Đình Hùng Lô là nơi lưu giữ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có niên đại gần 400 tuổi
Nằm tại ngôi làng cổ Hùng Lô với niên đại gần 400 tuổi, Đình Hùng Lô từ lâu đã đi vào tâm thức của người dân Việt Nam với những phong tục, tập quán gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Tương truyền, vào một ngày đẹp trời Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần đi du ngoạn, săn bắn. Đến vùng đất Hùng Lô, thấy cảnh đẹp, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt nên dừng nghỉ chân. Về sau, để tỏ lòng biết ơn người dân lập miếu thờ, đến đời Lê Hy Tông (1697), đình được xây dựng, hướng về núi Nghĩa Lĩnh.
Đình Hùng Lô thờ Ất Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương, Áp Đạo Đại Vương, những người khai sinh, cai quản vùng đất này.
Trò chuyện với chúng tôi, Thủ từ Nguyễn Văn Tòng cho biết, Đình Hùng Lô thờ các vị thần: Ất Sơn Thánh vương, Viễn Sơn Thánh vương và Áp Đạo quan Đại vương. Đây là các nhân vật lịch sử liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt. Đình cổ Hùng Lô gồm nhiều hạng mục công trình như: tòa Đại đình, Phương Đình, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà tiền tế, Miếu Hùng Vương… Tất cả đều được xây dựng bằng những loại gỗ quý hiếm như đinh, lim, sến, táu…
Đình Hùng Lô được công nhận Di tích lịch sử Quốc Gia năm 1990
Tòa Đại đình được cấu trúc theo kiến trúc truyền thống ba gian, hai chái. Cả ba gian đều có bàn thờ. Các gian tiền tế được xây theo cấu trúc năm gian, hai chái. Hai bên đình là nhà thờ Phật và bệ thờ Thần Nông. Khu sân đình được bài trí thoáng rộng với hòn non bộ, cây si, cây đa rủ bóng.
Cũng theo cụ Tòng, Đình Hùng Lô không chỉ là nơi lưu giữ văn hóa thờ cúng Hùng Vương, nơi đây còn trở thành trung tâm văn hóa lễ hội Hát Xoan mỗi dịp tết đến xuân về; đặc biệt trong dịp Lễ hội Đền Hùng 10/3 (âm lịch) hằng năm.
Đình Hùng Lô được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990. Đến năm 2022, lễ hội Đình Hùng Lô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đình vẫn giữ được sách cổ An Lão thần tích nói về lịch sử hình thành từ năm 1752 được viết bằng chữ Hán Nôm.
Đình Hùng Lô nổi tiếng về lễ hội truyền thống tổ chức đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 (âm lịch). Lễ hội Đình Hùng Lô gồm 7 nghi lễ chính là: Lễ mở cửa đình (dâng hương, lau chùi đồ thờ, quét dọn đình và xung quanh đình); Lễ mộc dục (lấy nước giếng của đình mang vào để dùng cho các công việc của đình); Lễ tế ra quan (khoác áo mũ cho bài vị của thần); Lễ rước thần (rước kiệu); Lễ nhập tịch (mời các vị Thánh Vương về ngự); Đại lễ (dâng lễ, đọc bài văn tế, nêu sự tích, công lao của các vị Thánh Vương); Lễ tạ (xin các thần cho hạ lễ và thu dọn đồ khí tự, kết thúc lễ hội).
Trong khuôn viên đình, chuông đá với niên đại hàng trăm năm vẫn được lưu giữ
Theo Thủ từ Nguyễn Văn Tòng, nghi lễ rước kiệu của xã Hùng Lô cùng với sự lưu giữ các đồ thờ, cúng tại đình làng thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử của các thế hệ người Hùng Lô. Tập tục, nếp làng từ đời này qua đời khác vẫn được lưu giữ, chính là giá trị văn hóa độc đáo của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Qua đó, từ nhiều đời nay người dân nơi đây luôn ý thức với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ rước kiệu. Người dân Hùng Lô không chỉ trực tiếp giáo dục và truyền thông về lịch sử - văn hóa của quê hương, đất nước cho các thế hệ tại địa phương mà còn góp phần thiết thực vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội đình Hùng Lô đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng nơi đây cũng như của du khách thập phương.
Một số hình ảnh đặc sắc tại Đình Hùng Lô:
Trầm tích nhiều lớp văn hóa dân gian đặc sắc.
Với nhiều nét kỹ xảo tinh tế
Nằm trầm mặc cùng năm tháng.
Miếu cổ Hùng Lô là ngôi miếu lâu đời.
Trải qua hàng trăm năm Đình Hùng Lô vẫn giữ được nét cổ kính
Ngày nay Đình Hùng Lô còn trở thành trung tâm văn hóa cộng đồng mỗi dịp tết đến xuân về và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hằng năm
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!