Gần 4 tháng kể từ khi Nghị quyết 173/2024/QH15 có hiệu lực, cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN), thị trường thuốc lá mới vẫn chuyển biến ngày càng phức tạp.
Dù bị cấm, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vẫn liên tục được nhập lậu vào thị trường, một phần do nhu cầu tiêu dùng lớn, phần khác do các đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp lý và sự khó kiểm soát từ các nền tảng công nghệ giao dịch.
Người dùng vẫn tìm đến thị trường lậu
Khảo sát tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, việc sử dụng thuốc lá mới không giảm mà còn tăng. Những người sử dụng sẵn sàng chấp nhận giá cao, khó mua, thậm chí tìm đến các nền tảng mạng xã hội để đặt hàng. Một nữ sinh viên 20 tuổi tại Hà Nội nói thẳng: "Lệnh cấm không ảnh hưởng lắm. Chỉ cần kín đáo hơn là được."
Trong khi đó, B.K. (21 tuổi, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Giờ vape khó mua hơn, giá cũng đắt hơn trước, nhưng vẫn có hàng."
Ông Phan Quốc Đông – Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: "Xu hướng ưa chuộng sản phẩm mới, là một rào cản đáng kể với công tác chống buôn lậu." Phát ngôn được ông đưa ra tại một buổi tọa đàm về thuốc lá mới vừa diễn ra đầu tháng 4/2025.
Đại diện lực lượng thực thi, ông Phùng Danh Tuyến – Phó Trưởng phòng Tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, việc triển khai quy định mới đang gây khó khăn cho người dùng trong việc thích ứng, cơ quan chức năng cũng lúng túng trong việc xác định đâu là TLĐT, đâu là TLNN.
Ông Phùng Danh Tuyến – Phó Trưởng phòng Tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội
Do đó, TS. Nguyễn Quốc Việt , nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đề xuất cần khảo sát kỹ nhu cầu thị trường trước khi ban hành các chính sách, bởi "nếu chỉ xử lý vi phạm riêng lẻ thì chưa đủ để giải quyết tận gốc".
Về mặt khoa học, ông Nguyễn Chí Nhân , Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng dẫn chứng, nhiều cơ quan quản lý quốc tế như FDA (Hoa Kỳ), Bộ Y tế Anh, Nhật… đã phân biệt rõ giữa TLĐT và TLNN.
Về một số hệ lụy ngoại ý, năm 2019-2020, báo cáo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) có công bố một số ca ngộ độc TLĐT (sử dụng tinh dầu chứa cần sa). Tuy nhiên, đối với TLNN thì đến nay chưa có sự cố tương tự nào được ghi nhận.
Đối với vấn đề giới trẻ, mới đây FDA cũng công bố nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học Dự phòng Mỹ (AJPM ) ngày 14/3, cho thấy nỗ lực của ngành y tế nước này đã giúp giảm gần 70% tỷ lệ sử dụng TLĐT ở giới trẻ so với năm 2019. Cụ thể, dữ liệu đến cuối năm 2024 cho thấy hiện chỉ còn 5,9% học sinh Mỹ có sử dụng TLĐT, hiện đạt mức thấp nhất trong 25 năm qua . Riêng tỷ lệ học sinh Mỹ sử dụng TLNN chỉ ở mức 0,8%.
Cần làm rõ định nghĩa và phân loại các sản phẩm thuốc lá mới
Năm 2020, Việt Nam cũng từng ban hành 3 tiêu chuẩn quốc gia cho TLNN. Theo đó, nếu sản phẩm không tạo ra khói đốt, sử dụng nguyên liệu thuốc lá và làm nóng trực tiếp, thì được xếp vào nhóm TLNN. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng trong luật để định nghĩa, phân loại cụ thể.
Ông Lê Đại Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc sớm định nghĩa TLĐT và TLNN trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Nghị định 67/2013 là cần thiết. Điều này không chỉ giúp lực lượng chức năng dễ xử lý, mà còn tránh đồng nhất mức độ gây hại của các loại sản phẩm khác nhau.
Ông Lê Đại Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế - Bộ Tư pháp.
Hiện Bộ Tư pháp cũng đã có quan điểm chính thức tại Báo cáo thẩm định số 68/BCTĐ-BTP , đề nghị bổ sung định nghĩa TLĐT và TLNN vào Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 67/2013. Mục tiêu là tránh sự đánh đồng giữa mức gây hại giữa các loại thuốc lá mới, tránh gây khó khăn trong việc xây dựng và áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp .
Dữ liệu từ hơn 90 quốc gia đã cấp phép TLNN cũng cho thấy, nếu có cơ sở khoa học và pháp lý rõ ràng, thì quản lý loại thuốc lá mới này theo hướng phù hợp, có kiểm soát, vẫn là con đường bền vững hơn trong dài hạn./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!