáu, ngày 09/05/2025 17:57 GMT+7

Phần đất của người dân bị thu hồi nhưng chưa được đền bù nằm dưới chân hồ chứa nước Thuỷ Yên.

bangdatally.xyz - Dự án hồ chứa nước Thủy Yên điều chỉnh, đất thu hồi bị bỏ hoang, quyền lợi người dân bị treo lơ lửng, còn trách nhiệm thì… chưa nơi nào nhận.

Một dự án, nhiều vướng mắc, không ai đứng ra giải quyết

Như đã thông tin trước đó, dự án hồ Thủy Yên - Thủy Cam đã thu hồi đất của hàng chục hộ dân nhưng không bồi thường. Thời báo VTV tiếp tục tìm hiểu những vướng mắc pháp lý khiến quyền sử dụng đất bị treo suốt 15 năm, và câu hỏi trách nhiệm vẫn chưa ai đứng ra trả lời.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đất nông nghiệp của hơn 50 hộ dân ở thôn Thủy Yên Thượng bị thu hồi từ năm 2010 để nhường chỗ cho dự án hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam. Gần hai thập kỷ trôi qua, dự án thì thay đổi, đất không còn được sử dụng như kế hoạch ban đầu, nhưng điều khiến người dân bức xúc hơn cả là tình trạng "mất trắng", không đền bù, không sổ đỏ, không hướng dẫn pháp lý để được tiếp tục sử dụng mảnh đất từng là cần câu cơm của cả gia đình.

Được biết, dự án hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) làm chủ đầu tư, với kinh phí hơn 645 tỉ đồng. Sau khi được phê duyệt, UBND huyện Phú Lộc đã ban hành quyết định thu hồi hơn 44,7 héc-ta đất, trong đó hơn 26 héc-ta là đất của người dân thôn Thủy Yên Thượng. Người dân cho biết họ đã nhận được thông báo thu hồi, xem bảng kê đền bù tại nhà trưởng thôn. Vì tin tưởng, người dân đã tiến hành đốn hạ những cây trồng trên đất để bàn giao mặt bằng sạch phục vụ dự án hồ chứa nước.

Đất bị thu hồi, quyền sử dụng... lạc trôi: Ai sẽ trả lại cho dân? - Ảnh 1.

Khi đối chiếu trên bản đồ thì phần đất của hơn 50 hộ dân đã bị thu hồi, trong khi người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

Thế nhưng, đền bù không tới, sổ đỏ cũ bị treo, sổ mới không được cấp. Mọi thứ rơi vào trạng thái dở dang. Nhiều người gọi đó là "vùng đất lửng lơ" khi 26 héc-ta đất đó không thuộc về ai, cũng không ai dám đụng đến.

Ông Nguyễn Văn Tánh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Lộc, thừa nhận có sự điều chỉnh quy hoạch dự án, dẫn tới việc nhiều diện tích đất sau đó không còn nằm trong diện cần sử dụng. Dù vậy, chính quyền địa phương vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm với phần đất không dùng đến ấy. "Chúng tôi đang phối hợp rà soát để báo cáo UBND TP Huế, trong đó có nội dung xin kinh phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân", ông Tánh nói.

Tuy nhiên, với người dân, sự giải thích đó chưa đủ sức thuyết phục. Bởi nếu đất không còn dùng cho dự án, vì sao không trả lại cho dân bằng một thủ tục hành chính rõ ràng? Và nếu đã thu hồi, tại sao đền bù lại bị bỏ lửng suốt hơn một thập kỷ?

Không đền bù, cũng không trả lại đất: quyền lợi bị treo, dân kẹt giữa hai đầu

15 năm là quá dài để một quyết định thu hồi đất chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Đối với người dân Thủy Yên Thượng, quãng thời gian ấy là chuỗi ngày mòn mỏi gõ cửa khắp nơi, từ xã, huyện, rồi lên tận tỉnh chỉ để hỏi một câu rất căn bản: "Mảnh đất đó hiện thuộc về ai?"

Ông Đào Tưởng, một người dân bị ảnh hưởng, nói trong nỗi ngao ngán: "Lúc bị thu hồi, chúng tôi tin tưởng nên chấp hành ngay. Nhưng suốt 15 năm nay không một đồng đền bù, cũng chẳng ai chỉ dẫn thủ tục làm lại sổ đỏ. Họ bảo đất đã thu hồi cho dự án hồ chứa nước rồi. 15 năm qua chúng tôi vẫn đang đi đòi lại quyền lợi chính đáng của mình".

Thực tế, một phần đất bị bỏ hoang do không dám sử dụng. Phần khác, người dân vẫn canh tác cầm chừng trong tâm trạng thấp thỏm, vì không có giấy tờ hợp pháp nào để đảm bảo cho quyền lợi của họ. Việc vay vốn, thế chấp, hoặc thậm chí là chuyển nhượng đều không thể thực hiện. Mảnh đất từng là tư liệu sản xuất bỗng dưng trở thành vùng trắng pháp lý.

Ông Đặng Ngọc Quốc An, Phó phòng Kỹ thuật thuộc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Huế xác nhận, dự án đã buộc phải điều chỉnh sau Nghị quyết 11/2011 về cắt giảm đầu tư công. Phần đất không cần sử dụng được giao cho địa phương thông báo cho dân tiếp tục sử dụng. "Tỉnh cũng có văn bản hướng dẫn để người dân chuyển nhượng, sử dụng đất bình thường" ông An nói.

Đất bị thu hồi, quyền sử dụng... lạc trôi: Ai sẽ trả lại cho dân? - Ảnh 2.

Hoàn thành từ năm 2016 đến nay nhưng công trình hồ chứa nước Thuỷ Yên vẫn chưa sử dụng đúng mục đích của nó

Tuy nhiên, những văn bản ấy, người dân chưa từng được tiếp cận. Không ai hướng dẫn họ khôi phục quyền sử dụng đất, không ai xác nhận bằng văn bản rõ ràng để đưa ra địa chính làm lại giấy tờ. Và điều quan trọng hơn, không có ai chịu trách nhiệm cụ thể trong việc giám sát việc thực thi các văn bản đó.

Cứ như thế, quyền lợi chính đáng của người dân bị trôi dạt trong vòng lặp hành chính, nơi các công văn ra đi đều có hướng dẫn, nhưng lại không có điểm đến cuối cùng.

15 năm qua là 15 năm người dân sống giữa hai đầu pháp lý: không có đền bù vì dự án không còn dùng đất, nhưng cũng không được trả lại đất vì hồ sơ chưa hoàn tất. Một hành trình hành chính kéo dài quá lâu đã khiến niềm tin vào chính sách bị bào mòn.

"Tôi chỉ mong được làm lại sổ đỏ để yên tâm canh tác, để đất có tên mình như trước kia. Đất có thể không đổi chủ, nhưng quyền sử dụng thì không ai dám công nhận nữa," một người dân nói trong tiếng thở dài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước